Ngày 12/5, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp Hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiệp hội vừa nhận văn bản từ Ngân hàng Nhà nước, trả lời về “Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi” mà hiệp hội đã gửi lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào cuối tháng 3.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chia sẻ cụ thể những kiến nghị của Hiệp hội. Thứ nhất, về việc xin gia hạn nợ gốc, thời gian qua các tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm cả gia hạn nợ), trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.
Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, NHNN đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, góp phần tháo gỡ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh chưa có khả năng trả nợ đúng hạn.
Thứ 2, về kiến nghị giảm lãi suất cho vay, theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 3 và tháng 4/2023, cơ quan này đã 2 lần thực hiện điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên (trong đó có ngành chăn nuôi), từ 5,5% xuống 4,5%/năm.
Bên cạnh đó còn giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-1%, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5% nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi.
Thứ 3, về kiến nghị gia hạn gói tín dụng ưu đãi cho ngành chăn nuôi, vì ngành này thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn - là một trong những lĩnh vực luôn được ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi.
Trong đó có cơ chế cho vay liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và ngành chăn nuôi. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, tập trung nguồn vốn để cho vay đối với lĩnh vực này.
Thông qua những hoạt động trên, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các đơn vị thành viên, chủ động liên hệ với các tổ chức tín dụng, để được xem xét cho vay theo quy định.
Thứ 4, về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có chính sách hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải đáp các vấn đề phát sinh, và chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh triển khai chính sách.
Tính đến cuối tháng 2/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 84.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 44.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng. Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đến nay doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 1.500 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 700 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 4,5 tỷ đồng cho hơn 60 khách hàng.
“Đối với phản ánh về việc khảo sát sơ bộ thực tế chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói hỗ trợ lãi, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Hiệp hội vay, Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cung cấp thông tin cụ thể về trường hợp khách hàng vay thuộc đối tượng, đủ điều kiện nhưng không được ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất, để ngân hàng có cơ sở xem xét xử lý theo quy định”, văn bản của Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ngày 28/3, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã gửi tâm thư tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Trong thư, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã đề cập đến 4 nguyện vọng xin được Ngân hàng Nhà nước cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.
4 nguyện vọng gồm: Được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ giai đoạn Covid-19, hiện pháp lý đã có sẵn, chỉ cần gia hạn thời gian áp dụng, các ngân hàng có thể triển khai ngay để hỗ trợ người chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, để triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, vì trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn sẽ có thể phá sản.
Bên cạnh đó, quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, nên có sự tiếp xúc với Hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, HTX, đại lý thức ăn... để tăng quy mô làm ăn.
Ngoài ra, với gói vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, theo ông Công, qua khảo sát sơ bộ chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào ở Đồng Nai được hưởng gói lãi vay này. Hiệp hội mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ.