Dân Việt

Dân New York giận dữ sục sôi vì người đàn ông da đen bị kẹp cổ chết

Zing News 05/05/2023 17:30 GMT+7
Cái chết của Jordan Neely trên chuyến tàu điện ngầm làm dấy lên sự phẫn nộ của cư dân New York (Mỹ). Đây là sự cảnh báo cho vấn đề người vô gia cư và khủng hoảng sức khỏe tâm thần.

Một cuộc biểu tình nổ ra hôm 3/5 tại sân ga tàu điện ngầm ở trung tâm Manhattan, nhằm phản ứng với cái chết trên chuyến tàu điện ngầm của người đàn ông da đen vô gia cư có vấn đề về tâm lý.

Cuộc biểu tình chuyển biến thành sự chống đối đầy giận dữ về chính sách và các ưu tiên phúc lợi xã hội ở thành phố New York, theo Guardian.

"Công lý cho Jordan Neely", đám đông biểu tình hô vang, CBS đưa tin.

Dân New York giận dữ sục sôi vì người đàn ông da đen bị kẹp cổ chết - Ảnh 1.

Một sĩ quan cảnh sát quan sát người biểu tình tập trung tại ga tàu điện ngầm Broadway-Lafayette ở New York để phản đối về cái chết của Jordan Neely. Ảnh: AP.

Vụ tấn công xảy ra hôm 1/5. Người đàn ông bị sát hại được xác định là Jordan Neely, 30 tuổi, không có nhà và kiếm sống bằng nghề biểu diễn đóng giả Michael Jackson tại Quảng trường Thời đại.

Dân New York giận dữ sục sôi vì người đàn ông da đen bị kẹp cổ chết - Ảnh 2.

Jordan Neely làm công việc biểu diễn đóng giả Michael Jackson. Ảnh: Twitter.

Theo cảnh sát và video ghi lại tại hiện trường, Neely xin ăn, quấy rối trên tàu điện ngầm và đe dọa khi bị một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ 24 tuổi dùng tay khóa chặt đầu trong một phút.

Khi đoàn tàu chạy vào một điểm dừng giáp ranh giữa khu phố SoHo và NoliTa, Neely bất tỉnh và sau đó anh được cho là đã chết trong bệnh viện.

Không phải cái chết đầu tiên

Juan Alberto Vazquez, một phóng viên ghi nhận vụ việc, nói với tờ New York Post rằng Neely chỉ la hét, kêu la rằng anh ta đói và khát nhưng không tấn công bất cứ ai.

Vazquez cho biết người đàn ông 24 tuổi đã tiếp cận Neely sau khi người đàn ông vô gia cư ném áo khoác xuống đất.

Trong video ghi lại sự việc, ở đoạn đầu tiên, Neely đã nằm trên sàn toa tàu điện ngầm, cổ anh bị cánh tay trái của cựu binh thủy quân lục chiến khóa chặt. Người đàn ông thứ hai giữ cánh tay của Neely và người thứ ba giữ vai anh ta. Sau khi cố gắng tìm cách thoát ra, cuối cùng Neely gục xuống.

48 giờ sau đó, cái chết của Neely cùng sự phản ứng với nó đang có nguy cơ trở thành cao trào làm nổi bật lên điều mà một số người gọi là phản ứng cảnh giác bán trừng phạt đối người vô gia cư và khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Điều đó nổi bật lên khi nhiều người bày tỏ bảo vệ hành động của người cựu binh thủy quân lục chiến, người lúc đó đã yêu cầu các hành khách khác trên tàu gọi 911.

Tuy nhiên, khi khoảng 30 người đã đến cầu nguyện tại nơi xảy ra vụ án và viết lên cột ở ga tàu điện ngầm dòng chữ "Who killed Jordan Neely?" (tạm dịch: Ai đã giết Jordan Neely?), những căng thẳng đó sớm chuyển thành thái độ phản đối với chính sách của thành phố New York với người vô gia cư, cũng như chính sách về cảnh sát tàu điện ngầm.

Shifa Rahman - một sinh viên trong đám đông biểu tình - nói: “Đây là một hành động giết người khủng khiếp - giết một người cần được giúp đỡ. Anh ấy đang ở thời điểm tuyệt vọng nhất, và một công dân của thành phố đã hành động theo thành kiến chủng tộc, và chà đạp lên điều đó”.

Dân New York giận dữ sục sôi vì người đàn ông da đen bị kẹp cổ chết - Ảnh 3.

Đám đông biểu tình phản ứng về cái chết của Jordan Neely. Ảnh: Berry William/New York Daily News.

Một người đàn ông 47 tuổi tên King James cho hay ông chứng kiến sự việc khi đang ở trên chuyến tàu F.

Theo lời nhân chứng này nhà ga tàu điện ngầm là nơi ấm áp và rộng rãi, nên nhiều người vô gia cư như ông đã tìm tới đây.

"Anh ấy (Neely) bị khóa chặt cổ rất lâu", ông James kể lại. "Người đàn ông da trắng đã hành động như vậy từ một cuộc va chạm với một người vô gia cư và anh ấy (Neely) không có cách nào bảo vệ bản thân".

“Đây không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần - có rất nhiều chuyện như vậy đã xảy ra trên tàu điện ngầm”.

Danh tính của cựu lính thủy quân lục chiến liên quan đến vụ việc vẫn chưa được công bố. Bộ phận giám định y tế New York sau khi khám nghiệm tử thi xác định đây là một vụ giết người.

Chủ tịch quận Manhattan Mark Levine, một người hâm mộ của Neely, chia sẻ: "Tôi đã thấy Jordan Neely biểu diễn đóng giả Michael Jackson nhiều lần trên chuyến tàu A. Anh ấy luôn làm mọi người mỉm cười. Những hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần bị lỗi của chúng tôi đã đẩy anh ấy vào hố sâu thất vọng. Anh ấy xứng đáng được giúp đỡ, chứ không phải chết vì nghẹt thở trên sàn tàu điện ngầm".

Thống đốc New York Kathy Hochul gọi vụ giết người này là "đáng lo ngại sâu sắc".

Nữ Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez gọi cái chết của Neely là một tình huống kinh khủng. "Jordan Neely vô gia cư và khóc đòi thức ăn trong thời điểm thành phố đang tăng tiền thuê nhà và tước bỏ các dịch vụ để quân sự hóa chính nó”, bà Alexandria Ocasio-Cortez viết trên Twitter.

Dân New York giận dữ sục sôi vì người đàn ông da đen bị kẹp cổ chết - Ảnh 4.

Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez chỉ trích Thị trưởng New York Eric Adams vì không phản ứng mạnh hơn với cái chết của Neely. Ảnh: New York Times.

Ông Andre Zachery, cha của Neely, nói với tờ Daily News rằng mẹ của người con trai xấu số của ông bị giết khi anh mới 18 tuổi. Thi thể của bà được tìm thấy trong một chiếc vali bên lề đường Bronx vào năm 2007.

“Mẹ của Neely bị giết. Và bây giờ tới lượt Neely? Mẹ của con tôi bị bạn trai của bà ấy bắn chết. Và giờ tới con trai tôi sao? Bị giết bởi một người khác?", Zachery nói. Ông vẫn nhớ con có thể nhảy điệu Michael Jackson tuyệt với như thế nào, song người cha cho biết ông không gặp con trai 4 năm rồi.

Hồi chuông cảnh báo đối với tình trạng vô gia cư

Theo các nhà vận động công bằng xã hội, vụ án mạng của Jordan Neely cho thấy sự bất bình đẳng rõ rệt.

Người cựu binh thủy quân lục chiến bị thẩm vấn nhưng vẫn được thả ra và không bị buộc tội.

Dân New York giận dữ sục sôi vì người đàn ông da đen bị kẹp cổ chết - Ảnh 5.

Cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ siết cổ Neely từ phía sau. Ảnh: Juan Alberto Vazquez/Daily News.

Tiffany Caban, thành viên Hội đồng thành phố New York, nói: "Những người đang chịu đựng tình trạng vô gia cư, bệnh tâm thần, đói khát và thất vọng cần và xứng đáng được chăm sóc bằng lòng trắc ẩn. Nhưng thay vào đó, các quan chức và phương tiện truyền thông nói với chúng tôi rằng họ là những mối đe dọa cần được ngăn chặn bằng vũ lực".

“Việc Jordan Neely bị giết là hậu quả không thể tránh khỏi”, bà Cabán nhấn mạnh.

Nhà hoạt động công bằng xã hội Mỹ Rev Al Sharpton ra tuyên bố yêu cầu điều tra cái chết của Neely theo diện khả năng ngộ sát. Ông đề cập đến trường hợp Bernhard Goetz năm 1984, trong đó một tay súng da trắng bị kết tội sử dụng vũ khí sau khi người này bắn bốn người đàn ông da đen trên một chuyến tàu điện ngầm.

“Chúng ta không thể quay ngược trở lại cái thời chủ nghĩa cảnh giác được dung túng. Điều đó đã không thể chấp nhận được lúc đó và bây giờ cũng không”, ông Sharpton nói.

Tại Broadway-Lafayette, nhà hoạt động Alice O’Malley nói rằng người cựu lính thủy đánh bộ lẽ ra phải biết cách kiềm chế ai đó, nếu cần, mà không cần phải giết người.

“Anh ấy (Neely) yếu ớt, anh ấy nói rằng anh ấy đã không được ăn hay uống. Lúc đó, anh ấy không còn sự sáng suốt. Và anh ấy bị tới ba người đàn ông đè xuống. Đừng nói rằng ba người đàn ông đó không thể kiềm chế anh ấy cho đến điểm dừng tiếp theo? Đó chính là New York”, bà O’Malley nói.

Nhiều người biểu tình cho rằng thành phố nên đầu tư vào các dịch vụ xã hội và hỗ trợ sức khỏe tâm thần thay vì tăng ngân sách cảnh sát và đẩy thêm cảnh sát vào hệ thống tàu điện ngầm - vì cảnh sát đã không ngăn được cái chết của Neely.

Dân New York giận dữ sục sôi vì người đàn ông da đen bị kẹp cổ chết - Ảnh 6.

Người biểu tình tại Manhattan hôm 3/5 bày tỏ sự phản đối với cái chết của Jordan Neely. Ảnh: AP.

Một hành khách trong nhà ga chia sẻ: “Thành phố đã đổ hàng triệu đôla vào lực lượng cảnh sát tàu điện ngầm và thay vì thực sự ngăn chặn tội phạm, họ lại để cho kẻ sát nhân đi lại tự do".

Cũng theo vị hành khách, Thị trưởng Erik Adams nói có camera giám sát trên một số toa tàu điện ngầm, nhưng "chúng tôi được cho biết là không có bất kỳ camera nào trên toa này".

Trong khi đó Thống đốc New York Kathy Hochul gọi những gì được ghi lại trong video vụ việc này là "đáng lo ngại sâu sắc và điều đó gây ra nhiều nỗi sợ hãi cho mọi người". Bà cho biết tiểu bang sẽ làm việc với thành phố để xác định xem tình trạng vô gia cư và khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần “có phải là một yếu tố ở đây hay không”.