HoREA lại đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng có lãi suất 4,8-5%/năm

Quốc Hải Thứ năm, ngày 06/04/2023 13:15 PM (GMT+7)
HoREA cho rằng, gói lãi suất tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất 8,2% vẫn rất cao so với người mua nhà nên đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 4,8-5%/năm.
Bình luận 0
HoREA lại đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng có lãi suất 4,8-5%/năm - Ảnh 1.

HoREA lại đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng có lãi suất 4,8-5%/năm. Ảnh: IT

Mức lãi suất 8,2% của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn rất cao

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Hiệp hội hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 "V/v triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP".

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5- 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi" của gói tín dụng này (từ nay đến 30/6/2023 là 8,2%/năm) vẫn rất cao nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại Quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

HoREA lại đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng có lãi suất 4,8-5%/năm - Ảnh 2.

HoREA cho rằng, gói lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất 8,2% vẫn rất cao so với người mua nhà. Ảnh: Quang Duy

"Với quy định lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng 5 năm với người mua nhà và 3 năm với chủ đầu tư, sau đó sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thời gian như vậy là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm", ông Châu nhận định.

Hơn nữa, Chủ tịch HoREA lo ngại rằng, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường.

"Đây sẽ càng là "gánh nặng" cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động, nên HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn", ông Châu đề xuất.

Kiến nghị nghiên cứu thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng có lãi suất 4,8-5%/năm

Trước những rủi ro có thể xảy ra với người mua nhà ở xã hội, HoREA đề nghị về lâu dài, cần có các chính sách thật căn cơ, hiệu quả, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn và huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội.

HoREA lại đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng có lãi suất 4,8-5%/năm - Ảnh 3.

HoREA nhận định, gói lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất 8,2% sẽ rủi ro với người mua nhà sau khi hết thời gian ưu đãi. Ảnh: Quang Duy

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội theo hướng xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương.

Trước đó, đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng (bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030) theo cơ chế "tái cấp vốn, cấp bù lãi suất" của Bộ Xây dựng không được ủng hộ của NHNN.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng, nguồn tái cấp vốn hiện tại tương đối khó khăn. Số tiền 110.000 tỷ đồng rất lớn, nếu cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thông qua quy định về nguồn vốn mới và tối ưu hóa các nguồn vốn hiện hành nhằm hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; theo hướng: Bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội".

"Đặc biệt, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng (bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030) theo cơ chế "tái cấp vốn, cấp bù lãi suất" theo kế hoạch chi ngân sách nhà nước trung hạn tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định", ông Châu kiến nghị.

Ngoài ra, HoREA cho hay, trong năm 2023, Ngân hàng chính sách xã hội đang còn nguồn vốn tín dụng ưu đãi hơn 11.000 tỷ đồng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi 5%/năm (áp dụng cho năm 2023) trong thời hạn tối đa 25 năm, nhưng chưa giải ngân được do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường.

"Để tránh "lãng phí" và sử dụng thật hiệu quả nguồn vốn này, Hiệp hội đề nghị các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để sớm triển khai thực hiện, để sớm cung ứng được nhiều sản phẩm nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của người dân", Chủ tịch HoREA đề xuất thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem