Dân Việt

Người tung tin Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long bị bắt có thể bị xử lý hình sự?

Q.Trung 16/05/2023 14:05 GMT+7
Theo luật sư, người tung tin Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long bị bắt có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi bị xác định là nghiêm trọng.

Truy tìm người tung tin Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long bị bắt

Ngày 15/5, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ chủ kênh YouTube và người đăng tải đoạn video "Bắt giam Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long Lê Quang Nguyên" để xử lý theo quy định pháp luật.

Người tung tin Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long bị bắt có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng khẳng định, thông tin Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long bị bắt là sai sự thật. ảnh: VOV

Trước đó, trên YouTube xuất hiện đoạn video với thời lượng 3 phút 20 giây có tiêu đề "Bắt giam Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long Lê Quang Nguyên".

Cơ quan chức năng khẳng định những nội dung trong đoạn video trên sai sự thật, được gán ghép để vu khống, bịa chuyện, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lãnh đạo Đài Truyền hình Vĩnh Long và cá nhân ông Lê Quang Nguyên.

Tiếp xúc với cơ quan chức năng của Công an tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Quang Nguyên bất ngờ trước thông tin bịa đặt, vu khống, làm ảnh hưởng uy tín, danh dự cá nhân ông.

Ông Nguyên mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc, thông tin rộng rãi để mọi người dân hiểu đúng vấn đề.

Xử lý hành chính hay hình sự?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, mọi công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Điều đó có nghĩa là mọi người phải tôn trọng tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của người khác. Nếu không sẽ bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc.

Vì thế, sự việc đối tượng tung tin sai sự thật về "Giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long bị bắt"gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Cụ thể trường hợp này là người có chức vụ trong cơ quan nhà nước.

Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh nguồn gốc thông tin sai sự thật, ai là người tung clip và tung tin với động cơ mục đích là gì, đối tượng đã đưa thông tin lên những nền tảng mạng xã hội nào…để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.

Theo luật sư Khuyên, pháp luật quy định hành vi bịa đặt là tự nghĩ ra một điều gì đó không có thật để bôi nhọ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự, gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác. Còn loan truyền là hành vi đưa thông tin từ người này đến người khác dưới mọi hình thức.

Trong vụ việc này, trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Còn trường hợp hành vi bị xác định là nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Ngoài ra, đối tượng có hành vi vi phạm còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, phải bồi thường về chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.