Khi bị quân nhà Tây Sơn truy đuổi, Thế tổ Cao Hoàng đế nhà Nguyễn có từng chạy ra đảo Phú Quý ở Bình Thuận?

Thứ tư, ngày 15/03/2023 05:02 AM (GMT+7)
Trong quá trình điền dã ở đảo Phú Quý, chúng tôi thường nghe người lớn tuổi kể: Vào thế kỷ XVIII, lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đã có lần chạy đến đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) để lánh nạn. Bài viết này xin trao đổi thêm để cùng làm rõ về vấn đề trên.
Bình luận 0

Từ tư liệu địa phương…

Trong một lần đến vãn cảnh chùa Linh Quang tại xã Tam Thanh, chúng tôi có đọc được bốn câu thơ tại sân trước của chùa có nội dung liên quan đến vua Gia Long (thời còn là Nguyễn Ánh) trốn chạy lên đảo, rằng:

“Gia Long bôn tẩu thời quốc nạn

Cập đảo mai danh đáo Linh Quang

Ngắm nhìn đoài, chấn phùng thánh địa

Đặt hướng Tây canh dựng Đại môn”.

Khi bị quân nhà Tây Sơn truy đuổi, Thế tổ Cao Hoàng đế nhà Nguyễn có từng chạy ra đảo Phú Quý ở Bình Thuận? - Ảnh 1.

Chùa Linh Quang (danh thắng cấp quốc gia từ năm 1996) là nơi người dân địa phương và khách du lịch thường xuyên đến tham quan, chiêm bái. Chùa Linh Quang ở xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thành Danh.

Khi vào bên trong, một vị phật tử trực chùa tặng cho quyển sách (loại sách tặng khách tham quan) có tựa đề Danh lam thắng cảnh Linh Quang tự. 

Cuốn sách tuy có 34 trang nhưng đã khái quát đầy đủ diện mạo của ngôi danh thắng này. Trong đó, có nhắc đến sự tích chúa Nguyễn Ánh ra đảo để lánh nạn Tây Sơn: “Vua Gia Long, khi còn là Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã bôn tẩu ra Phú Quý và dừng chân lưu gót tại chùa Linh Quang. Bên đảo Hòn Tranh có nhiều đền miếu thờ vua Gia Long và một số tướng lĩnh của ông…” (Thanh niên, 2003: 9).

Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) là con thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phúc Luân, và là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát. 

Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1762), mất năm Kỷ Mão (1820). Năm 1777 khi mới 15 tuổi, Nguyễn Ánh đã phải bôn tẩu gian nan trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Dù trải qua những năm tháng hết sức khốn cùng và nguy hiểm; song, ngài vẫn không ngã lòng, để rồi làm nên nghiệp lớn thống nhất sơn hà, lên ngôi hoàng đế, mở ra vương triều Nguyễn vào năm 1802.

Không lâu sau khi lên ngôi sắp đặt triều chính ổn định, vua Gia Long đã xuống chiếu sưu tầm thư tịch, điển tích trong dân gian và các kho lưu trữ để biên soạn quốc sử. Sau này các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… cũng rất quan tâm đến lịch sử, coi biên soạn quốc sử là việc trọng đại của quốc gia nhằm khẳng định tính chính thống của vương triều. 

Vua Gia Long với công trạng “trung hưng đế nghiệp, dựng nên thái bình” nên khi biên soạn quốc sử các sử thần triều Nguyễn đã phải biên soạn một cách tỉ mỉ, cụ thể; các thông tin đưa vào sách phải đạt độ xác thực cao.

Khi bị quân nhà Tây Sơn truy đuổi, Thế tổ Cao Hoàng đế nhà Nguyễn có từng chạy ra đảo Phú Quý ở Bình Thuận? - Ảnh 3.

Một số cuốn sách viết về đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Thành Danh

Sinh thời, vua Gia Long từng đến nhiều nơi ở Bình Thuận các sự kiện trên đều được biên chép cẩn thận trong các bộ sử đương thời (Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí). Như sự kiện năm 1795, ngài đến thăm miếu Nam Hải ở Mũi Né và vãn cảnh chùa Bửu Sơn (phường Phú Hài, Phan Thiết). Trong khi đó, không có một dòng nào nhắc đến sự kiện đến đảo Phú Quý. 

Năm 1992, khi biên soạn sách Đảo Phú Quí những chặng đường lịch sử (tái bản năm 2007) - cuốn sách được xem là sử liệu chính thống hiện có của huyện Phú Quý nhóm tác giả Trần Mạnh Tường, Dương Tự, Bình Sơn cũng không nhắc đến.

… đến sử liệu chính thống

Theo sách Đại Nam thực lục, đầu năm Quý Mão (1783), khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, Nguyễn Ánh phải cùng mẹ và cung quyến chạy ra đảo Phú Quốc. Khi hay tin Nguyễn Ánh đến, một toán cướp biển người Xiêm (nay là Thái Lan) do Vinh Li Ma đứng đầu đem thuộc binh ra thần phục.

Vinh Li Ma nguyên là tướng cũ của vua Xiêm, sau làm loạn (1871) nên chạy ra chiếm cứ đảo Koh Rong và làm cướp biển ở đó. Nguyễn Ánh sau khi thu nạp Vinh Li Ma đã sai dư đảng của y nhiều lần vào Hà Tiên và quanh đó để kiếm khí giới, lương thực nên tin tức bị bại lộ.

Tháng 6 năm đó, quân đội Tây Sơn thình lình kéo tới. Lê Phúc Điển xin mặc áo ngự ra đứng đầu thuyền, quân Tây Sơn tưởng đó là Nguyễn Ánh nên tranh nhau đến bắt. Trong khi đó, Nguyễn Ánh đã dùng thuyền khác sang đảo Côn Lôn. 

Đến tháng 7, thủy quân Tây Sơn kéo đến vây Côn Lôn tới ba vòng tình thế rất nguy cấp. Bỗng mưa to gió lớn nổi lên, sóng biển dữ dội, thuyền Tây Sơn tan vỡ chìm đắm không kể xiết. Nhân đó, Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc (Giáo dục, 2002: 217).

Địa danh Côn Lôn trong sự kiện trên chính là đảo Cổ Long nằm trong vịnh Thái Lan. Điều này đã được học giả người Pháp là Charles B. Maybon khẳng định trong ấn phẩm Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) [Lịch sử An Nam cận đại (1592-1820)], xuất bản tại Paris năm 1920. 

Năm 1973 trong công trình “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802” sử gia Tạ Chí Đại Trường cũng đồng ý với quan điểm của Maybon khi cho rằng Cổ Long chính là Koh Rong, và cả 3 hòn đảo mà Nguyễn Ánh đến lánh nạn Tây Sơn chép trong Đại Nam thực lục (Phú Quốc  Cổ Long  Cổ Cốt  Phú Quốc) đều nằm ở khu vực vịnh Thái Lan ngày nay (Tri thức, 2012: 115).

Xin nói thêm, trước thế kỷ XX các sử gia thường định danh cho những hòn đảo trên biển là Côn Lôn hoặc Côn Luân. Ví như Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục (bản dịch Viện Sử học) có chép về đảo Phú Quý như sau: “Ngoài biển phủ Bình Thuận thì có núi gọi là Côn Lôn, rộng mấy dặm, cũng nhiều yến sào” (KHXH, 1977: 116). 

Còn trong bản dịch của Nguyễn Khắc Thuần lại viết: “Ngoài biển của dinh phủ Bình Thuận có hòn núi tên là Côn Luân (cù lao Phú Quý), rộng đến mấy dặm, cũng có nhiều yến sào” (Giáo dục, 2007: 142-143). Từ đây chúng tôi cho rằng, do cách gọi chung các đảo là Côn Lôn/Luân nên người đời sau khi đọc sử đều bị nhầm lẫn, rồi gán ghép địa danh Côn Lôn trong sử liệu vào thực thể đảo hiện tại, trong đó có Phú Quý.

Về tên gọi Cổ Long

Tài liệu sớm nhất chúng tôi đọc được có nhắc đến Cổ Long là quyển Đảo Phú Quí - những chặng đường lịch sử. Ở trang 17 sách này viết: “Đã từ lâu đảo Phú Quý trở nên rất quen thuộc với nhiều người qua sử sách xưa dưới nhiều cái tên gọi: Cổ Long (Koh Rong), Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu, Phú Quý (Poulo cecir de mer)….”. 

Trong đó có giải thích nguồn gốc của các tên Cù lao Khoai Xứ, Cù lao Thu và Poulo cecir de mer; nhưng lại bỏ ngỏ Thuận Tịnh và Cổ Long.

Khi bị quân nhà Tây Sơn truy đuổi, Thế tổ Cao Hoàng đế nhà Nguyễn có từng chạy ra đảo Phú Quý ở Bình Thuận? - Ảnh 6.

Vua Gia Long-Thế Tổ Cao Hoàng Đế nhà Nguyễn - Ảnh: TL

Thời Nguyễn đảo Phú Quý có tên Thuận Tĩnh/Tịnh, thuộc huyện Tuy Phong (phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận). “Ở ngoài biển nổi vọt một ngọn núi, thẳng đến bờ Phan Rí, dưới đảo là bãi cát, bốn mặt có người ở, gồm 11 thôn, hàng năm biệt nạp thuế vải, có thủ sở ở đấy, lấy thổ hào quản lãnh” – Đại Nam nhất thống chí cho biết (Thuận Hóa, 2006: 158). 

Sách Đồng Khánh địa dư chí (1887) chép rõ hơn, đảo Thuận Tĩnh “ở phía nam huyện hạt, đứng sững giữa biển, chu vi hơn 30 dặm, ở cách xa bờ biển nên nhìn không thấy, bốn bề là bãi cát, dân cư (11 thôn) làm nghề trồng trọt (khoai, mạch), dệt vải. 

Lại gần đảo này có đảo nhỏ tên Tranh, chu vi hơn 6 dặm” (Thế giới, 2003: 1664). Tên gọi này thể hiện ước mong đảo sẽ yên bình, tĩnh lặng cho tàu bè được thuận tiện qua lại. Còn về tên gọi Cổ Long, các tác giả sách Danh lam thắng cảnh Linh Quang tự cho biết: “Thuở mới đến người Chàm gọi tên đảo là Koh rong. Về sau người Việt gọi là Cổ Long” (Thanh niên, 2003: 7).

Theo tài liệu khảo cổ học, chủ nhân đầu tiên của đảo Phú Quý là những người Sa Huỳnh muộn – Champa sớm, từ ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc từ đảo Lý Sơn di cư tới, họ chính là tổ tiên của người Chăm trên đảo ở các giai đoạn sau. 

Trong một phỏng vấn (Tư liệu quý hiếm về văn hóa, lịch sử Chămpa) đăng trên trang Đại biểu nhân dân, tiến sĩ Thông Thanh Khánh đã cung cấp một đoạn sử liệu rất quan trọng: “Làng Koh trình tấu với quan phủ về việc cử 3 chiếc thuyền đến Trường Sa (Kulao Cuah Atah) và Hoàng Sa (Kulao Cuah Bhong) hỗ trợ việc cắm các mốc giới theo chỉ dụ. 

Việc này làng Koh đã tập hợp dân đinh và ngư phủ nhưng bây giờ biển động không thể ra khơi nên làng xin quan phủ cho dời đến tháng Mười sẽ khởi hành”. Đoạn tư liệu trên đây cho biết, đến năm 1836 vẫn còn tồn tại một làng (plei) Chăm trên đảo Phú Quý tên là Koh. 

Chúng tôi cho rằng, khi người Việt đến định cư trên đảo (khoảng cuối thế kỷ XVII đầu XVIII) đã gọi trại tên làng Koh thành làng Cổ hoặc đảo Cổ. Làng Koh có phải Koh Rong hay không thì cần có thêm tư liệu chứng minh.

Tóm lại, theo sử sách, những năm bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh chưa bao giờ có mặt tại đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận; vì vậy sẽ khó có chuyện ông cùng tùy tướng đến vãn cảnh chùa Linh Quang. Vì sự ngưỡng mộ ông nên người dân đã xây dựng nên những câu chuyện xoay quanh nhân vật lịch sử này. 

Và không chỉ ở Phú Quý, một số địa phương từ Nam Trung bộ vào đến Nam bộ cũng có những câu chuyện tương tự. 

Bài báo này không có ý phủ nhận niềm tin hàng trăm năm qua của người dân Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Chỉ mong rằng, khi giới thiệu hay biên soạn tài liệu lịch sử, địa phương cần khẳng định rõ đây chỉ là giai thoại được truyền tụng trong dân gian, để tránh hiểu nhầm, hiểu lẫn lộn giữa sự thật lịch sử và truyền thuyết lịch sử.

Đỗ Thành Danh (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem