Phiên giao dịch hôm nay (15/5), giá dầu WTI đã rớt xuống vùng giá 60 USD/thùng. Đây là mức giá từng được thiết lập vào tháng 7/2021, khi đó giá xăng A95 của Việt Nam chạm mức 20.000 đồng/lít.
Thực tế, giá xăng Việt đã giảm hai kỳ liên tiếp để đưa giá xăng hiện tại xuống mức 21.000 đồng/lít. Trong khi so với tháng 5/2022, giá xăng đã vọt trên 28.000 đồng/lít.
Theo giới phân tích, giá dầu thô giảm mạnh do thị trường lo ngại sụt giảm nhu cầu của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ.
Chuyên gia phân tích CMC Markets cho biết, giá dầu chịu áp lực do triển vọng nhu cầu chậm chạp khi tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc có vẻ gập ghềnh. Mỹ cũng đang đối mặt với tăng trưởng chậm lại do lãi suất cao và trần nợ công chưa được giải quyết.
Giá dầu thế giới giảm hơn 1% vào thứ Sáu (12/5) và giảm tuần thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh thị trường cân bằng giữa lo ngại về nguồn cung với những quan ngại mới về tình hình kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc ngày 12/5, giá dầu thô Brent giảm 81 US cent, tương đương 1,1%, xuống 74,17 USD trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 83 cent, tương đương 1,2%, xuống 70,04 USD/thùng
Tính chung cả tuần, cả hai loại dầu điểm chuẩn đều giảm khoảng 1,5% so với tuần trước đó.
Đồng USD mạnh hơn khiến dầu được định giá bằng đồng USD trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Việc thiếu niềm tin vào nền kinh tế khiến nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn như đồng USD, song cũng gây ra sự bi quan về nhu cầu dầu mỏ.
Thống đốc Fed Michelle Bowman ngày 12/5 cho biết Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao, đồng thời cho biết số liệu về sức ép giá cả đang giảm bớt trong tháng này không đủ thuyết phục.
Trong khi đó, số liệu giá tiêu dùng tháng 4/2023 của Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn so với tháng 3/2023, không đạt kỳ vọng. Tình trạng này gây ra những nghi ngờ về khả năng đà phục hồi tại nước này, sau các hạn chế liên quan đến Covid-19, sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (BKR.O) cho biết trong báo cáo được theo sát vào thứ sáu rằng số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đã giảm trong tuần này xuống mức thấp nhất trong gần một năm do số giàn khoan khí đốt giảm nhiều nhất trong một tuần kể từ tháng 2 năm 2016.
Số giàn khoan dầu đã giảm 2 giàn trong tuần này xuống còn 586 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2022, trong khi số giàn khoan khí đốt giảm 16 giàn xuống còn 141 giàn, mức thấp nhất vào tháng 4 năm ngoái.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq ngày 12/5 bày tỏ quan điểm rằng ông không kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ quyết định cắt giảm sản lượng hơn nữa trong cuộc họp tiếp theo tại Vienna (Áo) ngày 4/6 dù cho thị trường nhận được một số dự báo nguồn cung thâm hụt vào nửa cuối năm nay.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2023 vào thứ năm (11/5), kỳ vọng rủi ro kinh tế sẽ được bù đắp bởi tăng trưởng nhu cầu cao hơn của Trung Quốc.