Bộ GTVT vừa đề nghị 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau nghiên cứu, lập phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2).
Theo Bộ GTVT, quá trình triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thời gian qua đã gặp một số khó khăn, vướng mắc do các chủ quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu (xây dựng trước khi triển khai các dự án thành phần) không đồng ý cam kết di dời công trình bằng kinh phí của mình mà không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển khi thực hiện GPMB để xây dựng tuyến đường bộ cao tốc.
Việc hạ tầng kỹ thuật chưa di dời khỏi phạm vi dự án cao tốc Bắc - Nam đã khiến cho dự án có nguy cơ bị chậm. Qua đó, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB nghiên cứu, lập phương án di dời các công trình này.
Việc di dời với luận chứng kinh tế - kỹ thuật đảm bảo hiệu quả kinh tế, không ảnh hưởng đến tuyến đường cao tốc sau khi hoàn thành theo quy hoạch, không gây ảnh hưởng đến an toàn công trình, ATGT, công tác bảo trì kết cấu và công năng công trình, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
"Các Ban QLDA (chủ đầu tư dự án thành phần) được ủy quyền có ý kiến chấp thuận phương án di dời để các địa phương tổ chức lập, thẩm định phê duyệt theo quy định", Bộ GTVT yêu cầu.
Báo cáo Bộ GTVT về dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, quá trình triển khai các đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Hậu Giang - Cà Mau… tại một số địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… gặp phải khó khăn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu được xây dựng trước khi thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Cụ thể, các chủ quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu này không đồng ý có văn bản cam kết di dời công trình bằng kinh phí của mình mà không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển trong trường hợp xây dựng, mở rộng đường trong tương lai.
"Chủ đầu tư các công trình không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ, thủ tục chấp thuận phương án di dời theo hướng dẫn của Bộ GTVT, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB", Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.
Theo đánh giá của Bộ GTVT được vận dụng các quy định đối với công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác và chỉ phù hợp đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật được các chủ sở hữu xin phép xây dựng mới trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của các tuyến đường hiện hữu.
Trong khi đó, các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là các tuyến đường xây dựng mới. Việc triển khai đầu tư xây dựng ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật (nằm trong phạm vi GPMB) đã được các chủ sở hữu đầu tư xây dựng và đang khai thác, sử dụng.
Trách nhiệm di dời các công trình này thuộc chủ đầu tư tiểu dự án GPMB, không thuộc trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng công trình.
Tại một số vị trí, do điều kiện thực tế khó khăn, không thể bố trí được mặt bằng hoặc thực hiện di dời công trình ra khỏi phạm vi đất của đường bộ cao tốc dẫn đến kinh phí tăng lớn. Việc bắt buộc các chủ quản lý, sử dụng cam kết di dời công trình bằng kinh phí của mình mà không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển khi đầu tư xây dựng các dự án thành phần là chưa phù hợp.
Các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB lập phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật theo hướng bố trí một số công trình thiết yếu trong phạm vi phần đất của đường bộ cao tốc là cần thiết và phù hợp với điều kiện kinh phí hiện nay.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu quan điểm và kiến nghị Bộ GTVT xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung đối với việc thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hiện hữu (xây dựng trước khi đầu tư xây dựng các dự án thành phần) không thể bố trí ngoài phạm vi phần đất của đường bộ cao tốc.