Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, vay được vốn sản xuất thì bị lãi vay... "ăn hết"
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, vay được vốn sản xuất thì bị lãi vay... "ăn hết"
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 28/02/2023 15:44 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp khẩn thiết yêu cầu NHNN chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất thấp để vượt qua khó khăn.
Tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023, diễn ra tại TP.HCM sáng nay (28/2), các doanh nghiệp đều lên tiếng than phiền về việc khó tiếp cận vốn vay, dù chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc giải ngân nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được đốc thúc thường xuyên, liên tục.
Khó tiếp cận vốn, có vốn thì bị lãi suất cao
Ông Mai Quốc Ấn, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Châu Âu, cho biết, doanh nghiệp của ông là đơn vị có sáng chế được bảo hộ 20 năm, lẽ ra được ưu tiên vay vốn nhưng suốt 6 năm qua không thể vay vốn ngân hàng.
"Doanh nghiệp của chúng tôi đáp ứng cả 3 chiến lược ưu tiên của Chính phủ là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ nhưng phía ngân hàng rất khó khăn và không chấp nhận hình thức vay tín chấp bằng dây chuyền công nghệ theo như hướng dẫn của Nhà nước mà yêu cầu phải chứng minh được đầu ra sản phẩm hoặc thế chấp bằng tài sản khác mới cho vay", ông Ấn nói.
Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha cho biết, doanh nghiệp của bà thuê đất ở khu công nghiệp để xây dựng nhà xưởng sản xuất kinh doanh. Hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm nhưng phía công ty bà đã trả một gói thuê dài hạn cho ban quản lý khu công nghiệp.
Tuy nhiên, khi cần vốn thì với giấy xác nhận thuê đất này, dù đã đóng tiền hàng chục năm, công ty bà vẫn không được ngân hàng đồng ý cho vay vốn.
"Các ngân hàng khi chúng tôi tiếp cận đều từ chối cho vay vì lý do đất đang thuê ở khu công nghiệp nên không được vay", bà Ái nói.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, lại trình bày một số trường hợp vay vốn oái ăm hơn mà các thành viên gặp phải.
Cụ thể, theo ông Tống, có trường hợp một danh nghiệp là thành viên của Hội, khi ngân hàng gửi thông tin đàm phán lãi suất cho vay với biên độ 2,5% so với lãi suất huy động, nhưng trong hợp đồng để ký không nêu lãi suất cụ thể.
Tại hội nghị sáng nay, 16 ngân hàng thương mại đã ký kết với 64 doanh nghiệp, tổng gói tín dụng vào khoảng 11.000 tỷ đồng.
Lũy kế sau 10 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đã có 157.000 khách hàng tham gia với số dư nợ gần 3 triệu tỷ đồng.
"Ngân hàng nói đã có trong bảng chào giá nên hợp đồng không nhắc lại. Tuy nhiên, thực tế đến nay, biên độ đã lên đến 4-5% mà doanh nghiệp chỉ biết "ngậm bồ hòn" vì hợp đồng không nêu chi tiết", ông Tống chia sẻ.
Một trường hợp khác, có doanh nghiệp đã được cấp hạn mức cho vay nhưng đến thời điểm giải ngân, ngân hàng nói không có tiền. Trong khi máy móc đã nhập về đến cảng, L/C đã mở nhưng đợi đến khi được giải ngân, doanh nghiệp phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng cho chi phí lưu cảng.
Thậm chí, với doanh nghiệp của chính mình, ông Đỗ Phước Tống cũng cho hay, khi muốn rút tài sản bảo đảm ở ngân hàng này để đưa sang vay ngân hàng khác lãi suất tốt hơn, mà vẫn bị ngân hàng gây khó dễ dù không còn dư nợ vay.
"Nói chung, các doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM đang rất bức xúc khi lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2022 tăng trưởng trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn", ông Tống đúc kết.
Lãi suất sẽ giảm rất nhanh trong vài tuần nữa?
Trước những phản ánh về việc khó khăn tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM thừa nhận, lãi suất tăng cao thời gian qua là tình trạng chung sau nhiều lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành trong năm 2022. Tuy nhiên, hiện NHNN đang triển khai đồng loạt 5 nhóm giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp.
"Hiện lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động", ông Tuấn nói và nhận định thêm, trong thời gian tới, lãi suất sẽ xuống dần theo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
Riêng với vấn đề gây khó dễ của các ngân hàng với doanh nghiệp, ông Tuấn khẳng định, hành vi tự động tăng lãi suất một cách không minh bạch, gây khó dễ khi doanh nghiệp, hay từ chối cho vay mà không có lý do chính đáng... Cơ quan quản lý luôn phản đối và sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để làm rõ hành vi cụ thể của các ngân hàng, có biện pháp xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cũng nhấn mạnh, lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn là rủi ro lớn với ngân hàng. Bởi chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao dẫn đến khả năng nợ xấu, mà đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành ngân hàng.
"Tôi khẳng định, trong vòng vài tuần tới lãi suất sẽ giảm", lãnh đạo OCB nói.
Kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng hai bên ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa có cách chia sẻ thẳng thắn cũng như phương án giải quyết rõ ràng cho các vấn đề vướng mắc.
"Tôi đề nghị NHNN chi nhánh TP.HCM tổ chức thêm nhiều cuộc đối thoại hơn, không phải để chỉ trích mà cần có nhiều ý kiến gay gắt để hiểu nhau hơn, từ đó có thể hợp tác trên tinh thần cầu thị, đôi bên cùng có lợi", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị NHNN chi nhánh TP.HCM nên có các kênh kết nối khác để các doanh nghiệp thường xuyên phản ánh các vướng mắc, kiến nghị đến cơ quan quản lý tiền tệ và lãnh đạo TP. Đặc biệt, NHNN và các ngân hàng thương mại quan tâm đến việc cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tùy chính sách và điều kiện của từng ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.