Làm thơ đuổi cá sấu trên sông Hồng, tiến sĩ quê Bắc Ninh được vua Trần đổi từ họ Nguyễn sang họ Hàn
Làm văn đuổi cá sấu trên sông Hồng, tiến sĩ quê Bắc Ninh được vua Trần cho đổi từ họ Nguyễn sang họ Hàn
Thứ hai, ngày 09/01/2023 05:17 AM (GMT+7)
Năm Nhâm Ngọ (1282) niên hiệu Thiệu Bảo, thứ 4 đời Trần Nhân Tông “…tháng tám, mùa thu có cá sấu đến sông Phú Lương (sông Hồng ngày nay). Nhà vua sai quan Hình bộ thượng thư là Nguyễn Thuyên làm bài văn thả xuống sông, cá sấu tự nhiên bỏ đi, nhà vua thấy việc đó giống như việc Hàn Dũ bèn cho Nguyễn Thuyên được đổi họ Hàn...
Vượt cầu Bình Than sang bên kia sông Đuống, đây Đền Cao Lỗ Vương, kia bãi Nguyệt Bàn, xuôi Lục Đầu giang mênh mang sóng nước, theo đê hữu sông Thái Bình về xã Lai Hạ, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh)- quê hương của danh nhân khoa bảng Hàn Thuyên.
Dẫn vào đền thờ Hàn Thuyên ở khu Đồng Bến, phía Tây Bắc thôn Lai Hạ, xã Lai Hạ, thay cho con đường nhỏ ngày xưa, mưa lầy, nắng bụi, nay là con đường nhựa phẳng lỳ, rộng rãi, kết nối đi nhiều ngả.
Cũng chẳng còn dấu tích ngôi đền nhỏ mà hiển hiện một quần thể di tích lịch sử, tâm linh bề thế, khang trang giữa sức sống của mênh mông ruộng đồng và trù phú làng quê.
Dâng nén tâm nhang, thành kính tri ân bậc tiền nhân, chúng tôi được đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Lai Hạ Phạm Đăng Biển và ông Nguyễn Hữu Dính, Trưởng tộc dòng họ cụ Hàn Thuyên ở thôn Lai Hạ đưa tham quan khu đền và tìm hiểu về danh nhân khoa bảng Hàn Thuyên.
Thời gian trôi qua mấy thế kỷ, chiến tranh, địch hoạ… khiến tư liệu về Hàn Thuyên không còn nhiều. Cụ Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên), sinh ngày 15-2, mất ngày 17-5 (chưa rõ năm sinh và năm mất), người thôn Lai Hạ, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài (Bắc Ninh).
Nguyễn Thuyên là cháu gọi cụ Nguyễn Dương là ông nội. Cụ Nguyễn Dương là võ cử làm quan thời nhà Lý được phong Thái Bảo- Quận công. Nguyễn Thuyên đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1247 và làm quan triều Trần đến Hình bộ thượng thư, có nhiều công lao trong việc xây dựng triều chính, giữ kỷ cương, phép nước và an dân.
Đền thờ Hàn Thuyên, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh).
Hàn Thuyên nổi tiếng trong lịch sử với bài Văn tế cá sấu. Dựa vào những hiện vật đang lưu giữ tại đền thờ Hàn Thuyên và dày công lật tìm cứ liệu từ Đại Việt sử ký toàn thư (1993), Nxb Khoa Học Xã Hội; Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII (1998), Nxb Giáo dục; Lịch sử Đảng bộ xã Lai Hạ (2018)… về sự kiện này, được biết: Năm Nhâm Ngọ (1282) niên hiệu Thiệu Bảo, thứ 4 đời Trần Nhân Tông “…tháng tám, mùa thu có cá sấu đến sông Phú Lương (sông Hồng ngày nay).
Nhà vua sai quan Hình bộ thượng thư là Nguyễn Thuyên làm bài văn thả xuống sông, cá sấu tự nhiên bỏ đi, nhà vua thấy việc đó giống như việc Hàn Dũ bèn cho Nguyễn Thuyên được đổi họ Hàn…”.
Ông Nguyễn Hữu Dính còn cho biết thêm câu chuyện vẫn được dòng họ ông kể lại qua bao đời: “Nhờ công đuổi được cá sấu, vua Trần ngỏ ý ban thưởng cho Hàn Thuyên nhưng ông chỉ xin vua cho người dân Lai Hạ vốn nghề nông và chài lưới còn nhiều khó khăn được đặc quyền đánh bắt cá ở một số con sông trong vùng”.
Hiện nay có một số văn bản tương truyền là bài Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên. Các văn bản đó người đời sau đã sửa chữa nên không còn nguyên gốc.
Tại đền thờ Hàn Thuyên hiện treo một văn bản bài Văn tế cá sấu với phần dịch nghĩa, hàm chứa đầy tinh thần tự tôn dân tộc, như sau: “Kia hỡi ngặc ngư mày có hay ?/Bể Đông rộng rãi là nơi mày/ Phú Lương đây thuộc về thánh vực/ Lạc lối đâu mà lại tới đây/ Phải biết rằng người Việt ta xưa/ Vốn dân chài lưới có đâu vừa/ Đời Hùng vẽ mình vua dậy bảo/ Ngày đêm sông nước đảo long chừa/ Thánh thần đã dõi bấy chiều nay/ Đây từ hải ấp ngôi trời hay/ Võ công vang dậy bốn phương tĩnh/ Bể bể sông sông cũng nặng trong/ Từ nay xa dân dân cày cấy/Các vật đều yên đâu an đấy/ Ta vâng thánh thượng bảo ngay mày/ Về ngay biển Đông mà vùng vẫy”.
Là người từng có nhiều năm nghiên cứu văn học và văn hoá Việt Nam, giảng dạy tại các trường Đại học và công tác tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn học Lại Phi Hùng hiện là giảng viên cao cấp Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân trao đổi: Trước đây có người đã cho rằng bài Văn tế cá sấu đó được viết bằng chữ Nôm, nhưng điều đó không lấy gì làm chắc chắn vì bài văn đã được thả xuống sông không còn lưu truyền văn bản.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Hàn Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngũ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy (từ sự kiện bài Văn tế cá sấu)”. Và vua Tự Đức từng có thơ khen Hàn Thuyên: “Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay/Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay/Sông Lô đuổi sấu in Hàn Dũ/Nên được nhà vua đổi họ ngay”. Dựa vào cứ liệu trên có thể thấy nhiều khả năng bài văn tế được viết bằng chữ Nôm.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn học Lại Phi Hùng: Đóng góp đặc biệt quan trọng của Hàn Thuyên là với nền văn học viết bằng chữ Nôm của dân tộc. Ông được coi là người đầu tiên mang chữ Nôm dùng vào văn học, cụ thể là dùng luật thơ Đường làm thơ Nôm nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là “Hàn luật”, đồng thời là tác giả của tập thơ Phi sa tập.
Nhờ có ông áp dụng vào thơ phú chữ Nôm đã khởi đầu trong việc giúp tiếng nói đời thường của dân tộc trở thành ngôn ngữ văn học, đưa ngôn ngữ tiếng Việt lên đỉnh cao mới để nuôi dưỡng, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc.
Tưởng nhớ công lao to lớn của danh nhân khoa bảng Hàn Thuyên, người dân Lai Hạ lập đền thờ tại đất ở của cụ ngày xưa từ thế kỷ XIV và tổ chức lễ hội đền vào ngày 17-5 (Âm lịch) hằng năm. Năm 1995, đền thờ Hàn Thuyên được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Theo thời gian và thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, đền thờ Hàn Thuyên nhiều lần bị tàn phá. Trên nền cũ, người dân vùng đất nghèo Lai Hạ thành kính dựng ngôi đền nhỏ ba gian với gỗ bạch đàn, lợp ngói và nung nấu quyết tâm, nỗ lực tu bổ nơi thờ tự khang trang hơn để tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương.
Đồng chí Phạm Đăng Biển, Bí thư Đảng uỷ xã Lai Hạ cho biết: Năm 2004, UBND xã Lai Hạ (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đã thành lập Ban vận động xây dựng ngôi đền mới.
Suốt gần 20 năm từng bước kiên trì tôn tạo với nhiều nỗ lực của các cấp và nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng của tỉnh, huyện, con em quê hương và các nhà hảo tâm, đền thờ Hàn Thuyên đã cơ bản hoàn thành các hạng mục theo quy hoạch tổng thể, bề thế, khang trang từ nghi môn, tiền tế, thượng điện, hậu cung, tả vu, hữu vu, nhà bia...
Hệ thống các bia đá, các di vật thời Lý, Trần lưu giữ tại di tích mang giá trị sâu sắc. Cùng với đó là các di sản văn hóa phi vật thể phong phú bồi đắp thêm giá trị khu di tích.
Trân trọng tiếp nối những giá trị cha ông trao truyền, đền thờ Hàn Thuyên vẫn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Tại đây, hằng năm, xã Lai Hạ vẫn tổ chức biểu dương, khen thưởng giáo viên, học sinh thuộc các trường của xã đạt thành tích cao trong công tác, học tập.
Các cấp bộ Đoàn của huyện Lương Tài tổ chức các đợt kết nạp đoàn viên mới. Trường THPT Hàn Thuyên (thành phố Bắc Ninh) và Trường THCS Hàn Thuyên (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cũng thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về dâng hương, tham quan…
Và các hoạt động đó đều gắn với giáo dục để bồi đắp truyền thống hiếu học, tri ân công lao của bậc tiền nhân, nhân lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và ý thức trách nhiệm gìn giữ văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.