Liên hoan thu thút sự tham gia 500 nghệ sỹ của 32 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp công lập và các đơn vị nghệ thuật hoạt động theo mô hình xã hội hóa, bao gồm các thể loại: Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, Kịch nói, Xiếc.
Các đơn vị nghệ thuật tham gia bao gồm: Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát chèo Quân đội, Nhà hát kịch công an nhân dân, Trường Đại học SKĐA Hà Nội, Trung VHNT tỉnh Hà Nam, Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội), Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, Nhà hát chèo Ninh Bình, Đoàn Cải lương Hải phòng, Đoàn Chèo Hải phòng, Hội nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng, Nhà hát chèo Thái Bình, Nhà hát NT truyền thống tỉnh Nam Định, Đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Đoàn ca kịch Quảng Nam, Nhà hát truyền thống cung đình Huế, Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát NT truyền thống tỉnh Bình Định, Nhà hát NT truyền thống Khánh Hoà, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TT biểu diễn và Nhà hát Thế giới trẻ, Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Nguyễn Quang, Công ty TNHH TCBD Song Việt, Công ty cổ phần Sử Việt.
Phát biểu tại buổi họp báo, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết, Liên hoan là dịp để tìm tòi những sáng tạo mới, mảng miếng hay nhất của vở diễn từ xây dựng, kết cấu kịch bản đến thủ pháp dàn dựng, kỹ năng biểu diễn, từ đó đúc rút những kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật sân khấu.
Liên hoan cũng mang đến hình thức biểu diễn rất cơ động để trong một buổi diễn, khán giả có cơ hội được thưởng thức nhiều trích đoạn sân khấu hay thuộc nhiều loại hình nghệ thuật; đồng thời được gặp gỡ, chứng kiến nhiều nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 còn giúp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các cơ quan quản lý nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cũng cho biết: Việc tìm kiếm những trích đoạn sân khấu đặc sắc còn là hướng đi để tìm kiếm những sản phẩm văn hóa nghệ thuật phù hợp dành cho khách du lịch. Liên hoan đã từng được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2011. Sau Liên hoan lần này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ cố gắng xây dựng thành Đề án để Liên hoan có thể tổ chức 3 năm 1 lần.
NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội nhận định: Liên hoan là sân chơi vô cùng thiết thực. Nếu tổ chức thành công, đây sẽ là cơ hội để những tác giả trẻ, đạo diễn trẻ thể hiện, đóng góp tài năng để tỏa sáng. Ban tổ chức có thể có những khu biệt về đề tài, chủ đề để các đơn vị có định hướng sáng tác tập trung.
Theo Ban tổ chức, liên hoan không hạn chế về đề tài, nhưng các trích đoạn tham dự phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn. Trích đoạn được dàn dựng, biểu diễn phải khắc họa rõ nét tính cách, hình tượng nhân vật. Liên hoan khuyến khích các trích đoạn xây dựng hình tượng về những con người tiêu biểu trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước, đồng thời đề cao các yếu tố sáng tạo mới trong quá trình dàn dựng. Ban tổ chức sẽ trao giải cho các trích đoạn xuất sắc, diễn viên biểu diễn xuất sắc và các thành phần sáng tạo xuất sắc ở từng loại hình nghệ thuật.