Khởi nghiệp chưa bao giờ là việc đơn giản, đặc biệt với những người chọn ngành công nghệ hay thương mại điện tử càng khó khăn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm thực hiện và rời bỏ vùng an toàn, thành công bước đầu đã đến với CEO & Founder ứng dụng Sổ Bán Hàng.
Nói về quá trình khởi nghiệp, CEO & Founder ứng dụng Sổ Bán Hàng - Bùi Hải Nam cho biết đã nung nấu ý định khởi nghiệp từ rất lâu. Hành trình này bắt đầu manh nha từ năm 2015 cho đến tận bây giờ và luôn luôn xây dựng và phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử. “Tôi mong muốn giúp cho những tiểu thương có thể bán hàng hiệu quả trên những kênh bán hàng hiện đại Lazada, Shopee”.
Xuất phát điểm của ông Bùi Hải Nam là nhân viên ngân hàng với quãng thời gian kéo dài 7 năm. Với công việc đó, mọi thứ đều dập khuôn và không phù hợp với cá tính của mình là tìm kiếm công việc năng động, sáng tạo hơn nên CEO & Founder ứng dụng Sổ bán hàng đã quyết định rời bỏ môi trường ổn định đó.
Rời ngân hàng là quyết định mà ít người làm được, nhưng ông Nam dám thay đổi và bắt đầu quá trình nghiên cứu, học hỏi của mình bằng việc tham gia sàn thương mại điện tử Lazada vào năm 2015.
Lazada là một trong những công ty khởi nghiệp lớn và ông Nam là một trong những thành viên đầu tiên xây dựng và phát triển sàn thương mại điện tử này. Và đến bây giờ, ông Nam vẫn theo đuổi những công việc đổi mới sáng tạo, xây dựng mô hình khởi nghiệp để hỗ trợ cho những người bán hàng để tăng doanh số và hiệu quả hơn trong việc bán hàng.
Quyết định khởi nghiệp với một ứng dụng riêng của ông Nam cũng đến một cách rất bất ngờ khi bắt đầu ngay trong đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
“Tôi còn nhớ thời điểm đó, khi tất cả các tiểu thương truyền thống phải ở nhà và không thể tiếp tục được hoạt động kinh doanh vì cách ly xã hội. Khi đó, tôi cùng đội ngũ nhân sự tập trung nguồn lực để thiết kế ứng dụng sổ bán hàng trong vòng 3 tuần. Mục tiêu khi đó của tôi là giúp cho tất cả các tiểu thương truyền thống có thể bán hàng online được trong đợt dịch chỉ bằng điện thoại di động”, CEO & Founder ứng dụng Sổ Bán Hàng chia sẻ lý do khởi nghiệp.
Nói thêm về quyết định tạo ra Sổ Bán Hàng, ông Nam cho biết: “Khi đó, ngày 30/5/2021, team của tôi đang ở Tp. Hồ Chí Minh và qua thông tin báo chí đã biết được sẽ giãn cách xã hội. Đọc báo tôi thấy rõ những người kinh doanh đang gặp khó khăn gì vì giãn cách xã hội vì Covid-19. Ngay ngày hôm sau (31/5), tôi đã họp toàn bộ đội ngũ để khởi động dự án Sổ bán hàng và đưa ra chương trình tập trung làm ra sản phẩm”.
Mục đích ra đời của Sổ Bán Hàng vô cùng thiết thực và tức thời khi giúp các tiểu thương duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19.
CEO & Founder ứng dụng Sổ Bán Hàng - Bùi Hải Nam chia sẻ hành trình khởi nghiệp. Video Khải Phạm.
Đến nay Sổ Bán Hàng đã được hơn 400.000 chủ kinh doanh sử dụng, có mặt trên 60 tỉnh thành và nhận được đánh giá 4,8 sao trên kho ứng dụng di động dù mới ra mắt chưa đầy 2 năm tại Việt Nam.
Đặc biệt, Startup 'Sổ Bán Hàng' đoạt quán quân tài năng khởi nghiệp Quốc gia 2022, đây là Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest). Điều đó minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết, hiệu quả của Sổ Bán Hàng khi ứng dụng thực tế.
Mục tiêu trong tương lai của Sổ Bán Hàng là tập trung chuyển đổi số cho các tiểu thương nhỏ và mong muốn đem sản phẩm hướng tới 1 triệu tiểu thương, chủ cửa hàng kinh doanh nhỏ có thể sử dụng để quản lý trên ngay chính chiếc điện thoại thông minh của mình.
Quyết định khởi nghiệp với ứng dụng Sổ Bán Hàng được diễn ra chỉ trong vỏn vẹn chưa đến 1 ngày giữa lúc giãn cách xã hội nên khó khăn là không thể kể hết với người đứng đầu Startup này.
“Giữa lúc đại dịch Covd-19 phải giãn cách xã hội, khó khăn nhất là mọi người trong team không thể cùng ngồi làm việc với nhau. Do đó, mỗi người đều phải học và làm quen với cách làm việc qua mạng”, ông Nam nhớ lại.
Bài toán tiếp tục cần có lời giải đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng giữa lúc đại dịch là làm sao để sản phẩm được đưa ra thị trường và tiếp cận với những người thực sự cần Sổ bán hàng khi ấy là các tiểu thương phải ngừng hoạt động kinh doanh vì giãn cách xã hội.
“Sản phẩm hoàn toàn, nhưng khó khăn nhất đối với chúng tôi là không thể đến gõ cửa từng nhà để giới thiệu sản phẩm của mình”, CEO & Founder ứng dụng Sổ Bán Hàng nói về khó khăn.
Cách tiếp thị tốt nhất của ứng dụng này là thông qua báo chí, truyền thông, mạng xã hội… tất cả đều online để phổ biến đến các tiểu thương và người dùng.
Vượt qua khó khăn, thách thức ban đầu, đến nay khi nền kinh tế suy thoái khó khăn lại tiếp tục bủa vây với doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Khi nền kinh tế suy thoái, chủ cửa hàng nhỏ đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh và họ chưa đặt mục tiêu về chuyển đổi số, sử dụng những công cụ ấy trong công việc kinh doanh của họ vì chính họ cũng đang gặp khó khăn”, ông Nam nói về khó khăn hiện nay.
Đối với một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực phần mềm, tất cả công việc từ Marketing, bán hàng đều không phải thế mạnh. Do đó, việc ứng dụng đến tay khách hàng vẫn còn chậm hơn so với sự cần thiết của một ứng dụng bán hàng được người dùng đánh giá cao như Sổ Bán Hàng.
Bên cạnh đó, với thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, thuận lợi cũng đến với những doanh nghiệp khởi nghiệp khi khách hàng dễ tiếp cận hơn với sản phẩm khi chỉ cần sở hữu điện thoại thông minh.
“Chính phủ đang đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số, công nghệ giúp người dân đã dễ dàng tiếp cận hơn trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, hiện nay ai cũng có một chiếc điện thoại di động thông minh giúp cho người dân tiếp cận công nghệ dễ hơn chứ không cần máy tính như trước”, người đứng đầu ứng dụng Sổ Bán Hàng cho biết.
Mỗi ứng dụng đều có những thế mạnh riêng khi cạnh tranh trên thị trường so với các đối thủ và Sổ Bán Hàng cũng không phải ngoại lệ.
Đối với tất cả các tiêu thương kinh doanh, khi sử dụng ứng dụng Sổ Bán Hàng sẽ không phải đầu tư bất cứ chi phí, chỉ cần điện thoại cài đặt và sử dụng hoàn toàn miễn phí.
Tiếp theo, là ứng dụng thuần Việt nên Sổ Bán Hàng hướng tới việc người dân dễ dàng sử dụng nhất chỉ trong vòng 5 phút có thể làm quen và thành thạo các thao tác. Sổ bán hàng cũng được xây dựng dựa trên công nghệ thông minh như AI, ChatGPT được đưa vào để bình dân hóa để ai cũng có thể sử dụng được.
Startup hiện nay đã có được những thành tựu nhất định, nhưng Sổ bán hàng vẫn muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn của Chính phủ.
“Những doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp làm về đổi mới sáng tạo như Sổ bán hàng sẽ gặp khó trong việc truyền thông, giúp công nghệ đó tiếp cận khách hàng là khó khăn lớn. Doanh nghiệp nhỏ khi khởi nghiệp thường sẽ không có nguồn lực để làm những việc truyền thông, tiếp cận khách hàng đó.
Tôi mong Chính phủ Việt Nam có những kết nối với những Tập đoàn lớn hay những công ty nước ngoài để giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng có thể tiếp cận được các hệ sinh thái lớn để tăng tốc nhanh hơn là việc tự mình phải làm mọi việc”, CEO Bùi Hải Nam mong muốn nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ.