Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết 46 của Chính phủ. Sự thay đổi này được cho để phù hợp với thực tế nhiều loại giấy tờ khác, như hộ chiếu, giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm cũng không có từ “công dân”.
Đồng thời, cũng để phù hợp với thông lệ quốc tế, khi mà hầu hết các nước trên thế giới cũng chỉ ghi là thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước quốc gia.
Không chỉ thay đổi về tên gọi, nhiều thông tin trên thẻ Căn cước công dân dự kiến cũng sẽ được điều chỉnh theo dự thảo Luật Căn cước công dân, như:
Số thẻ căn cước công dân sửa thành số định danh cá nhân; Quê quán sửa thành nơi đăng ký khai sinh; Nơi thường trú sửa thành nơi cư trú; Chữ ký của người cấp thẻ sửa thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Đặc biệt, trên thẻ sẽ không còn dấu vân tay như thẻ căn cước công dân hiện nay. Tuy nhiên, người dân khi đi làm thẻ vẫn phải thực hiện thủ tục lấy dấu vân tay như bình thường. Thông tin này sẽ được lưu lại trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay vì in trên thẻ.
Cũng theo dự thảo, thẻ Căn cước cũng sẽ được cấp cho cả những người dưới 14 tuổi. Việc này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhóm đối tượng này và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Dù Nhà nước đã ngừng cấp chứng minh nhân dân và thay bằng căn cước công dân từ năm 2021, tuy nhiên, những người dân đang sử dụng chứng minh nhân dân nếu còn hạn thì vẫn có giá trị. Theo đó, hiện còn không ít người dân chưa đi làm căn cước mà vẫn đang sử dụng chứng minh nhân dân.
Tại Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, Bộ Công an đề xuất chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết 31/12/2024.
Tức là đến thời điểm đó, dù chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn thì người dân cũng không được phép sử dụng nữa mà phải đi làm thủ tục cấp đổi sang căn cước công dân.
Tuy nhiên, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.