Cây thị cổ thụ nơi Hoàng đế Quang Trung từng buộc voi chiến
Trong khu vườn rộng hơn 3.000m2 của gia đình ông Lê Thanh Hà (SN 1952, trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) có 5 cây thị cổ, tuổi đời hơn 700 năm. Mùa này, các cây thị cổ đang thay lá, lá thị rơi xuống một lớp dày dưới gốc cây thị.
Clip: Cận cảnh 5 cây thị cổ thụ hơn 700 năm tuổi tại vườn nhà ông Lê Thanh Hà ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tương truyền rằng, tại những cây thị cổ thụ này, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ từng buộc voi chiến. Thực hiện: Thắng Tình.
"Dòng họ Lê của chúng tôi đã có 18 đời, bây giờ tôi là người chăm sóc, bảo quản những cây thị này. Theo đánh giá của Hội sinh vật cảnh Việt Nam thì những cây thị này đã có tuổi đời hơn 700 năm.
Cây thị cổ thụ lớn nhất cao hơn 20m, đường kính rất lớn phải đến 9 người lớn ôm mới xuể. Gia đình chúng tôi từ đời này qua đời khác chăm sóc, bảo quản những cây thị này".
Những cây thị cổ thụ hơn 700 năm tuổi ở vườn nhà ông Lê Thanh Hà tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Những cây thị cao hơn 20m, đường kính lớn, phải nhiều người ôm mới xuể. Ảnh: Thắng Tình
Năm 2011, 5 cây thị cổ trong vườn nhà ông Hà được công nhận là cây di sản Việt Nam. Gia đình ông Hà cũng tôn tạo khu vườn thêm khang trang, sạch sẽ với những lối đi được bê tông hóa. Đồng thời, ông Hà cũng trồng thêm một số loại cây để tạo cảnh quan cho khu vườn.
Trải qua hàng trăm năm, với những thăng trầm, 5 cây thị trở nên già cỗi, nhưng cây vẫn phát triển, xanh tốt. Mùa quả, 5 cây thị cho trái sum suê, thơm ngát cả một vùng quê.
Năm 2011, 5 cây thị cổ thụ trong vườn nhà ông Hà ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An được công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây thị lớn nhất trong vườn nhà ông Hà phải 9 người ôm mới xuể. Ảnh: Thắng Tình
Cũng theo ông Hà, tương truyền rằng, ngày xưa dưới những gốc thị cổ này là nơi Hoàng đế Quang Trung từng buộc voi chiến. Khi đi qua đây, thấy một đầm nước phía trước, có những cây thị tán lớn che bóng mát cả một vùng, nên Hoàng đế Quang Trung đã buộc voi dưới gốc thị để nghỉ chân. Ban ngày, Hoàng đế Quang Trung cho quân lính cùng voi chiến xuống cánh đồng gần đây tập trận. Đêm về, voi chiến được buộc vào 5 cây thị này.
Ông Lê Thanh Hà cho biết, đã từng có người trả hàng tỷ đồng để mua một cây thị nhưng ông nhất quyết không bán. Những cây thị này được dòng họ Lê bảo quản, chăm sóc từ đời này sang đời khác. Ảnh: Thắng Tình
Khoét hầm dưới gốc thị học bài giữa mưa bom, bão đạn
Theo quan sát của phóng viên, những gốc thị cổ với đường kính thân rất lớn, đứng sừng sững trong khu vườn của gia đình ông Hà. Phần thân cây đã rêu phong, nhuốm màu thời gian với lớp vỏ cây xù xì, u sần. Trên thân cây, một số loài cây khác bám vào ký sinh với. Trong đó có một cây thị thân cây bị rỗng ruột, phía trong nhiều người có thể đứng vào.
Ông Lê Thanh Hà cho biết, vào những năm chiến tranh, đặc biệt vào giai đoạn năm 1968 – 1972, vì ở gần đây có trận địa tên lửa nên bom đạn rất ác liệt. "Ông bà nội tôi đã nghiên cứu, khoét dưới hầm trú ẩn dưới gốc cây thị. Hầm rộng khoảng 3m2, chạy ra vào thoải mái. Ông Hà vẫn thường ngủ, học bài dưới căn hầm này". Gần đây, gia đình ông Hà đã phải lấp căn hầm dưới gốc thị để tránh cây bị chết.
Nhiều người cũng đã tìm về tham quan, có những người đã trả giá hàng tỷ đồng để sở hữu cây thị lớn nhất trong vườn của gia đình ông Hà nhưng ông nhất quyết không bán. Với ông 5 cây thị là tài sản vô giá vì đó là những chứng nhân lịch sử, ông Hà chỉ mong cây mãi xanh tốt, cho quả, trở thành những tài sản vô giá lưu truyền muôn đời sau.
Khu vườn cũng được ông Hà tôn tạo, trồng thêm một số loại cây ăn quả để tạo cảnh quan. Những con đường được bê tông hóa sạch sẽ, phục vụ du khách đến tham quan. Ảnh: Thắng Tình