Theo đó, Quy định này nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Trung ương; thay thế Quy định số 04-QĐ/TU, ngày 11/8/2021 của Thành ủy về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và các quy định trước đây trái với quy định này.
Quy định nêu rõ trách nhiệm, mối quan hệ của các cơ quan trong công tác cán bộ. Theo đó, căn cứ nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ, Đảng đoàn HĐND Thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội (có thành lập đảng đoàn) ở Thành phố; Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội; tập thể thường trực các tổ chức: Liên minh Hợp tác xã thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố, Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Hội Nhà báo Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc bầu cử hoặc bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về cán bộ và công tác cán bộ.
Không một tập thể hoặc cá nhân nào được thay đổi hoặc không thực hiện đúng quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi, phải được Ban Tổ chức Thành ủy thẩm định, báo cáo và được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý.
Khi thay đổi, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan hiệp quản cấp Thành phố do bộ, ban, ngành Trung ương quản lý, Ban Thường vụ Thành ủy tham gia ý kiến để Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng hoặc lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, quyết định. Trường hợp có ý kiến khác nhau, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Quy định cũng nêu rõ, cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu.
Việc này còn phải bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.
Có 7 mục về "Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn".
Trong đó, ngoài bảo đảm các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn phải không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Cán bộ này còn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.
Cũng theo Quy định số 12-QĐ/TU, chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ phải xem xét, báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về việc xin chủ trương bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ.
Theo Quy định, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
1, Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.
2, Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.
3, Có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
4, Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
5, Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.
6, Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
Trong khi đó, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
1, Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
2, Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
3, Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
4, Bị kỷ luật chưa đến mức phải xem xét miễn nhiệm nhưng tự nguyện xin từ chức.
5, Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.