Doanh nghiệp bất động sản chật vật bán hàng tồn vì nguồn cung mới lao dốc
Doanh nghiệp bất động sản chật vật bán hàng tồn
Gia Linh
Thứ tư, ngày 10/05/2023 08:33 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp bất động sản, đơn vị môi giới phải dồn lực bán giỏ hàng cũ từ các năm trước để xoay xở dòng tiền, tìm cách duy trì hoạt động trong bối cảnh nguồn cung mới hạn chế.
Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận rơi vào cảnh khan hiếm nguồn cung mới, lượng tiêu thụ cũng ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị môi giới vì không có hàng mới, phải dồn lực bán hàng tồn. Các đơn vị tận dụng tối đa nguồn tiền từ việc bán giỏ hàng cũ để duy trì hoạt động. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có tiềm lực phát triển, có quỹ đất và thế mạnh về tài chính lại cũng không thể phát triển sản phẩm mới vì vướng các thủ tục pháp lý.
Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cho biết suốt 4 tháng qua, doanh nghiệp của ông chủ yếu bán lại sản phẩm đã được tung ra thị trường từ năm 2022. Giỏ hàng cũ vẫn còn gần 80 căn chưa bán xong từ năm trước nên quý I/2023 vừa qua, công ty tập trung cho công tác marketing, mục đích bán hết hàng tồn.
"Hiện tại, doanh nghiệp có gần 40 nhân viên nên áp lực dòng lương và các chi phí vận hành rất lớn. Trong khi đó, dự án mới của công ty vẫn chưa xong các thủ tục pháp lý. Các hồ sơ giấy tờ đã trình cơ quan chức năng nhưng mãi vẫn chưa được cấp phép. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ có thể trông chờ vào giỏ hàng cũ để thu hút tối đa dòng tiền", vị này cho hay.
Theo Hội Môi giới bất đông sản Việt Nam, do ảnh hưởng từ thắt chặt tín dụng cùng vướng mắc về pháp lý, nhiều chủ đầu tư phải tiếp tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch để chờ đợi tín hiệu từ thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thì thận trọng và "khó tính" hơn xuống tiền để chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc...
Nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng công bố, nguồn cung mới cho thị trường bất động sản đang theo đà sụt giảm.
Cụ thể, thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý I/2023 chỉ có 14 dự án, con số này chỉ 50% so với quý trước đó và bằng khoảng 64% so với quý I/2022.
Tại miền Bắc có 9 dự án với 5.679 căn, tại miền Trung có 3 dự án với 137 căn và đáng chú ý tại miền Nam có 2 dự án với 93 căn.
Số lượng đang xây dựng là 698 dự án với 398.592 căn, số lượng dự án đạt 149,79% so với quý IV/2022. Trong đó, tại miền Bắc có 435 dự án với 287.096 căn, tại miền Trung có 157 dự án với 61.565 căn, tại miền Nam có 106 dự án với 49.931 căn.
Đáng chú ý, trong quý I/2023, số dự án được cấp phép mới là 17 dự án với 7.187 căn. Trong đó, miền Bắc có 9 dự án, tại miền Trung có 5 dự án và tại miền Nam chỉ có vỏn vẹn 3 dự án được cấp phép.
Riêng số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong quý I/2023 có 52 dự án với 23.690 căn, bằng khoảng 88,14% so với quý IV/2022.
Qua các số liệu trên, Bộ Xây dựng nhận thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.
Trong khi đó, lượng giao dịch thị trường cũng có xu hướng sụt giảm. Số liệu thống kế của Bộ Xây dựng, tổng lượng giao dịch của quý I/2023 giảm mạnh khi chỉ đạt hơn 106.000 lượt giao dịch thành công, bằng khoảng 65% so với quý IV/2022 và 61% so với quý I/2022. Trong đó, lượng giao dịch thành công đất nền giảm nhiều khi chỉ có hơn 67.000 giao dịch thành công. Trong khi đó, phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có dấu hiệu khởi sắc hơn khi đạt 39.000 giao dịch thành công trong quý I/2023.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng nguồn cơn khó khăn của thị trường hiện tại xuất phát từ việc quá thiếu nguồn hàng, các phân khúc không đồng đều, thiếu sản phẩm phù hợp với thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.