Dân Việt

WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

V.N (Theo CNN, AP) 05/05/2023 21:00 GMT+7
Hôm nay 5/5 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng Covid-19 không còn là trường hợp khẩn cấp toàn cầu, đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng đối với đại dịch tàn khốc đã gây ra các đợt phong tỏa chưa từng có, làm đảo lộn các nền kinh tế và giết chết ít nhất 7 triệu người trên toàn thế giới.

WHO cho biết dù giai đoạn khẩn cấp đã qua nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc, ghi nhận số ca mắc tăng đột biến gần đây ở Đông Nam Á và Trung Đông. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết hàng nghìn người vẫn đang chết vì virus mỗi tuần.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Trong hơn một năm qua đại dịch đã theo hướng đi xuống. Xu hướng này cho phép hầu hết các nước trở lại cuộc sống trước Covid-19. Hôm qua ủy ban khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và khuyến cáo tôi rằng tôi có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được quan ngại toàn cầu. Tôi đã chấp nhận lời khuyến cáo đó".

“Với hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Song điều đó không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu”.

Nóng: WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ảnh: USCR.


Theo dữ liệu của WHO, đã có hơn 765 triệu trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Gần 7 triệu người đã chết. Châu Âu đã có nhiều trường hợp được xác nhận nhất về tổng thể, nhưng Châu Mỹ đã báo cáo nhiều trường hợp tử vong nhất. Khoảng 1 trong 6 tổng số ca tử vong là ở Mỹ.

Các trường hợp lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2022 khi Omicron càn quét toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến Tây Thái Bình Dương. Nhưng hàng tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu và số ca tử vong vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đó.

Giờ đây, số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang ở mức thấp nhất trong ba năm. Tuy nhiên, hơn 3.500 người đã chết trong tuần cuối cùng của tháng 4 và hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm chủng.

Khi WHO lần đầu tiên tuyên bố virus corona là một cuộc khủng hoảng quốc tế vào ngày 30/1/2020, nó vẫn chưa được đặt tên là Covid-19 và không có đợt bùng phát lớn nào ngoài Trung Quốc.

Hơn ba năm sau, virus này đã gây ra khoảng 764 triệu trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu và khoảng 5 tỷ người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Tại Mỹ, tuyên bố khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng liên quan đến Covid-19 sẽ hết hạn vào 11/5, khi các biện pháp trên diện rộng để hỗ trợ ứng phó với đại dịch, bao gồm cả việc tiêm vaccine, sẽ kết thúc. Nhiều quốc gia khác, bao gồm Đức, Pháp và Anh, đã bỏ nhiều điều khoản của họ để chống lại đại dịch vào năm ngoái.

Năm 2020, khi Tedros tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp, ông nói rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của ông là khả năng lây lan của virus ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém mà ông mô tả là “không được chuẩn bị sẵn sàng”.

Trên thực tế, một số quốc gia có số người chết vì Covid-19 tồi tệ nhất trước đây được đánh giá là có sự chuẩn bị tốt nhất cho đại dịch, bao gồm Mỹ và Anh. Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong được báo cáo ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu.

WHO đã đưa ra quyết định hạ mức cảnh báo cao nhất vào 5/5, sau khi triệu tập các chuyên gia một ngày trước đó. 

WHO đã gây nên nhiều tranh cãi khi bị cho là chậm trễ trong việc tuyên bố đại dịch toàn cầu, khuyến cáo người dân không nên đeo khẩu trang để bảo vệ khỏi Covid-19 trong nhiều tháng. Việc đeo khẩu trang cũng gây tranh cãi ở nhiều quốc gia phương tây và những người châu Á có thói quen đeo khẩu trang còn bị kỳ thị - một sai lầm mà nhiều quan chức y tế cho rằng phải trả giá bằng mạng sống. 

WHO còn bị cho là đã chậm trễ thừa nhận rằng COVID-19 thường xuyên lây lan trong không khí và từ  những người không có triệu chứng, và thiếu hướng dẫn mạnh mẽ để ngăn chặn sự phơi nhiễm như vậy.

Tổng Giám đốc WHO Tedros là người chỉ trích gay gắt các nước giàu đã tích trữ nguồn cung vaccine Covid-19 hạn chế, cảnh báo rằng thế giới đang đứng trước bờ vực “thất bại nghiêm trọng về mặt đạo đức” do không chia sẻ vắc xin với các nước nghèo. Đây cũng là quan điểm của một số tổ chức phi chính phủ toàn cầu khi kêu gọi chia sẻ vaccine công bằng.