Dân Việt

Làng của những Anh hùng ở Phú Thọ, có người con gái tên Hạnh được phong là Ngọc Loan công chúa

Tiên Châu là một làng nhỏ thuộc xã Chí Tiên (xã Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp), huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Ngày trước, làng Tiên Châu có các xóm mang tên: Đình, Chằm, Cối, Tràng; nay theo biên chế mới là Khu 1, Khu 2 của xã Chí Tiên. 

Người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề nông, nền nếp gia phong luôn được coi trọng. Trong ký ức của những bậc cao niên, làng có ruộng văn chỉ để cấp cho những người học giỏi (3 năm cấp lại một lần). 

Người dân Tiên Châu luôn tự hào về truyền thống yêu nước của làng mình, thời nào cũng có Anh hùng xuất chúng được suy tôn, thờ phụng.

Làng của những Anh hùng ở Phú Thọ, có người con gái tên Hạnh được phong là Ngọc Loan công chúa - Ảnh 1.

Lễ hội Văn hóa được bà con nhân dân thôn Tiên Châu xã Chí Tiên (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) tổ chức. Ảnh: Internet

Một nữ tướng của Hai Bà Trưng

Theo Ngọc phả và những sắc phong của các triều đại phong kiến hiện còn lưu giữ ở đền Du Yến (thuộc xã Chí Tiên), bà Nguyễn Thị Hạnh, người được sinh trưởng từ làng Tiên Châu đã có công lớn trong cuộc kháng chiến do Hai Bà Trưng lãnh đạo chống quân xâm lược Đông Hán từ phương Bắc tới - đánh đuổi bè lũ Tô Định, giải phóng hoàn toàn bờ cõi nước nhà.

Là con gái độc nhất của một gia đình nông dân khá giả, được dưỡng dạy chu đáo, sớm tinh thông văn chương, võ nghệ, khi được nghe lời hiệu triệu tìm người tài ra giúp nước của Hai Bà Trưng, bà Hạnh đã đưa 92 nghĩa binh do mình tập hợp, huấn luyện về Mê Linh dự Lễ tế cờ. 

Với trọng trách được giao "Trưởng lĩnh tiền quân" (lời văn trong Ngọc phả, có thể dịch tương đương là "Tư lệnh mặt trận"), bà cùng quân sỹ lập nên nhiều chiến công, được Hai Bà Trưng hết lòng yêu quý lưu lại trong triều và phong làm Ngọc Loan Công Chúa.

Sau khi bà qua đời, để tỏ lòng thành kính, tri ân đối với Người anh hùng có công với đất nước - quê hương, dân trong làng Tiên Châu và vùng lân cận đã lập đền Du Yến để thờ phụng, hương khói suốt hàng nghìn năm tới giờ. Đền Du Yến được lập ngay trên vùng đất linh (đồi Bạch Hổ) nơi thuở xưa bà Hạnh mở tiệc khoản đãi dân làng. Ngày 30.8.1993, Đền đã được Bộ Văn hóa - thông tin cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Cụ Đề Cắng với phong trào Cần Vương

Tư liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng CSVN xã Chí Tiên cũng như sách Nắng chiều quê (ấn phẩm của Ủy ban nhân dân xã Chí Tiên), tài liệu lịch sử và lời kể của nhân dân địa phương cho biết: Tiên Châu là quê hương của cụ Cử nhân võ Nguyễn Văn Cắng (còn gọi là Đề Cắng, Cử Cắng) - một thành viên (phụ trách về quân sự) trong Ban lãnh đạo nghĩa quân mạn phía Bắc tỉnh Phú Thọ hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi đứng lên chống thực dân Pháp.

Năm 1884, thành Hưng Hóa do Quan Chi phủ Lâm Thao Tiến sỹ Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích chỉ huy, đã bất tuân lênh triều đình, đứng lên chống Pháp. Ngày 12.4 năm ấy, Pháp tiến đánh thành. Do quá chênh lệch về lực lượng cho nên thành Hưng Hóa nhanh chóng bị thất thủ. Quân kháng chiến rút về huyện Cẩm Khê để củng cố lực lượng. 

Lễ tế cờ được tổ chức ở Đình Cả của làng Tiên Động thuộc xã Tuy Lộc vào ngày 16.8.1884 dưới lá cờ có thêu 4 chữ: Bình Tây, Báo Quốc. Xã Chí Tiên có 3 vị đại diện sang dự Lễ tế cờ, là các cụ: Hà Khắc Hậu (Lý Hậu), Hà Khắc Tứ (Chánh Tứ) và Nguyễn Văn Cắng (Đề Cắng). Lãnh đạo nghĩa quân quyết định lập căn cứ, xây đồn ở Gò Dùng thuộc địa hạt thôn Chí Chủ và giao cho 3 vị chỉ huy.

Năm 1890, chủ soái Nguyễn Quang Bích - linh hồn của phong trào Cần Vương miền Phú Thọ, Yên Bái lâm trọng bệnh rồi mất. Từ đấy, phong trào sa sút rất nhanh. Đồn Gò Dùng là căn cứ cuối cùng của phong trào Cần Vương ở vùng này. Ngày 14.11 năm Nhâm Thìn (1892), quân Pháp tiến đánh đồn Gò Dùng - Làng Hà. 

Chúng đã sử dụng lực lượng mạnh về quân số và vũ khí (có cả súng cối, đại bác…) trong khi đó quân ta chỉ có binh khí thô sơ và lòng dũng cảm. Trước tình thế hiểm nguy, cụ Đề Cắng nhận lệnh phá vòng vây, mở đường máu đưa quân rút về phía nam nhằm bảo toàn lực lượng. Đến địa phận làng Hạ Mạo (thuộc xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ ngày nay), nghĩa binh gặp mũi tiến quân của đơn vị lính Âu Phi. Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra rất ác liệt. 

Cụ Đề Cắng trúng đạn hy sinh gần Cống Sấu thuộc địa phận làng Hạ Mạo. Từng nghe danh của cụ Đề Cắng và được tận mắt chứng kiến tấm gương tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh vì đại nghĩa, người dân ở làng Hạ Mạo đã giấu thi hài của cụ vào trong Cống Sấu. Tang lễ của cụ được tổ chức trọng thể đủ 3 ngày ở Đình Cả của làng Tiên Châu. 

Dân làng Tiên Châu nhận được đôi câu đối của một nhà lãnh đạo Phong trào Cần Vương (có nguồn tin cho rằng của Quan đầu triều Tôn Thất Thuyết) gửi về viếng cụ Đề Cắng: Nam Quốc Nam Thần thiên cổ tại / Tiên Châu tiên cốt ức niên hương (có thể dịch nghĩa là: Nước Nam hàng nghìn năm đã có Thần / Xương cốt của làng Tiên Châu còn mãi mãi. Đôi câu đối này hiện còn được lưu giữ ở cổng Đền Du Yến. Phần mộ của cụ Đề Cắng đặt ở đất Chùa Thông (nay thuộc Khu 2 xã Chí Tiên).

Cảm kích và trân trọng trước tấm gương anh dũng chiến đấu hy sinh vì nước, dân làng Hạ Mạo đã lập miếu thờ cụ Đề Cắng ở phía bờ sông Hồng nơi gần Cống Sấu. Trải qua mưa nắng, lũ lụt, khi miếu bị sụt lở, hư hại, người dân địa phương lại rước chân nhang từ ngôi miếu đưa về Đình Làng để hương hồn cụ Đề Cắng được trú ngụ nơi linh thiêng, quanh năm hương khói. Hàng năm, cứ vào các ngày 17 và 18 tháng giêng, Đình làng Hạ Mạo lại mở hội, tế lễ long trọng. Vào dịp ấy, các hậu duệ của cụ Đề Cắng đều về cúng lễ chu đáo.

Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam Chu Văn Tua

Xã Chí tiên có 2 làng: Chí Chủ và Tiên Châu. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng ngàn con em trong xã lên đường nhập ngũ tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường. 

Trong số 124 liệt sỹ của Chí Tiên có nhiều con em ra đi từ làng Tiên Châu. Trong số đó có Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam Chu Văn Tua, người đã hy sinh oanh liệt ở chiến trường miền Nam. Phần mộ của Anh hùng Chu Văn Tua nay đã được đưa từ phương Nam về quê hương, đặt trên ngọn đồi không xa đền Du Yến.

Xã Chí Tiên có 4 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số ấy có 2 Mẹ quê ở làng Tiên Châu: Mẹ Nguyễn Thị Bệ và Mẹ Chu Thị Huỳnh.