Dân Việt

Khó khăn của nông dân khởi nghiệp với sản phẩm địa phương: Bài toán công nghệ

Khải Phạm 20/06/2023 09:33 GMT+7
Sử dụng chính nông sản của địa phương để sản xuất bún Ngô, nhưng việc chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ, chuyển đổi số khiến doanh nghiệp Startup Thuận Anh vẫn chưa có nhiều đột phá trong kinh doanh dù sản phẩm chất lượng.

Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho các nhóm ở Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào năm 2015 nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội thảo "Kết nối thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Đồng bằng sông Hồng" tại Nam Định thu hút nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành.

Tham dự Techfest lần này, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã có dịp giới thiệu sản phẩm của mình đến đông đảo người dùng và tìm kiếm cơ hội phát triển ngành hàng của mình trong tương lai.

Khó khăn của nông dân Startup với sản phẩm địa phương - Ảnh 1.

Bà Bế Thị Lan Anh - Founder doanh nghiệp bún Ngô Thuận Anh khởi nghiệp với sản phẩm địa phương. Ảnh Khải Phạm.

Bà Bế Thị Lan Anh - Founder doanh nghiệp bún Ngô Thuận Anh (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) là một trong những người tham dự Techfest tại Nam Định với mong muốn quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra mới cho sản phẩm bún Ngô.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, bà Lan Anh cho biết, ý tưởng thành lập doanh nghiệp sản xuất bún Ngô xuất phát từ những điều tự nhiên vốn dĩ diễn ra trong cuộc sống của người dân bản địa ở Đình Lập, Lạng Sơn từ nhiều đời.

“Đặc sản của người dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn từ xưa là ăn cháo Ngô. Để nấu được cháo Ngô, người dân phải tách hạt và giã thủ công bằng tay vô cùng khó khăn trong quá trình sơ chế để nấu. Xuất phát từ những điều dân giã ấy, tôi đã thử nghiệm nguyên liệu Ngô để làm thành sợi bún Ngô. Sau khi đưa ra thị trường và nhận được phản hồi tích cực của người dùng nên tôi đã quyết định thành lập công ty khởi nghiệp vào năm 2019”, bà Lan Anh chia sẻ.

Đến nay, sản phẩm bún Ngô Thuận Anh được phân phối khắp các tỉnh trên toàn quốc với doanh thu ước tính dao động từ 500 - 700 triệu đồng/tháng. 

Bà Bế Thị Lan Anh chia sẻ về khó khăn khi khởi nghiệp với nông sản địa phương. Video Khải Phạm.

Ngoài ra, bà cũng cho biết ý tưởng khởi nghiệp với loại cây trồng vốn là đặc trưng của người nông dân là Ngô còn giúp cho những người dân có thêm nguồn thu nhập và kích thích họ sản xuất hơn. 

Với việc làm bún Ngô, mỗi mùa vụ thu hoạch, người dân không còn nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nếu không bán cho thương lái, cơ sở sản xuất bún Ngô Thuận Anh sẽ tiêu thụ nông sản này cho người dân, ít nhất họ sẽ không ế hoặc bán với giá thành rẻ, không đủ công chăm sóc, thu hoạch như trước đây.

Để sản xuất thành phẩm bún Ngô bán ra thị trường, bà Lan Anh cho biết mình vẫn chủ yếu áp dụng công nghệ bán thủ công trong từng công đoạn sản xuất. Do đó, năng suất chưa được như kỳ vọng.

Bà Lan Anh cho biết, trong tháng 9 tới đây,  Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm máy móc hiện đại để giúp quá trình sản xuất bún Ngô được rút ngắn thời gian, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động.

Kể từ khi khởi nghiệp, doanh nghiệp Thuận Anh đã tự nghiên cứu công nghệ để chiết suất, tách hạt nhằm sản xuất bún Ngô. Do những công nghệ này tự Founder nghiên cứu nên khi ứng dụng chưa thực sự hiệu quả với thời buổi hiện nay. Chính vì thế, doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhiều hơn sự hỗ trợ của các Bộ, Ban, Ngành để quá trình sản xuất, tiêu thụ sản xuất nhanh hơn, tối ưu chi phí hoạt động.

Trong suốt 4 năm qua từ khi thành lập và phát triển với những sản phẩm đầu tiên, bún Ngô Thuận Anh đã gặp không ít những khó khăn. Đặc biệt, với xuất phát điểm là nông dân ở vùng cao như Lạng Sơn, người đứng đầu chưa có dịp tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số nên khó khăn càng nhiều hơn.

Khó khăn của nông dân Startup với sản phẩm địa phương - Ảnh 3.

Là nông dân khởi nghiệp nên khó khăn khi tiếp cận công nghệ. Ảnh Khải Phạm.

“Bún Ngô là sản phẩm hoàn toàn mới chưa từng có mặt trên thị trường khi người dân chỉ biết đến bún Gạo. Điều đó khiến doanh nghiệp phải làm sao thay đổi tư duy, tiếp thị sản phẩm với những bước đi tự tìm tòi và hoàn toàn mới.

Đồng thời, giai đoạn đầu, chúng tôi gặp khó từ khi sơ chế nguyên liệu bởi chưa nghiên cứu được công nghệ giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất. 

Hơn nữa, xuất phát điểm là nông dân khởi nghiệp nên tôi khó tiếp cận được chính sách, công nghệ mới hay những thứ liên quan đến chuyển đổi số. Đa số chúng tôi vẫn bán hàng qua các kênh truyền thống, quá một công ty trung gian, nhưng việc tiếp cận với các kênh bán hàng mới trên mạng vẫn còn là trở ngại lớn với doanh nghiệp”, Founder bún Ngô Thuận Anh chia sẻ.

Nói về mục tiêu trong tương lai, bà Lan Anh cho biết muốn người dùng trong nước biết đến và sử dụng rộng rãi sản phẩm bún Ngô của mình. Cũng giống như bún Gạo truyền thống, bún Ngô cũng đủ nguồn chất dinh dưỡng nên hoàn toàn có thể thay thế giúp mỗi bữa ăn trở nên khác biệt hơn.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp Thuận Anh cũng nỗ lực để sản phẩm bún Ngô sẽ được xuất khẩu đến các thị trường quốc tế nhằm quảng bá thương hiệu Việt đến bạn bè để biết đến và sử dụng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ nâng cao thu nhập cho mình và những người nông dân trồng, sản xuất Ngô ở địa phương.

Với đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Lan Anh mong muốn Chính phủ sẽ hỗ trợ nhiều hơn về mặt công nghệ để tăng năng suất lao động, sản lượng và cắt giảm chi phí sản xuất giúp sinh lời tốt hơn.

Không những vậy, những sản phẩm của người dân thuần nông với ưu điểm xanh, sạch nên bà Lan Anh cũng muốn được hỗ trợ vào những siêu thị để có thêm đầu ra. Đồng thời, nếu được mong muốn Chính phủ có những liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để sản phẩm bún Ngô Thuận Anh được xuất khẩu ra thị trường quốc tế giúp doanh nghiệp phát triển hơn, người dân có thêm sinh kế, nông sản có đầu ra ổn định.