Nằm trên biên giới Việt Nam và Trung Quốc, cột mốc 79 thuộc địa phận xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Cột mốc 79 làm bằng đá hoa cương được cắm tại vùng yên ngựa núi Khang Su Văn (Phàn Liên San) vào ngày 24/10/2004 ở độ cao 2.880m, có tọa độ là 22.753929, 103.435688. Đây là cột mốc cao nhất trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam.
Huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu là huyện có vùng rừng núi hiểm trở bậc nhất Tây Bắc và cột mốc 79 nằm trong khu rừng hoang sơ, bí ẩn nên trước khi bắt đầu hành trình, đoàn chúng tôi đã liên hệ và nhờ những người dân bản địa dẫn đường.
Tổng quãng đường đi và về từ đồn biên phòng lên tới cột mốc chưa tới 20 km, nhưng chúng tôi phải mất tới 2 ngày 1 đêm để vượt qua, điều đó cho thấy cung đường đi khó khăn chừng nào.
Băng qua các con suối nhỏ và khu rừng thảo quả, rừng trúc, rừng gỗ cây lớn phủ đầy rong rêu, chúng tôi đã đến được với khu lán để ngủ đêm và chuẩn bị cho ngày hôm sau chinh phục cột mốc 79.
Đoạn đường từ lán nghỉ lên tới cột mốc là quãng đường khó khăn nhất với con dốc cao gần như dựng đứng và dài như bất tận. Thêm vào đó, thời tiết không thuận lợi khiến cho chuyến đi của chúng tôi gian nan hơn nhiều.
Chúng tôi phải bò, trườn, bám vào cây để vượt qua con dốc 3h. Sở dĩ gọi đây là dốc 3h, bởi nó là con dốc mà dân địa phương leo mất khoảng 3 giờ đồng hồ, còn dân leo núi bình thường mất khoảng 4-5 giờ.
Tuy nhiên, đây cũng là quãng đường đẹp nhất vì nó băng qua khu rừng cổ thụ với những thân cây to, rong rêu có tuổi đời vài trăm năm. Sương mù che kín tầm mắt cùng tiếng gió rít mạnh và tiếng nước suối rì rào làm cho khu rừng càng thêm ma mị.
Sau gần 4h30 phút leo liên tục, cột mốc 79 linh thiêng đã hiện ra trước mắt chúng tôi giữa đất trời biên cương của Tổ quốc. Lúc này đây, chúng tôi có cảm giác vỡ òa hạnh phúc vì đã vượt qua được những chặng đường cực kỳ khó khăn đến với cột mốc mà nhiều thành viên trong đoàn chưa từng trải qua.
Lúc này đây, chúng tôi tự hào hơn bao giờ hết, lại càng thêm yêu Tổ quốc mình cũng như biết ơn những chiến sĩ biên phòng đã và đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.
Sau đó, từ cột mốc 79 chúng tôi tiếp tục leo lên đỉnh Khang Su Văn, với quãng đường khoảng 200m. Đây là đỉnh núi cao thứ 5 Việt Nam.
Sau chuyến đi chinh phục cột mốc 79, ít lâu sau chúng tôi tiếp tục có hành trình chinh phục cột mốc 42 - cột mốc được mệnh danh là khó chinh phục nhất Việt Nam.
Cột mốc 42 nằm trên đường lên đỉnh Pusilung, ngọn núi có độ cao 3.080m, nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu giáp với biên giới Trung Quốc. Pusilung là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam sau Fansipan, nhưng được đánh giá là đứng vị trí số 1 về độ khó, cũng là đích đến trong mơ của bất kỳ một phượt thủ nào.
Chính vì vậy, cột mốc 42 được coi là cột mốc khó chinh phục nhất Việt Nam.
Chúng tôi đi xe giường nằm 12 tiếng cho quãng đường 520km từ Hà Nội lên thị trấn Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Từ đây chúng tôi thuê ô tô 7 chỗ đi thêm khoảng 2 tiếng nữa đến đồn biên phòng Pa Vệ Sử để làm các thủ tục cần thiết trước khi bắt đầu hành trình.
Sau khi hoàn thành thủ tục ở đồn biên phòng, chúng tôi gặp gỡ những người dẫn đường và gùi đồ (thường được gọi là porters) người dân tộc Dao và bắt đầu hành trình 3 ngày 2 đêm lúc 11h. Bốn porters của chúng tôi đã phải đi hơn 150 km từ bản Lang ở Pờ Ma Lung (Lai Châu) đến để hỗ trợ chúng tôi, do người dân tộc La Hủ ở đây không có thói quen đi hỗ trợ các đoàn leo núi.
Cung leo Pusilung dài khoảng 42 km có tổng cộng 11 con suối lớn nhỏ, là cung leo có nhiều suối nhất nhì Tây Bắc.
Theo anh Nguyễn Trung Kiên, một trong những người thường xuyên tổ chức các tour leo núi ở Tây Bắc, nếu đi Pusilung gặp mưa lớn chuyến đi sẽ buộc phải hủy do nước ở các dòng suối dâng lên rất nhanh và chảy siết, chia cắt du khách đi tiếp hoặc quay trở về.
Đường đi từ bìa rừng lên tới khu vực dựng lều nghỉ đêm mất khoảng 8 tiếng leo liên tục. Cung leo khó nên ít người đi lại nên cây cối và cỏ mọc chắn hết lối đi. Nhóm chúng tôi vừa đi vừa chặt cây và gỡ gai ra khỏi người nên khá mất sức và thời gian.
Ngày đầu tiên có nhiều đoạn dốc gập đầu gối khi leo và có những đoạn đi một bên là rừng lau và một bên là vực sâu, nếu không tập trung và cẩn thận có thể bị ngã xuống vực.
Theo kinh nghiệm của anh Tẩn Chỉnh Khệ, người đã từng hơn 10 lần dẫn khách đi chinh phục Pusilung, để lên đỉnh và về trong 3 ngày 2 đêm thì cần phải phải đến và hạ lều nghỉ đêm ở khu vực trước hang đá.
Sau hơn 8 tiếng leo trong đó có hơn 1 tiếng leo trong bóng tối, chúng tôi đến được khu vực hang đá để dựng lều nghỉ đêm. Trước cửa hang đá là khu đất khá bằng phẳng, nằm dưới thung lũng nên khuất gió và cạnh suối, tiện cho việc tắm và nấu nướng.
Từ hang đá lên đỉnh Pusilung mất khoảng 6 tiếng leo và mất khoảng thời gian tương đương để về lại hang đá nên hôm sau chúng tôi dậy sớm ăn sáng và khởi hành lúc 6h kém. Lúc này trời vẫn còn tối và cả đoàn phải dùng đèn pin soi đường.
Sau khi vượt con dốc 3 giờ (theo cách gọi của người dân địa phương), băng khu rừng trúc, rừng dẻ, sồi, cột mốc 42 hiện ra trước mặt giữa đất trời biên cương. Cột mốc 42, được xây dựng năm 2004, là mốc biên giới cao thứ hai trên toàn lãnh thổ Việt Nam (chỉ sau mốc 79) nằm trên cao độ 2.866 mét.
Sau khi chụp ảnh kỷ niệm với cột mốc 42, chúng tôi đi tiếp lên đỉnh Pusilung, cách cộc mốc khoảng 3 tiếng leo.
Đoạn đường từ cột mốc 42 lên tới đỉnh Pusilung là đoạn khó nhất trong cung leo vì dốc cao và lên xuống liên tục và đây cũng là nơi du khách cũng thường xuyên đi lạc sang đất Trung Quốc nhất.
Tuy nhiên, đây cũng là đoạn đường đẹp nhất của cung leo. Chúng tôi bám sát nhau, đi đầu là 1 porter và đi cuối là 1 porter chốt đoàn, đi xuyên khu rừng cổ thụ với những thân cây to, rong rêu, có tuổi đời vài trăm năm.
Có những trảng rừng chỉ có một loại cây là cây lá phong và đỗ quyên cổ thụ. Rừng đỗ quyên vàng cổ thụ ở đây nhiều và đẹp hơn bất kỳ nơi đâu ở Tây Bắc.
Cả nhóm cùng lên đỉnh Pusilung lúc 12h, đúng như kế hoạch. Theo anh Nguyễn Hoàng Bắc thuộc Công ty LimTravelling, đơn vị chuyên tổ chức các chuyến du lịch ở các vùng núi Tây Bắc, nhiều người leo đến được mốc 42 và quay về do đoạn đường từ mốc lên đỉnh quá dài, dốc và khó đi.
Ngoài ra, nếu thời tiết mưa hoặc tính toán sai về thời gian, không lên được đến cột mốc 42 trong buổi sáng thì sẽ không đủ thời gian lên đỉnh và quay về lán, anh Bắc chia sẻ.
Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi trên đỉnh khoảng 1 tiếng, chúng tôi quay lại và nghỉ thêm 1 đêm ở điểm hạ trại bên hang đá. Sáng hôm sau chúng tôi rời khu vực hang đá lúc 5h sáng và tới đồn biên phòng Pa Vệ Sử lúc 12h trưa, kết thúc hành trình 3 ngày 2 đêm chinh phục cột mốc 42 và nóc nhà biên giới Pusilung kỳ vĩ và huyền bí.
Không gì tuyệt vời hơn là trên hành chình chinh phục và khám phá vẻ đẹp của đất nước chúng tôi có dịp ghé thăm cột mốc 79 và 42 linh thiêng, những "người lính" thầm lặng đang làm nhiệm vụ giữ gìn biên giới lãnh thổ và chủ quyền của Tổ quốc.