Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên nói về "lý, tình" trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên nói về "lý, tình" trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung
PV
Thứ bảy, ngày 06/05/2023 07:40 AM (GMT+7)
Trao đổi riêng với Dân Việt, ông Lâm Quốc Tú - Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) khẳng định, tòa sơ thẩm áp dụng đúng pháp luật vụ cô giáo Lê Thị Dung. Bị cáo này không có đủ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 46 của Bộ luật Hình sự 2015 để có thể nhận mức án dưới khung hình phạt.
Liên quan tới vụ án cô giáo Lê Thị Dung - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên nhận mức án 5 năm tù về tội "Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trao đổi với phóng viên Dân Việt qua điện thoại, ông Lâm Quốc Tú - Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã có những chia sẻ về "lý, tình".
Đầu tiên, ông Lâm Quốc Tú - Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên thông tin, cô giáo Lê Thị Dung từng làm hội thẩm nhân dân TAND huyện Hưng Nguyên nhiều năm, tham gia nhiều phiên tòa.
Năm 2017, cô Dung được Chánh án TAND tỉnh Nghệ An tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác xét xử của tòa án. Đây cũng là tình tiết giảm nhẹ được nêu trong cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm.
Ông Tú nói, ông cũng đã từng làm việc với cô giáo Dung trong nhiều năm, từ hoạt động xét xử đến những cuộc hội họp. Trong vụ án cô Dung bị truy tố, cô Dung chỉ có một tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo không nộp lại số tiền, không nhận tội vì thế không thể xử dưới khung hình phạt (dưới 5 năm năm tù).
"Nếu tòa xử dưới khung hình phạt là sai với quy định của pháp luật, bản án sẽ bị hủy và phải giải trình và bị xem xét tư cách thẩm phán" - ông Lâm Quốc Tú nói.
Liên quan đến những thông tin cho rằng việc truy tố cô Dung ở khoản 2 điều 356 là nặng khi số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho biết: Nếu hiểu như vậy là chưa đọc rõ, hiểu rõ quy định của luật, đặc biệt là Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Ông Tú cho biết, Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có những hướng dẫn cụ thể. Nhiều người hiểu sai khi cho rằng mỗi hành vi của bị cáo chưa gây thiệt hại đủ 10 triệu đồng và cộng lại thì chỉ áp dụng theo khoản 1 điều 356, nhưng đối chiếu theo Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và các điều luật thì HĐXX phải áp dụng khoản 2 điều 356 để xử phạt bị cáo Dung.
Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho biết, nếu bị cáo Dung thành khẩn khai báo và nộp lại số tiền đã nhận gần 45 triệu đồng thì sẽ có ba tình tiết giảm nhẹ, mức án hoàn toàn khác.
Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cũng cho biết, vụ án được xét xử công khai, có sự chứng kiến của rất nhiều người dân. Sau đó, TAND huyện Hưng Nguyên cũng đã gửi bản án, báo cáo cụ thể, chi tiết về vụ án tới TAND tỉnh Nghệ An.
Gia đình xin cho cô giáo Lê Thị Dung được tại ngoại, chữa bệnh
Ông Phạm Lê Tuyên (trú thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An - là con bà Dung) cho biết, đã cùng bố là Phạm Ngọc Thạch gửi đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho mẹ là bà Lê Thị Dung. Trong đơn, chồng và con bà Lê Thị Dung nêu các lý do để xin bảo lãnh tại ngoại, gồm: Trước khi bị khởi tố điều tra, bà Lê Thị Dung có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, sống hiền lành, gương mẫu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Bà Lê Thị Dung sức khỏe không tốt, có tiền sử bị bệnh đau dạ dày, mỡ máu cao, suy tim độ 3, rối loạn tiền đình...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.