Ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh tòa hình sự -TAND TP.Hà Nội cho hay, ông chưa được tiếp cận đủ hồ sơ nên chỉ phân tích vụ án cô giáo Lê Thị Dung trên cơ sở cáo trạng truy tố.
Cáo trạng của Viện KSND huyện Hưng Nguyên thể hiện, từ năm 2010, bà Dung là Bí thư chi bộ Trung tâm Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện (Trung tâm) và từ 2012 – 2017, là Giám đốc tại đây.
Bà Dung đã chỉ đạo xây dựng quy chế hoạt động và quy chế chi tiêu nội bộ tại Trung tâm không đúng Thông tư 28/2009 của Bộ GD-ĐT.
Từ quy chế trên, bà Dung (chủ tài khoản của Trung tâm) có 4 lần được chi 2 lần tiền về cùng một sự việc gồm tập huấn, kiểm tra; Bí thư chi bộ; học cao học… Cụ thể, năm học 2011 – 2012 được chi hơn 3,3 triệu đồng; 2013 – 2014 được chi 303 nghìn đồng; 2014 – 2015 được chi 30,9 triệu đồng và năm học tiếp theo được chi hơn 13,8 triệu đồng.
Viện KSND huyện Hưng Nguyên đã truy tố bà Dung theo khoản 2, Điều 356, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" với tình tiết định khung "phạm tội 2 lần trở lên", mức phạt từ 5 – 10 năm tù. Tòa án cùng cấp xét xử và phạt bà Dung 5 năm tù.
Phân tích vụ án trên, nguyên thẩm phán Trương Việt Toàn nêu quan điểm: "Cơ quan điều tra huyện Hưng Nguyên làm cẩn thận, có trưng cầu giám định từ cơ quan chuyên môn đối với thiệt hại do bà Dung gây ra".
Về tội danh, ông Toàn nhận định bà Dung có "hành vi đơn giản" khi được hưởng chế độ của Bí thư chi bộ, hỗ trợ, tập huấn… nhưng lại làm trái công vụ là "quy đổi" thành các tiết dạy học thêm để được hưởng lần 2.
"Bà Dung làm Giám đốc, là chủ tài khoản nên hành vi trên là trái công vụ, trái quy định về chế độ thanh toán, quản lý kế toán cũng như Nghị định về tự chủ tài chính", ông Toàn nói.
Nguyên thẩm phán này cho rằng, bà Dung làm trái công vụ gây thiệt hại cho nhà nước nên Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên xác định hành vi này phạm vào điều 356 Bộ luật hình sự là đúng tội danh.
Về các khoản trong điều 356 Bộ luật hình sự, ông Trương Việt Toàn cho hay, khoản 1 điều luật này quy định người gây thiệt hại từ 10 – 200 triệu đồng phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn khoản 2 có những tình tiết xác định là "phạm tội 2 lần trở lên" (điểm b) hoặc "gây thiệt hại tài sản từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng" (điểm c).
"Người có hành vi phạm tội nhiều lần, mỗi lần trên 10 triệu đồng là vào khoản 2 điều 356; việc hiểu phải phạm tội nhiều lần kèm gây thiệt hại trên 200 triệu đồng mới bị truy tố ở khoản 2 điều 356 là không đúng", ông Toàn nói và cho rằng Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên áp dụng khoản 2 điều 356 với hành vi của bà Dung là có căn cứ.
Về mức án, nguyên Phó chánh tòa Hình sự cho rằng, bà Dung phạm tội ở thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 còn hiệu lực nhưng hình phạt nặng hơn so với Bộ luật hình sự 2015. Cơ quan tố tụng tại huyện Hưng Nguyên áp dụng Bộ luật hình sự 2015 theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo là đúng.
Hành vi của bà Dung đáp ứng khoản 2 điều 356, Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt 5 – 10 năm tù, bà chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ là có thành tích trong công tác.
"Nếu bà Dung có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, tòa án mới có thể áp dụng hình phạt dưới khung, nghĩa là về khoản 1 điều 356 (từ 1 – 5 năm tù). Trong vụ án này, mức án 5 năm với bà Dung là phù hợp cáo trạng cũng như tình tiết giảm nhẹ", ông Toàn nêu quan điểm.
Nguyên thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng, dư luận ồn ào về vụ án của bà Dung vì phiên tòa diễn ra cùng thời gian xét xử bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn nên dễ so sánh. Ông Tuấn gây thiệt hại 53 tỷ đồng bị tuyên án 3 năm tù, còn cô giáo Dung gây thiệt hại 45 triệu đồng nhưng bị tuyên 5 năm tù.
Theo ông Toàn, việc so sánh như vậy không đúng vì bà Dung bị truy tố theo điều 356, thuộc nhóm tội tham nhũng, chức vụ với "khung hình phạt rất nặng" còn ông Nguyễn Quang Tuấn phạm tội về vi phạm đấu thầu.
Ông Toàn nói: "Hai tội danh khác nhau, nhóm tội khác nhau nên hình phạt đương nhiên khác nhau, không thể đưa vụ ông Nguyễn Quang Tuấn so với vụ cô giáo Lê Thị Dung. Trường hợp ông Tuấn có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng tòa chỉ được xử ở mức dưới khung liền kề là 3 năm tù, không thể nhẹ hơn".
Khi còn công tác, nguyên thẩm phán Trương Việt Toàn từng tham gia xét xử nhiều đại án như vụ ông Đinh La Thăng; vụ 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành; vụ cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son; vụ Hà Văn Thắm...