Vấn đề về thương hiệu và bảo vệ thương hiệu từ nhiều năm nay vẫn luôn là cơn đau đầu với các doanh nghiệp.
Có thể kể tới vụ việc liên quan đến thương hiệu kem Tràng Tiền mới xảy ra cách đây vài ngày, khi lực lượng chức năng phát hiện gần 10 tấn kem sữa đặc, 30.000 cây kem sữa dừa quá hạn suýt bị tuồn ra thị trường với giá cực kỳ rẻ. Tất cả đều được gắn kèm với tên Kem Tràng Tiền 10.
Mặc dù ngay sau đó, phóng viên Dân Việt đã liên hệ xác minh với đại diện đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và được khẳng định rằng doanh nghiệp chủ số hàng nêu trên không liên quan gì tới hãng kem Tràng Tiền nổi tiếng lâu đời tại Hà Nội của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền, địa chỉ số 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đồng thời thông qua báo chí, đại diện Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền cũng khẳng định số sản phẩm quá hạn vừa bị phát hiện hoàn toàn không liên quan gì tới thương hiệu Kem Tràng Tiền chính hãng. Theo đó, tên gọi Kem Tràng Tiền được đăng ký bản quyền thương hiệu theo số 40913, Cục sở hữu trí tuệ cấp ngày 13/01/2022 và số 84040 cấp ngày 20/4/2016. Thương hiệu này có ba chữ "Kem Tràng Tiền" và dòng chữ "since 1958" thể hiện mốc thời gian ra đời.
Thế nhưng những thông tin đính chính vẫn không thể làm lắng dịu sự hoang mang rõ rệt của người tiêu dùng ngay lập tức. Sự việc đã gây ra hiểu lầm giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thêm vào đó là nhiều bình luận lo lắng về chất lượng cũng như tình hình sức khỏe khi ăn phải những chiếc kem Tràng Tiền quá hạn, làm bằng nguyên liệu kém chất lượng. Điều này vô tình kéo doanh nghiệp vào lùm xùm không đáng có, đồng thời gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp khi Kem Tràng Tiền hiện có khoảng 200 đại lý bán lẻ.
Đáng nói, riêng với Kem Tràng Tiền, đây không phải lần đầu thương hiệu này bị vạ lây. Bởi cách đây khoảng 10 năm, thông tin về dị vật có trong kem cũng khiến doanh nghiệp sở hữu điêu đứng và phải thanh minh với chính khách hàng của mình. Theo tìm hiểu của phóng viên, "thủ phạm" gây ra sự cố là Công ty cổ phần Tràng Tiền 35. Đây là công ty có trùng đại diện pháp luật với Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 vừa bị lực lượng chức năng phát hiện.
Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác được quy định Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Theo đó, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên báo Dân Việt đã có những trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật và được biết, do việc đặt tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu hàng hóa của một công ty khác không bị cấm, nên nhiều cơ sở lợi dụng vào đó để cố tình "mượn" tên thương hiệu để hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, việc đặt tên doanh nghiệp được quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, khi đặt tên doanh nghiệp cần phải thỏa các điều kiện pháp luật đưa ra và không được đặt tên trùng với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Như vậy, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định tên doanh nghiệp không được đặt tên trùng với tên doanh nghiệp khác.
Bởi tên doanh nghiệp và nhãn hiệu là hai khái niệm khác nhau, một công ty có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hóa nhưng chỉ có một tên doanh nghiệp duy nhất đã đăng ký với Sở kế hoạch và đầu tư.
Còn tại Luật Sở hữu trí tuệ, quy định nhãn hiệu được hiểu là dấu hiệu mà cá nhân, tổ chức sử dụng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của mình so với các cá nhân, tổ chức là khác.
Pháp luật dù quy định không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Nhưng để "lách" luật, thông thường chủ doanh nghiệp nhái sản phẩm sẽ cài cắm thêm vào tên đăng ký. Ví dụ như trường hợp nêu trên, tên 2 công ty được ghi thêm số 10, số 35 và không dùng từ "kem", bao bì sản phẩm cũng khác biệt hoàn toàn.
Theo một số chuyên gia, khi cho rằng tên thương mại, nhãn hiệu đã được bảo hộ bị xâm phạm quyền sở hữu, công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm phải đổi tên. Việc này căn cứ trên các giấy tờ bảo hộ hợp pháp đã được cấp. Tuy nhiên, do e ngại thủ tục rườm rà, phức tạp và tiêu tốn rất nhiều thời gian nên các doanh nghiệp thường ưu lựa chọn cách trực tiếp đính chính với người tiêu dùng.
Điều này dẫn đến tình trạng vô tình dung túng cho vi phạm tồn tại, dù "năm lần bảy lượt" thương hiệu bị vạ lây. Do đó, các chuyên gia cho rằng thay vì bị động chờ đợi phản ứng từ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay hơn khi phát hiện hành vi "lách" luật. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung hành lang pháp lý nhằm hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra.