VASEP nhận định, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm của Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ sau mở cửa từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn chưa hồi phục.
Top 5 sản phẩm thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc gồm cá tra, cá cơm, tôm chân trắng, tôm sú và chả cá-surimi. Trong đó, cá tra chiếm tỷ trọng chi phối 55% xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Do vậy sự sụt giảm xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã tác động đến xu hướng chung.
Xuất khẩu tôm chân trắng, chả cá – surimi và nhiều sản phẩm khác vẫn giảm sâu. Tuy nhiên, cá cơm khô xuất khẩu sang Trung Quốc đang có sức hút lớn tại thị trường này với mức tăng 50% trong quý I. Nhiều sản phẩm chế biến khô khác như cá chỉ vàng, tép (ruốc) khô có giá trị xuất khẩu tăng mạnh.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cá khô của Việt Nam trong 3 tháng năm 2023 đạt 19.535 tấn, trị giá 66,606 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chiếm sản lượng là cá cơm, cá chỉ vàng,... xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn kỳ vọng rằng, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ sớm hồi phục vì dự đoán tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ bùng nổ vào năm 2023, với 1,4 tỷ dân số được giải phóng khỏi các đợt phong tỏa do COVID và quay trở lại chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I năm nay tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 274.479 tấn. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu trong tháng 3 đạt ngưỡng kỷ lục 105.687 tấn, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tôm nhập khẩu trung bình của Trung Quốc trong tháng 3 ở mức 5,5 USD/kg, tăng nhẹ so với 5,3 USD/kg hồi tháng 2 - mức thấp nhất trong vòng 2 năm.
Cho đến nay, Ecuador vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc trong quý I với lượng tăng 43%, lên 179.094 tấn. Giá trung bình nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Trung Quốc có giá 5,31 USD/kg, tăng từ mức thấp 5,15 USD/kg của tháng 2/2023.
Ấn Độ đứng vị trí thứ hai 25.796 tấn, tăng 16%. Nhà cung cấp thứ ba là Argentina với mức tăng trưởng 205% khối lượng tôm đỏ, đạt 6.952 tấn. Trong khi đó, Ả Rập Saudi và Thái Lan cung cấp 4.744 tấn và 4.280 tấn trong giai đoạn này, tăng lần lượt 231% và 1%.
Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu nhiều tôm nhất sang Trung Quốc trong tháng 3 với lượng 893 tấn, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, nếu so sánh với tháng 2, con số này tăng trưởng gấp đôi.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong quý đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 54 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc, tôm chân trắng chiếm 41,8%, tôm sú chiếm 36,3%, còn lại là tôm khác.
Quý đầu năm 2023, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc đạt 22 triệu USD, giảm 49% trong khi giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 20 triệu USD, tăng 46%. Xuất khẩu tôm sú chế biến và tôm sú sống/tươi/đông lạnh sang Trung Quốc tăng lần lượt 63% và 46%.
Quý I/2023, giá trung bình tôm chân trắng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc dao động từ 4,9-6,8 USD/kg. Trong khi giá trung bình tôm sú XK sang thị trường này dao động từ 8,2-11,1 USD/kg.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, Trung Quốc là thị trường được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU trong bối cảnh doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải đối mặt với nhiều thách thức hiện tại.
Trung Quốc dự kiến nhập khẩu 1 triệu tấn tôm, trị giá 7 tỷ USD trong năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay. Vì vậy, 1 triệu tấn nhập khẩu trong năm nay có thể là 1 con số khả thi. Dù Trung Quốc luôn có chính sách tự cung tự cấp lương thực, chính sách này vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với thủy sản.