Bỏ 100 triệu dựng lầu để nuôi dê
Tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhiều người tìm về gia đình ông Bùi Xuân Quế để học hỏi cách xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê. Nhiều người tấm tắc khen khi hai vợ chồng ông Quế đều làm công nhân viên chức mà vẫn có thể chăm sóc đàn dê hàng chục con một cách nhàn nhã, hiệu quả kinh tế cao.
Clip: Ông Bùi Xuân Quế ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An dựng nhà lầu dưới lót đệm sinh học để nuôi dê. Chuồng trại của gia đình ông Quế không nặng mùi, nuôi cả đàn dê mà không lo vất vả nhưng cho thu nhập tốt. Thực hiện: Thắng Tình
Bản thân ông Bùi Xuân Quế làm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Thủy, vợ ông là giáo viên mầm non. Với những công việc hiện tại, vậy mà hai vợ chồng ông vẫn nuôi đàn dê sinh sản và đàn dê thịt với gần 30 con (trong đó có 12 con dê sinh sản) mang lại nguồn thu nhập đáng mơ ước.
Khi đến tham quan mô hình chăn nuôi dê của ông Quế, nhiều người vẫn nói vui rằng "đàn dê nhà ông Quế được ở nhà tầng nên mới nhanh lớn".
Ông Quế xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê kiên cố theo kiểu nhà sàn. Khu vực sàn nuôi dê được lắp ghép cách mặt đất khoảng 80cm, có hệ thống mái che, máng chứa thức ăn hiện đại. Phía dưới ông Quế rải một lớp đệm lót sinh học nên chuồng trại lúc nào cũng thoáng mát, sạch sẽ, không có mùi hôi thối.
"Toàn bộ hệ thống chuồng trại này tôi đầu tư khoảng 100 triệu. Sàn cũng có những khe hở phù hợp chất thải của đàn dê sau khi thải ra rơi xuống ngay. Phía dưới sàn, tôi lót đệm sinh học được trộn từ mùn cưa và chế phẩm sinh học. Khoảng 3 – 4 tháng mới thay một lần. Vì thế, tôi nuôi dê nhưng gần như không phải vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Đến khi thay lớp đệm lót sinh học này mình có thể dùng làm phân để bón cho cây trồng trong vườn luôn", ông Bùi Xuân Quế chia sẻ.
Nhờ có lớp đệm lót sinh học, chất thải của đàn dê được phân hủy ngay. Vì vậy, mặc dù chuồng nuôi dê ở gần ngay cạnh nhà ở của gia đình ông Quế nhưng gần như không có mùi hôi thối.
Nuôi cả đàn dê mà nhàn mà lại cho thu nhập tốt
Đàn dê được nuôi nhốt nên không mất công chăn thả. Thức ăn của đàn dê thường tận dụng các loại cỏ, lá cây trong vườn. Mỗi ngày, gia đình ông Quế thường cho đàn dê ăn từ 2 – 3 lần. "Cả đàn dê nhưng lượng thức ăn chỉ bằng 2 con bò. Vì thế, tranh thủ những giờ nghỉ vợ chồng tôi cắt cỏ cho dê ăn nên rất nhàn. Khi muốn bán, ông Quế chỉ cần nhấc điện thoại và sau 1 cuộc gọi thương lái đến tận chuồng để thu mua.
"Đàn dê ít khi dịch bệnh, lại không mất công chăm sóc, lượng thức ăn lại ít, nên so với nuôi bò thì hiệu quả hơn nhiều lần. Thị trường tiêu thụ cũng ổn định nên chúng tôi không lo đầu ra cho con dê. Trung bình mỗi năm, đàn dê mang lại cho gia đình khoảng 60 triệu đồng", ông Bùi Xuân Quế chia sẻ.
Ông Bùi Xuân Quế cũng là tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương với 15 thành viên. Các hội viên cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi. Thấy mô hình chuồng trại của gia đình ông Bùi Xuân Quế mang lại hiệu quả, nhiều xã viên cũng đã học tập và xây dựng theo. Đến nay đã có 5 hội viên xây "nhà tầng" để nuôi dê như mô hình của ông Bùi Xuân Quế.
Ông Võ Văn Qúy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, hoạt động của Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản trên địa bàn cũng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Các hội viên xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng tập trung hỗ trợ các hội viên đặc biệt về nguồn vốn thông qua Qũy hỗ trợ nông dân. Có những hộ gia đình được vay 75 triệu đồng để phát triển kinh tế. Đồng thời Hội Nông dân xã cũng tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng là một hướng đi bền vững giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.