Theo Kyivpost, để chuẩn bị cho một ngày buôn bán mới tại một khu chợ đường phố bình dân ở khu phố Lukyanivka của Kiev, bà Halyna, 58 tuổi phải dậy sớm sắp xếp đồ đạc và chở theo đàn mèo.
"Đây là những con mèo của tôi - Tricia, một con mèo ba màu và Rudolf, một con mèo màu đỏ vàng; chúng đi chợ cùng với tôi", bà Halyna nhấn mạnh.
Bà Halyna bán hàng thêu do bà tự thêu và chỉ là một trong những người đang hình thành nên các khu chợ đường phố đặc biệt ở Kiev.
Hàng loạt mặt hàng trong các chợ tự phát này được bày trên thảm trải trên vỉa hè như rau ngâm, các loại hạt và hoa được trồng ở ngoại ô Kiev và sau đó được mang vào thủ đô để bán.
“Không ai chú ý đến chúng tôi ở chợ. Tôi đã ở đây cả ngày và gần như không bán được gì nhiều. Chẳng mấy chốc tôi lại phải bắt tàu về nhà”, cụ bà Liudmyla, 82 tuổi nói với Kyiv Post.
Cụ bà Liudmyla sống ở Pereyaslav, một thị trấn ở phía bên kia của sông Dnipro cách Kiev 100km. Bà có một khoản trợ cấp 4.000 hryvnia (108 USD/tháng) nhưng không đủ tiêu và một tuần vài lần vẫn phải tới Kiev để buôn bán nhằm kiếm thêm tiền.
“Tôi phải dậy sớm, nhặt rau và nấu ăn để đi chợ. Tôi trồng nhiều loại rau – cà chua, ớt, cà tím và rau thơm, đủ cho nhà ăn, và sau đó, tôi bán những gì còn thừa", cụ Liudmyla nói.
Bà Halyna cũng đi 100km để đến Kiev để bán những tấm thảm được chính bà thêu để lấy tiền trang trải cuộc sống cũng như để cưu mang những chú chó và mèo đi lạc.
“Tôi cần mua thức ăn cho những chú mèo vô gia cư và cho chúng ăn", bà Halyna chia sẻ.
Kể từ khi thời kỳ hòa bình kết thúc, việc kiếm tiền trở nên khó khăn hơn đối với tất cả người dân Ukraine.
“Trước chiến tranh, tôi có nhiều việc để làm, bây giờ, tôi không có công việc nào nữa", bà Halyna nói thêm.
Chiến tranh được cho là đã tàn phá nền kinh tế Ukraine với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm gần 30% vào năm 2022.
Theo Ngân hàng Thế giới, chiến tranh đã đẩy số người Ukraine sống trong cảnh nghèo đói tăng từ 5,5% lên 24,2% - nhiều hơn 7,1 triệu người so với năm trước và “làm mất đi 15 năm tiến bộ” của nước này.
Lạm phát cũng đã tăng vọt lên tới 26,6% trong năm ngoái, nghĩa là người dân vốn kiếm được ít tiền hơn nhưng các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm giờ đây lại đắt hơn nhiều.
Đối với những người Ukraine lớn tuổi chỉ sống bằng lương hưu, cuộc sống hiện đặc biệt khó khăn.
Oleksandr, 60 tuổi, một cựu giáo viên cơ học ứng dụng tại Học viện Bách khoa Kiev, người từng có các bài báo về người máy đã được xuất bản ở Nhật Bản và châu Âu cho biết: "Bây giờ tôi đang bán những thứ mình có để kiếm thức ăn, để kiếm sống".