Theo UBND tỉnh Nam Định, trong thời gian qua, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố còn nhiều hạn chế, sai phạm.
Cụ thể, thực hiện xử lý kỷ luật chưa đảm bảo thời hạn quy định, nhất là đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị khởi tố, xét xử.
Một số trường hợp xử lý kỷ luật sai thẩm quyền và một số trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật không đúng quy định (đặc biệt đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị Tòa án tuyên phạm các tội tham nhũng nhưng cho hưởng án treo).
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị không xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định dân số theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ.
Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố ở tỉnh Nam Định được xác định còn nhiều hạn chế, sai phạm. Ảnh minh họa
Để chấn chỉnh các hạn chế nêu trên và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh, các hội đặc thù cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, phổ biến các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ trong công tác xử lý kỷ luật.
Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, bộ phận tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị mình nghiên cứu, tham mưu việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định; thường xuyên rà soát, tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện các sai phạm trong công tác xử lý kỷ luật.
Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo thực hiện khi phát hiện các sai phạm trong công tác xử lỷ kỷ luật; cụ thể là hủy bỏ theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật khi tiến hành kỷ luật không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật; trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật.
Đồng thời phải tiến hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý xem xét xử lý kỷ luật theo đúng quy định. Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm để xem xét xử lý kỷ luật đối với thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý (người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức); người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bộ phận tham mưu về công tác cán bộ và cán bộ, công chức, viên chức có liên quan.
Kịp thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về những sai phạm trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền xử lý.
Đối với Sở Nội vụ, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải thực hiện hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu tổ chức cán bộ của các đơn vị, địa phương để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác xử lý kỷ luật theo quy định…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.