Với công nghệ AI, không còn chuyện kinh doanh “cá lớn, nuốt cá bé”
Với công nghệ AI, không còn chuyện kinh doanh “cá lớn, nuốt cá bé”
Khải Phạm
Thứ sáu, ngày 12/05/2023 08:15 AM (GMT+7)
Bà Mentor Jenny Nguyễn - Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ chia sẻ thực trạng đáng báo động của ngành công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới. Câu chuyện cạnh tranh của doanh nghiệp không còn là “Cá lớn, nuốt cá bé” mà là ai huấn luyện được AI.
Chưa bao giờ ngành CNTT đáng báo động như hiện nay... vì sự phát triển của công nghệ AI
Trong khuôn khổ Hội thảo "Kết nối thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Đồng bằng sông Hồng" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức vào ngày 11/5/2023, nhiều ý kiến tham luận về thực trạng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số hiện nay ở Việt Nam.
Bà Mentor Jenny Nguyễn - Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ, đồng trưởng làng phát triển cộng đồng, BQT Group OpenAI-ChatGpt Việt Nam 140.000 thành viên đã có bài tham luận chứa đựng nhiều thông tin về chuyển đổi số và thực trạng ngành CNTT hiện nay.
Theo đó, bà Mentor Jenny Nguyễn nhấn mạnh đến xu hướng làn sóng sa thải nhân viên từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ cũng cho rằng nhiều người sẽ cảm thấy giật mình khi nghe những con số mà bà sắp cung cấp.
Cụ thể, trong 6 tháng qua đã ghi nhận 130.000 nhân viên CNTT trên toàn thế giới bị sa thải, 760 công ty sa thải đến 538.000 nhân viên.
“Những con số trên nói lên thực trạng báo động về số lượng nhân viên CNTT bị sa thải, mất việc làm là vô cùng lớn”, bà nói.
Không chỉ vậy, từ tháng 10/2022, tổng số việc làm bị cắt bỏ lớn nhất thuộc về ngành công nghệ với 172.500, tiếp theo là ngành tiêu dùng tùy ý 110.000, tài chính 80.900 và công nghiệp 51.900 việc làm bị cắt bỏ.
Về với thực trạng ở Việt Nam, Thế giới di động mới đây đã cắt giảm 13.000 nhân sự, ngay cả những ngành nghề như dệt may cũng giảm mạnh nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung cầu vì đại dịch hay nền kinh tế suy thoái.
Những số liệu mà bà Mentor Jenny Nguyễn đưa ra chứng tỏ: “Khi công nghệ phát triển nhanh như vũ bão hiện nay, nó đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến tất cả các ngành nghề trên toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam”.
Tính riêng từ đầu năm 2023, có đến 200 công ty công nghệ sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Ngay cả những “ông lớn” như Amazon, Microsoft,... cũng không ngoài cuộc làn sóng sa thải nhân viên của thị trường công nghệ hiện nay.
“Khi người dùng vẫn mờ ảo nghĩ rằng có một cơn sóng nào đó ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng những tập đoàn công nghệ là người đi đầu về xu hướng phát triển kinh tế thế giới. Điều đó đồng nghĩa họ đã chuẩn bị cho bước chuyển dịch lớn về mặt con người bằng công nghệ. Đó là “Cú bùng nổ của AI” trong ngành CNTT”, BQT Group OpenAI-ChatGpt Việt Nam khẳng định.
Khi AI ra đời có thể thay thế số lượng nhân sự trong ngành lập trình rất lớn. Để minh chứng cho sự thay thế đó, bà Mentor Jenny Nguyễn lấy ví dụ thực tế ngay bản thân công ty phần mềm của mình: “Trước đây, để làm một website quản trị và bán hàng cho doanh nghiệp sẽ mất khoảng 5-7 ngày với những kỹ sư. Tuy nhiên, khi ứng dụng AI vào sản xuất phần mềm, chỉ mất 2 phút để Cro (Conversion Rate Optimization) xong một website. Thời gian đã rút ngắn một cách kinh khủng như vậy nên rõ ràng chúng tôi không cần nhiều nhân sự nữa”.
Không chỉ vậy, những ngành nghề “ăn theo” như tư vấn, chăm sóc khách hàng cũng bị ảnh hưởng khi có tính lặp lại cao và đương nhiên có thể sử dụng AI, thậm chí AI tư vấn còn hay hơn con người.
Đó là những lý do bà Mentor Jenny Nguyễn đưa ra nhằm chứng minh việc quan trọng của ứng dụng công nghệ trong kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay,
Doanh nghiệp thích ứng với nền kinh tế trong Kỷ nguyên công nghệ AI
Những số liệu về lượng nhân viên bị sa thải trên đã chứng minh thực tế đáng báo động của ngành công nghệ thông tin nói riêng và các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung hiện nay.
“Ngày xưa, thị trường cạnh tranh là câu chuyện “Cá lớn nuốt cá bé”, nhưng khi internet phát triển đã trở thành câu chuyện “Cá nhanh thắng cá chậm”. Tuy nhiên, đến hiện tại là câu chuyện, ai huấn luyện được AI thì người đó có khả năng chiến thắng cao hơn. Điều đó tạo nên một làn sóng cạnh tranh với so với thị trường, đó là thế giới phẳng”, bà Mentor Jenny Nguyễn nêu quan điểm.
Với công nghệ AI, bất cứ ở đâu, những người huấn luyện được AI cũng có thể làm công việc của nhân viên giới thiệu sản phẩm ở những quốc gia khác, địa điểm khác mà không cần phải hiện diện. Bản thân khách hàng cũng có thể “sờ, nắm”, cảm giác như đang được trải nghiệm sản phẩm thực tế.
Đó là câu chuyện của doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài không đơn thuần là việc trực tiếp mang sản phẩm đi giới thiệu đến khách hàng. Trước đây là thế gây tốn kém tiền bạc hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng và cả nhân sự theo kèm.
Đã đến lúc doanh nghiệp cần nhìn lại việc ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất, kinh doanh.
“Thế giới thay đổi quá nhanh mà chúng ta tiếp tục giậm chân tại chỗ bằng việc kinh doanh truyền thống khi đi phát triển thị trường, phát tờ rơi… khiến doanh nghiệp của bạn tự mất thị phần vào tay những người ứng dụng công nghệ tốt hơn”, vị Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ chia sẻ.
Khi chuyển đổi số diễn ra quá nhanh và mạnh như hiện nay buộc doanh nghiệp cũng phải nhanh khi muốn cạnh tranh thị phần trên thị trường. Bây giờ là thị trường số, chuyển đổi số, chậm không còn chắc, mà chậm là mất phần.
Đã đến lúc mọi doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực cần ứng dụng công nghệ AI, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhằm giúp ngắn thời gian, khoảng cách, tiết giảm chi phí, nhân sự để sản phẩm đến tay người dùng nhanh nhất, từ đó thị phần mới mong tăng nhanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.