Dân Việt

Nhà đầu tư thăm dò thị trường, giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng "lao dốc"

Gia Linh 15/05/2023 12:07 GMT+7
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi những chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp lý chưa giải quyết được vấn đề thanh khoản, nhà đầu tư vẫn trong tâm thế thăm dò thị trường.

Mua bán bất động sản nghỉ dưỡng "đứng hình"

Là nhân viên môi giới bất động sản nghỉ dưỡng có kinh nghiệm nhiều năm, anh Nguyễn Tâm (TP.Thủ Đức) cho biết mình vừa chuyển nghề vì từ đầu năm 2023 đến nay chưa bán thành công sản phẩm nào.

"Chưa bao giờ thị trường khó khăn như hiện nay khiến tôi không thể trụ lại với nghề. Các dự án đơn vị tôi nhận phân phối đều vướng pháp lý, phải tạm ngưng xây dựng. Khách hàng đã mua thì nhiều người đòi thanh lý sản phẩm để lấy tiền lại. Trong khi đó, khách hàng mới thì không mặn mà với bất động sản nghỉ dưỡng nên tôi đành chuyển hướng sang kinh doanh bảo hiểm để mưu sinh", anh Tâm chia sẻ.

Nhà đầu tư thăm dò thị trường, giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng lao dốc - Ảnh 1.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung mới. Ảnh: Gia Linh

Thực tế, bất động sản nghỉ dưỡng đang trải qua giai đoạn khó khăn vì điểm nghẽn pháp lý khiến nhiều dự án đứng hình, chôn vốn. Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận tháng 4/2023 của DKRA Group, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung mới.

Cụ thể, về loại hình bất động sản biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý II/2022, số lượng dự án đưa ra thị trường khiêm tốn, nguồn cung giảm hơn 69% so với tháng trước và giảm 98% so với cùng kỳ.

Sức cầu thị trường của loại hình này ở mức rất thấp. Dự án mới có tình hình bán hàng chậm, trong khi đó hơn 60% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng không ghi nhận phát sinh giao dịch. Mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với tháng trước.

Trong khi đó, loại hình nhà phố nghỉ dưỡng lại có nguồn cung tăng nhẹ với tháng trước nhưng vẫn còn ở mức rất thấp không đáng kể, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc. Sức cầu thị trường vẫn còn khiêm tốn, chỉ tương đương 1% so với cùng kỳ năm 2022. Các dự án mới đều có tình hình bán hàng chậm, riêng dự án sơ cấp có hơn 60% dự án đóng giỏ hàng không ghi nhận giao dịch. Giá bán sơ cấp không biến động so với tháng trước, những chính sách chiết khấu 30- 40% giá bán khi thanh toán nhanh vẫn tiếp tục được áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Riêng bất động sản condotel, nguồn cung vẫn còn ở mức rất thấp, giảm hơn 58% so với tháng trước và giảm xấp xỉ 17% so với cùng kỳ. Riêng miền Nam tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới trong 4 tháng liên tiếp.

Nhà đầu tư thăm dò thị trường, giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng lao dốc - Ảnh 3.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu bứt tốc. Ảnh: Gia Linh

Sức cầu thị trường mặc dù có sự hồi phục nhưng không đáng kể, tỷ lệ tiêu thụ chỉ tương đương 38% nguồn cung mới. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, những chương trình ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất,… vẫn được áp dụng rộng rãi để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Kỳ vọng vào thị trường nửa cuối 2023

Chuyên gia của DKRA cho rằng trong tháng tiếp theo, nguồn cung và sức cầu thị trường sẽ tiếp tục sự hồi phục nhờ những thông tin tích cực từ Chính phủ, tuy nhiên sẽ không có nhiều đột biến trong ngắn hạn. Nguyên nhân vì những chính sách tháo gỡ vướng mắc trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể khiến thị trường bất động sản hồi sinh hoạt động mua bán như trước. Nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn khi tiếp cận room tín dụng cũng gây ảnh hưởng đến thị trường.

Tuy nhiên, nhìn nhận theo hướng tích cực, những tác động về mặt chính sách ít nhiều cũng sẽ có những tác động nhất định đến thị trường trong dài hạn. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10 về việc sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, bao gồm việc cho phép căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ.

Ông Trần Hùng (50 tuổi, một nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng) cho biết bản thân chưa vội xuống tiền "bắt đáy" vì muốn chờ xem diễn biến thị trường. Thời điểm các dự án được cởi trói pháp lý thì nhà đầu tư này mới an tâm.

Nhà đầu tư thăm dò thị trường, giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng lao dốc - Ảnh 4.

Nhà đầu tư vẫn đang chờ các diễn biến thị trường. Ảnh: Gia Linh

Lãnh đạo một Tập đoàn kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam cho biết Nghị định số 10 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là căn hộ condotel phát triển. Việc condotel được cấp sổ hồng sẽ tạo sự an tâm cho người mua, là động lực phát triển cho thị trường.

Điều đáng nói, dù condotel và officetel được "cởi trói" nhưng vẫn còn vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Bởi lẽ, việc gỡ vướng trên vẫn còn rất nhiều nút thắt hành lang pháp lý chưa được giải toả như: Vướng về tiền sử dụng đất, vướng mắc về bảo lãnh ngân hàng và vướng mắc về việc cấp quyền sử dụng, mua bán căn hộ…

Vì thế, để quy định mới đi vào thực tiễn cần có thời gian, thông tư hướng dẫn và còn chờ các dự thảo luật sửa đổi liên quan được hoàn thiện đồng bộ thông qua. Sau đó đến khâu thực hiện triển khai của chính quyền các địa phương.

Chuyên gia của DKRA Group cho rằng, trong tháng tiếp theo nguồn cung và sức cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể tăng nhẹ nhưng không có nhiều biến động rõ nét. Những dự án có pháp lý đầy đủ, được vận hành bởi thương hiệu quốc tế vẫn được thị trường ưu tiên lựa chọn và có tình hình bán hàng tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.