Bước đầu, nông dân các tỉnh phía Nam của Lào như: Khăm Muộn, Savanakhet, Champasak sẽ tiếp cận những phương pháp canh tác nông nghiệp mới vào đồng ruộng.
Được biết, cuối năm 2022, một đoàn chuyên gia nông nghiệp của Hội đồng KHKT thuộc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Công ty Bình Điền) do TS Nguyễn Đăng Nghĩa dẫn đầu đã sang các tỉnh của Lào như Khăm Muộn, Savanakhet, Champasak để nghiên cứu thực tế, nắm bắt tập quán canh tác của người dân, đồng thời tiến hành lấy mẫu đất phân tích để làm cơ sở khoa học đề xuất các công thức phân bón và kỹ thuật bón phân.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kỹ thuật xác nhận, vừa qua phía Tập đoàn Phongsavanh (Lào) có mời đoàn công tác của Công ty Bình Điền sang thăm và làm việc. Theo đó, hai bên đã thống nhất trong thời gian tới Công ty Bình Điền sẽ cùng Hội đồng Khoa học Kỹ thuật của công ty hỗ trợ Tập đoàn Phongsavanh nghiên cứu đánh giá đất đai, thổ nhưỡng trên các dự án của tập đoàn. Đồng thời, phía Công ty Bình Điền đề xuất các giải pháp kỹ thuật và tiến hành xây dựng các mô hình trình diễn trên thực tế đồng ruộng tại đất nước Lào.
"Hội đồng Khoa học Kỹ thuật đã cử TS Nghĩa đi cùng đoàn để khảo sát mẫu đất ở Lào. Tại sao phải làm như vậy là bởi một trong những nguyên tắc của Công ty Bình Điền khi đưa ra giải pháp nào cũng có kết luận của Hội đồng Khoa học Kỹ thuật", TS Bộ cho biết.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nhìn chung phát triển nông nghiệp của Lào chưa phong phú bằng Việt Nam. Trong công tác nghiên cứu cơ bản cho thấy, cả đất và phân bón ở Lào còn khá nghèo nàn.
"Đất của Lào và Việt Nam khá giống nhau. Chỉ có Lào bị ảnh hưởng của khí hậu lục địa, còn nước ta bị ảnh hưởng của khí hậu bán nhiệt đới", TS Nghĩa nhận xét.
Đại diện Công ty Bình Điền cho biết, trên cơ sở các đề xuất giải pháp kỹ thuật, công ty sẽ triển khai các mô hình trình diễn tại các vùng dự án của Tập đoàn Phongsavanh.
Theo đó, sẽ triển khai các mô hình trình diễn cho các cây trồng chủ lực của Lào, như: Cây lúa (3ha) tại tỉnh Savanakhet, cà phê (2ha) tại tỉnh Champasak và một số cây trồng khác, như sắn (khoai mì), cây ăn quả...
Theo TS Bộ, diện tích đất nông nghiệp của Lào không lớn, nhưng lại có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Chất lượng, trọng lượng của những sản phẩm này có thể nâng cao hơn nữa thông qua giải pháp canh tác và điều chỉnh liều lượng phân bón.
Công ty Bình Điền cũng cho biết, từ kết quả phân tích mẫu đất, nghiên cứu điều kiện thời tiết khí hậu, tập quán canh tác và mức đầu tư phân bón của nông dân Lào, công ty đã đề xuất với Tập đoàn Phongsavanh một số sản phẩm Đầu Trâu và quy trình bón phân cho cây trồng chính của vùng dự án của tập đoàn.
Được biết, đây cũng là mong muốn của Tập đoàn Phongsavanh trở thành nhà phân phối độc quyền phân bón Đầu Trâu tại đất nước Lào.
Theo ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, định hướng của doanh nghiệp là tiếp cận thị trường một cách bài bản, căn cơ và vững chắc, đặt lợi ích của người nông dân lên làm đầu, đó là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp đến với nông dân nước bạn Lào, đặc biệt là nông dân nghèo.
"Tôi tin tưởng quá trình hợp tác này đều có lợi cho 2 bên. Về phía Lào vừa học hỏi các kinh nghiệm canh tác của Công ty Bình Điền. Còn phía Công ty Bình Điền vừa phát triển thị trường phân bón vừa giúp nâng cao quan hệ 2 nước", TS Nghĩa cho biết.
Hơn 15 năm qua, phân bón Đầu Trâu đã có mặt tại thị trường Lào. Tuy nhiên, đường đi của phân bón này chủ yếu qua đường tiểu ngạch hoặc được các công ty nước ngoài có đầu tư nông nghiệp tại Lào sử dụng trong các trang trại nên sức lan tỏa chưa rộng lớn.
Vì vậy, với việc ký kết hợp tác giữa Bình Điền và Tập đoàn Phongsavanh đã mở ra một cơ hội mới để phân bón Đầu Trâu ngày được phân phối rộng rãi tại Lào và qua đó góp phần vào việc tăng năng suất, chất lượng nông sản của nước bạn Lào.