Băn khoăn này được các doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh thành chỉ ra tại Hội nghị Ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP.HCM, ngày 11/5.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện nay, tình hình của các doanh nghiệp chỉ mới “dễ thở” hơn, dù vậy, sức chịu đựng của doanh nghiệp đang yếu đi. Nhiều doanh nghiệp không thể phục hồi, số khác không đủ tự tin về việc sẽ phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới.
Theo bà Chi, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp với các doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thời gian qua không phải dễ.
“Doanh nghiệp rất khó khăn nhưng chúng tôi lại nghe các ngân hàng báo lãi lớn. Ngân hàng lãi lớn mà doanh nghiệp chúng tôi thì khó khăn quá. Tôi mong ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp thì kinh tế mới sớm phục hồi được”, bà Chi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết qua tổng kết phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho biết “ngại” tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi đã ban hành, trong đó bao gồm cả ngại vấn đề liên quan cơ quan chức năng.
Ông Mãi cho rằng các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất thời gian qua hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp. Dù vậy, theo ông, tuy lãi suất có giảm nhưng vẫn còn cao.
Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn lãi suất hiện nay giảm xuống còn 7-8%, để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông nhận xét điều này có thể là thách thức lớn nhưng các bên cần ngồi lại bàn bạc với nhau, cần có giải pháp tốt nhất.
Bà Lý Kim Chi kiến nghị các chính sách ưu đãi về giảm lãi suất mới đây cần được triển khai nhanh chóng và triệt để, để doanh nghiệp tiếp cận, tránh tình trạng có ban hành nhưng không được áp dụng triệt để, hoặc phải mất một thời gian rất lâu mới được áp dụng.
Bà Chi kiến cũng nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất cắt giảm lãi suất 0,5%. “Hiện lãi vay quanh 10%, lãi suất vay không giảm thì doanh nghiệp không có cơ hội phục hồi. Các chính sách điều hành cần phù hợp giai đoạn, cần tiếp tục có những mức như thế”, bà Chi nói thêm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết mặt bằng lãi suất thị trường đầu năm 2023 đã dần ổn định, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Cũng theo ông Tú, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường.
Cụ thể, BIDV triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm, Agribank triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1-1,5% thông thường, với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, Vietcombank dành 100.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân…
Giải thích thêm về mức chênh lệch lãi suất cho vay giữa các ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết mỗi ngân hàng với nguồn lực tài chính khác nhau, mức huy động khác nhau.
Dù vậy, theo ông Tú, rất tiếc đến nay không nhiều doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Đồng thời, vẫn còn nhiều doanh phàn nàn lãi suất cao.
Phó Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước lộ trình từng bước để điều chỉnh các bất cập này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm việc điều hành chính sách tiền tệ cần được chia sẻ vì các giải pháp, chính sách của ngành ngân hàng khác với các bộ ngành khác do có tính đặc thù.
“Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không phải chỉ giải quyết một vấn đề, mà phải điều hành để đạt nhiều mục tiêu đồng thời, vừa giảm lãi suất, tín dụng, tỷ giá, an toàn hoạt động ngân hàng. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát, cân nhắc phối hợp các chính sách, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ”, bà Hồng nói.
Dù vậy, bà cũng nhấn mạnh thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kêu gọi các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn chia sẻ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh hiện nay.