Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu: Dám đi trên đại lộ của riêng mình
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu: Dám đi trên đại lộ của riêng mình
Yến Thanh
Thứ sáu, ngày 28/04/2023 08:32 AM (GMT+7)
Mới đây, cuộc tọa đàm văn chương mang tên Nguyễn Linh Khiếu: Từ "Chùm mơ tiên cảm" đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ, độc giả yêu văn chương tham dự.
Trong không gian ấm cúng của quán cà phê sách, những người theo dõi và yêu mến Nguyễn Linh Khiếu chia sẻ cởi mở những câu chuyện, quan điểm khác nhau xung quanh chặng đường thơ của anh. Tại một góc nhỏ, Nguyễn Linh Khiếu ngồi lặng lẽ, đôi lúc mỉm cười nhẹ nhàng trước những nhận định về mình.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu sinh năm 1959 tại Thái Bình. Anh là PGS. TS Triết học, từng nghiên cứu Triết học tại Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Với sự nghiệp văn chương, Nguyễn Linh Khiếu đã xuất bản 8 tập thơ và một tản văn, bao gồm: Chùm mơ tiên cảm (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 1991); Mùa thiêng (Thơ, NXB Văn học, 1995); Hoa linh (Thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2000); Sa hồng (Thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2018); Beijing lá phong vàng (tản văn, 2018), Phồn Sinh (Trường ca, NXB Hội Nhà văn 2018); Dòng Thiêng (Thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2019); Hoa Linh Thảo (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021). Anh từng nhận nhiều giải thưởng về thi ca như Giải C thơ báo Văn nghệ năm 1995; Giải A tạp chí Văn nghệ quân đội...
Dẫn chuyện tại buổi tọa đàm, nhà văn Sương Nguyệt Minh khẳng định, thơ Nguyễn Linh Khiếu rất "lạ". Đó là cái lạ trong cách đặt tên, cách lập ngôn và sử dụng từ ngữ. "Sự xuất hiện của Nguyễn Linh Khiếu như một làn gió mới lạ thổi nhẹ vào làng văn Việt Nam đang thời bí bách, bức bối với những dự cảm đổi thay không chịu khuôn thước trong những chuẩn mực cũ cả nội dung và hình thức", anh chia sẻ.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá đưa ra một nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng về Nguyễn Linh Khiếu. Tại đó, ông cho rằng: "Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là một tác giả thơ có số phận, hiểu theo nghĩa ở trong hành trình thơ, xuất bản thơ, tiếp nhận thơ. Sau năm 2000, năm tập thơ Hoa Linh ra đời, người ta thấy anh thưa vắng xuất hiện, không thấy công bố thêm tập thơ nào nữa, mặc dù có in đôi chùm thưa thớt. (Trước đó, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã cho ra mắt 3 tập thơ - PV). Cũng lại thấy anh ít tham gia các cuộc "quần tam tụ ngũ" trong các chiếu thơ, sinh hoạt thơ...
Ai ngờ sau khoảng 18 năm, năm 2018, anh cho ra mắt tập trường ca Phồn sinh dài hơn 13.000 đơn vị câu thơ, hơn 136 ngàn chữ, với 710 trang in khổ 16cm x 24cm. Quả là một hiện tượng chưa từng thấy… Cùng với Phồn sinh, Nguyễn Linh Khiếu ra mắt Sa hồng (2018), ngay năm sau lại thêm tập trường ca Hoa linh thảo (2019)".
Cũng theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá, hiện đã có 48 bài viết, tiểu luận, bài báo về thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu; cho thấy sự quan tâm của giới chuyên môn và công chúng dành cho tác giả này.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thuý chia sẻ: "Đối với một nhà văn, nhà thơ, ý nghĩa sự xuất hiện của anh ta rất quan trọng. Nguyễn Linh Khiếu viết từ rất lâu và từng có thời gian đã chìm trong số những nhà thơ đổi mới khác. Tập thơ Phồn sinh chính là lần xuất hiện thực sự của Nguyễn Linh Khiếu, khi anh gây ấn tượng mạnh với những sáng tạo của mình.
Thể loại trường ca chủ yếu xuất hiện trong kháng chiến, với hai trục: tự sự và trữ tình. Trường ca của Nguyễn Linh Khiếu mang thể loại trữ tình - triết học, đây là một sự mới mẻ, độc đáo so với các tác phẩm khác. Phồn sinh như một chiếc chìa khoá đặc biệt mở cánh cửa thơ Nguyễn Linh Khiếu, thể hiện trong tất cả các mặt: thể loại, ngôn ngữ, nội dung đều mang tính phồn sinh hoặc triết lý phồn sinh. Đó là một đóng góp không thể phủ nhận của Nguyễn Linh Khiếu cho thi ca".
Cùng nói về sự độc đáo của tập thơ Phồn sinh, TS Trần Đăng Thao nhận định: "Trước Phồn sinh, chưa bao giờ có một tác phẩm như thế này. Sau Phồn sinh, cũng không biết bao giờ mới có thể xuất hiện một tác phẩm kiểu này".
Gắn bó thân thiết với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu suốt một chặng đường dài, TS Triết học Nguyễn Văn Vịnh cho rằng: Phồn sinh không đơn giản là câu chuyện về dục tính của con người mà qua đó Nguyễn Linh Khiếu đặt ra một vấn đề rất mới về triết học: "Bản chất vận động và sinh thành của thế giới này không phụ thuộc vào các lý tưởng, câu chuyện khoa học, kỹ năng hay công nghệ mà theo một bản chất rất tự nhiên của nó. Do đó phồn sinh đặt ra với mọi loài. Xúc cảm phồn sinh với anh Linh Khiếu rất mạnh.
Tại tập thơ này, Nguyễn Linh Khiếu không dùng dấu chấm phẩy. Cách thức viết không dùng dấu chấm phẩy từng thấy ở chữ Hán, nhưng có lẽ chưa có trong thi ca Việt. Cách này cho người độc quyền chấm phẩy tại đâu, quyền hiểu câu thơ theo cách của họ, trao cho họ quyền tự do suy ngẫm về tác phẩm".
Khi được yêu cầu nói tới những hạn chế trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đưa ra ý kiến: "Tập thơ Phồn sinh là một "hàng không mẫu hạm vừa đổ bộ vào nền thơ Việt đương đại", do tính triết học lớn, tại đôi chỗ tính văn học bị giảm đi, người đọc khi đọc phải rất tập trung". Đồng ý với nhận định này, nhà thơ Văn Công Hùng nói vui: "Tập thơ của anh Nguyễn Linh Khiếu quá đồ sộ, đến mức tôi phải mua thêm trọng lượng để có thể mang theo khi lên máy bay. Thơ anh chỉ có thể ngồi đọc chứ không thể nằm đọc. Tôi nể phục khi anh Nguyễn Linh Khiếu dám làm mới mình, không sợ không có người đọc, bởi nhà thơ nào cũng mong muốn mình có thêm độc giả".
Trong không gian cởi mở và gần gũi, tọa đàm còn có sự đóng góp nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, như: Nguyễn Văn Dân, Trần Nhương, Trần Gia Thái, Trần Đăng Thao, Đặng Tiến, Hoàng Liên Sơn… hầu hết đều đưa ra sự khác biệt của trường ca Nguyễn Linh Khiếu, về cả chiều sâu tư duy cũng như phương thức thể hiện. Buổi tọa đàm Nguyễn Linh Khiếu: Từ "Chùm mơ tiên cảnh" một lần nữa khẳng định cái tôi độc đáo của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, qua đó phần nào cho thấy khao khát sáng tạo, làm mới mình của các thi sĩ Việt trong dòng chảy văn chương đương đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.