Mới đây, Công ty Vạn Thuận lại tiếp tục có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng đề nghị hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục để hợp thức hoạt động trung chuyển hàng hoá tại dự án vẫn còn dang dở, chưa điều chỉnh xong. Đáng nói hơn, đề nghị này đã nhận được sự đồng tình của UBND huyện Thanh Trì, Sở GTVT Hà Nội, mặc dù có ý kiến nêu rõ bất cập của Sở Quy hoạch và Kiến trúc.
Trước đó, Dân Việt có bài viết "Dự án bãi đỗ xe phường Đại Kim chậm 12 năm: Hà Nội 3 lần gia hạn, chủ đầu tư phân trần" phản ánh về tình trạng bãi đỗ xe Vạn Thuận 12 năm chậm tiến độ. Cụ thể, năm 2011, UBND TP.Hà Nội phê duyệt "Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để trung chuyển hàng hoá và đỗ xe tĩnh" tại ô đất A11/P2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai do Công ty CP đầu tư & kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận làm chủ đầu tư.
Vừa qua, Công ty Vạn Thuận có văn bản số 32/BC - VT gửi Sở GTVT Hà Nội, trong đó đề xuất cho sử dụng ô đất A11/P2 để thí điểm mô hình "Điểm đỗ xe hợp đồng, xe du lịch, kết hợp dịch vụ hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin". Cụ thể, Công ty Vạn Thuận đề xuất cho sử dụng 1.000m2 tại ô đất A11/P2 làm điểm dừng đỗ đón trả cán bộ công nhân, người lao động, khách du lịch, thí điểm trong 5 năm. Còn hoạt động trung chuyển hàng hoá thí điểm trong 8 năm.
Như vậy từ một ô đất có quy hoạch bãi đỗ xe đơn thuần, đến nay đang có nguy cơ biến thành bến bãi xe tải, xe khách ngay giữa khu vực nội đô đông dân cư với áp lực giao thông nặng nề.
Tạo thêm áp lực giao thông xe cộ cho tuyến lân cận
Ô đất A11/P2 nêu trên nằm ngay trên mặt đường vào khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, tuyến đường nối Nguyễn Xiển - Phan Trọng Tuệ. Nếu chỉ quan sát tình trạng giao thông tại vị trí ô đất thì áp lực không cao. Nhưng tính toán đến năng lực lưu thông toàn khu vực thì biến nơi này thành bến bãi trung chuyển hàng hoá có thể gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho toàn khu vực.
Các tuyến đường Nguyễn Xiển, Phan Trọng Tuệ, Cầu Bươu đều đang trong diện ùn tắc nhất của Hà Nội. Xe vận chuyển hàng hoá vào ô đất A11/P2 bắt buộc phải đi qua 1 trong những tuyến đường này. Ùn tắc giao thông có thể trầm trọng thêm trên hai tuyến đường, còn Công ty Vạn Thuận thì chỉ việc ung dung hưởng lợi từ bến bãi trung chuyển hàng hoá.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi xu hướng chung của thành phố là đưa các bến bãi xe tải, xe khách ra khỏi nội đô để giảm thiểu áp lực giao thông, việc cho một bến bãi hàng hoá, với sức chứa hơn 1.000 xe, mọc lên ngay sát hai tuyến giao thông trọng điểm cho thấy đây chỉ là tính toán có lợi cho doanh nghiệp mà bỏ quên áp lực giao thông toàn khu vực.
Mặt khác, Điều 55 - quy định về bãi đỗ xe, trong Thông tư 12/2020/TT - BGTVT do Bộ GTVT ban hành năm 2020 nêu rõ: "Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa".
Vậy việc Sở GTVT Hà Nội lấy ý kiến các bên liên quan, hướng dẫn cho Công ty Vạn Thuận làm bến bãi trung chuyển hàng hoá trên đất quy hoạch làm bãi đỗ xe có đúng hay không? Hơn nữa, một số ý kiến của chuyên gia còn đặt ra nghi vấn về tính pháp lý khi UBND thành phố Hà Nội vẫn giữ nguyên chủ trương "Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để trung chuyển hàng hoá và đỗ xe tĩnh" cho ô đất A11/P2.
Năm 2011, Công ty CP đầu tư & kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận được UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án tại ô đất A11/P2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Tại giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP.Hà Nội cấp, Điều 2 nêu rõ mục tiêu đầu tư là: "Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để trung chuyển hàng hoá và đỗ xe tĩnh".
Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận thành lập ngày 12/9/2005 do ông Đào Việt Hùng là Tổng Giám đốc. Tính đến 23/9/2018 công ty có vốn điều lệ là 115 tỷ đồng và riêng ông Hùng góp 114,7 tỷ đồng, chiếm 99,74% vốn điều lệ. Hai cổ đông khác là Vũ Thị Minh Phương và Nguyễn Đức Liêm góp 150.000.000 đồng, tương đương 0,13% vốn điều lệ. Thời điểm nhận dự án này, vốn điều lệ của công ty là 60 tỷ đồng.
Sau 12 năm với nhiều lần xin gia hạn thực hiện, dự án nêu trên vẫn chưa hoàn thành. Qua từng thời kỳ, lần lượt Sở GTVT Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai chỉ cấp phép cho sử dụng tạm dự án để trông giữ xe, đồng thời đều cấm hoạt động đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hoá, đóng gói sang tải và bảo quản hàng hoá tại nơi trông giữ xe trên ô đất A11/P2.
Thời gian qua, bất chấp việc dự án chưa hoàn thành, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, Công ty Vạn Thuận vẫn tổ chức trung chuyển hàng hoá, biến ô đất A11/P2 thành bến bãi xe tải, gây lộn xộn trong khu vực. Sau khi dư luận phản ánh, UBND, Công an quận Hoàng Mai đã có biện pháp quyết liệt buộc chấm dứt những hoạt động trung chuyển hàng hoá tự phát này.
Thế nhưng mới đây, Công ty Vạn Thuận lại tiếp tục có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng đề nghị hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục để hợp thức hoạt động trung chuyển hàng hoá tại dự án vẫn còn dang dở, chưa điều chỉnh xong này. Đáng nói hơn, đề nghị này đã nhận được sự đồng tình của UBND huyện Thanh Trì, Sở GTVT Hà Nội, mặc dù có ý kiến nêu rõ bất cập của Sở Sở Quy hoạch và Kiến trúc.
Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đào Huy Toàn cho rằng, hiện nay trên địa bàn giáp ranh trục giao thông Vành đai 3, nhu cầu về trung chuyển hàng hóa của doanh nghiệp và người dân là rất lớn. Các lực lượng chức năng của UBND huyện thường xuyên phải kiểm tra, xử lý việc xe tải đỗ để nhận hàng hóa chuyển đi các tỉnh tại các bãi đất trống không phép.
Sở GTVT Hà Nội cũng nhận định rõ: "Vị trí ô đất đề xuất thuộc ô quy hoạch có ký hiệu E5/P7 có chức năng sử dụng đất được xác định là bãi đỗ xe (đất hạ tầng kỹ thuật), chưa có bố trí diện tích phục vụ dịch vụ "thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải".
Như đã nêu ở trên, việc tổ chức bãi trung chuyển hàng hóa sẽ tạo ra áp lực giao thông lớn cho các tuyến đường nối. Mặt khác, do vấn đề thiếu bãi đỗ xe tại quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, có thể lấy tình trạng xe đỗ hàng 3, hàng 4 tại khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ làm ví dụ điển hình. Do đó, người dân đã rất kỳ vọng dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức. Thế nhưng, những động thái mới đây của cả chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước khiến không ít người tỏ ra thất vọng.