Nhà thơ Văn Công Hùng sinh năm 1958 tại Thanh Hoá. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế (1980), Văn Công Hùng viết đơn xung phong lên Gia Lai, chỉ vì mong muốn khám phá miền đất ba zan kỳ bí. Những tập thơ của anh như: Bến đợi (1992); Hát rong (1999); Ngựa trắng bay về (2002); Hoa tường vi trong mưa (2003); Gõ chiều vào bàn phím (2007)... được nhiều độc giả yêu thích.
Mới đây, trong dịp tới Hà Nội, Văn Công Hùng đã có cuộc trò chuyện với PV Dân Việt:
- Với những tập thơ như Bến đợi, Hát rong, Ngựa trắng bay về, anh được nhiều công chúng yêu thích và gọi là nhà thơ của mảnh đất Tây Nguyên. Có lẽ, việc đưa mảnh đất cao nguyên vào thơ cũng chính là điều anh tâm niệm trong chặng đường sáng tác của mình?
- Thật ra khi còn trẻ, tôi làm thơ tự phát, tới năm 1992, tôi ra đời tập thơ đầu tiên và sau đó trở thành nhà thơ chuyên nghiệp. Trở thành nhà thơ là gì? Với riêng tôi, đó là khi ta viết không chỉ còn để giải toả cảm xúc của riêng mình, mà còn phục vụ một lượng công chúng nhất định, có trách nhiệm với con chữ viết ra.
Thi ca không phải chỉ là viết về nơi mình sinh sống, mà khi ta gắn bó với một cuộc đời, một vùng đất, nó đã tự nhiên đi vào trong ta như vậy. Nhiều khi cả tác phẩm không nhắc gì tới một vùng đất, nhưng đọc lên ta đã thấy nơi đó ngồn ngộn lên. Tiêu biểu là bài "Còn chút gì để nhớ" của Vũ Hữu Định. "Phố núi cao phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương..."
Tôi hướng tới hình ảnh một nhà thơ như vậy. Viết ra một tác phẩm, tôi mong muốn nó vừa cô đọng xúc tích, nhưng vừa hướng tới bản chất của đời sống, sự vận động, dịch chuyển của chính vùng đất ấy, chứ không phải một sự nêu tên, điểm danh cho có.
"Chợt" là tập thơ mới nhất của anh trong sự nghiệp. Có gì khác biệt ở tác phẩm này so với những tác phẩm trước đó?
- Đó là sự kiệm lời. Trước kia tôi phải đuổi theo cho hết dòng cảm xúc, giờ tôi cắt lại, để bạn đọc đi tiếp dòng cảm xúc của riêng họ. Ngôn từ được vo lại, tinh hơn, lọc hơn. Và cũng bởi vậy nó hơi kén bạn đọc. Sau một thời gian say mê với con chữ, đến lúc tôi nhận ra mình không nên chiều theo số đông nữa, có một nhóm công chúng nhỏ nhỏ thôi cho riêng mình là đủ.
Điều này có hơi mâu thuẫn với chia sẻ của anh trong một buổi toạ đàm mới đây: "Nhà thơ nào cũng cần độc giả, càng nhiều độc giả càng hạnh phúc"?
- Thực ra, mỗi nhà thơ đều sẽ có công chúng của riêng mình, chứ không có quần chúng. Quần chúng thơ ở nước ta chỉ một số người có thể đạt được, đó là đại thi hào Nguyễn Du, hay Tố Hữu một thời… Công chúng thơ lại không đông đảo như vậy.
Mỗi một nhà thơ có sự cộng hưởng với số công chúng nhất định. Có những nhà thơ đông công chúng, và có những nhà thơ ít công chúng hơn, phụ thuộc vào trường lan toả của họ.
Với riêng tôi, ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ mình không nên chạy theo thị hiếu. Đương nhiên ai cũng muốn mình có nhiều người đọc, càng nhiều người đọc càng tốt, nhưng họ đọc như thế nào, hiểu như thế nào thì lại là một câu chuyện khác. Tôi mong nhiều độc giả hiểu mình.
Anh nhận định thế nào về sự phát triển của thi ca ở giai đoạn hiện tại, khi mà những nhà thơ online bùng nổ. Trong khi đó, từng có ý kiến nhận định: "Thơ dở rất nhiều"?
- Tôi chấp nhận sự thay đổi này, chấp nhận việc trong nền thơ có thơ hay thơ dở, thơ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Như tôi đã nói, mỗi một nhà thơ đều có lớp công chúng riêng của họ. Có những người viết theo phong cách rất bình dân, ngô nghê, họ vẫn có lớp công chúng của họ.
Hiện tại, tôi cho rằng trên mạng xã hội có 2 loại thơ mạng. Thứ nhất, các nhà thơ chuyên nghiệp (như tôi chẳng hạn) sẽ đăng lên đó để chia sẻ với độc giả, coi nơi đây như một phương tiện chuyên chở tác phẩm, từ cảm nhận của độc giả mà lọc ra, sau đó tập hợp để tin sách sẽ lọc ra một lần nữa.
Loại thứ 2 là những người viết thơ trực tiếp trên Facebook, viết để chia sẻ với bạn bè, đối tượng này thì nhiều lắm. Tôi nghĩ đó là quyền sáng tác của mỗi người, cũng như quyền thưởng thức của mỗi độc giả. Chỉ có điều, những người có trách nhiệm sẽ nắm vai trò định hướng, làm sao cố gắng để chuẩn thưởng thức thơ đừng xa nhau quá. Đọc các tác phẩm lên, người đọc vẫn biết đâu là thơ hay, đâu là thơ dở. Nếu không thì sẽ loạn.
Không ít nhà thơ đương đại đang sử dụng cách thay đổi hình thức diễn đạt để làm mới mình, qua đó tiếp cận với công chúng. Anh đánh giá thế nào về cách làm này?
- Mỗi nhà thơ có một cách riêng, họ sẽ chọn cách nào phù hợp với chính bản thân họ. Nhưng thứ cốt lõi nhất, quan trọng nhất trong thi ca vẫn là phải truyền được cảm xúc tới độc giả. Nếu độc giả không cảm nhận được cảm xúc của anh thì anh thất bại.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
"Thơ Văn Công Hùng lúc vạm vỡ xù xì, lúc bâng khuâng đến lạ. Đọc thơ ông luôn thấy phảng phất một nỗi buồn nhưng không bi quan. Nhịp trong thơ ông không du dương, thuận âm mà thường gập ghềnh, trúc trắc như một chủ ý để tạo ra cách diễn đạt mới và những thi ảnh mới" (nhà thơ Hữu Việt).