Không nhận hồ sơ giấy cũng là nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, phấn đấu năm 2023, các chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bình Dương nằm trong Top 10 cả nước.
Quyết tâm không nhận hồ sơ giấy từ ngày 1/6/2023 là một những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách hành chính và giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2023, tổ chức ngày 17/5.
Ông Trần Công Huy - Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là một trong những đơn vị tiên phong trong cả nước thực hiện việc không nhận hồ sơ giấy trong giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở kết quả số hóa.
Từ đầu năm 2022, tỉnh Bình Dương đã có chỉ đạo quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến.
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo rà soát các văn bản thủ tục hành chính để chuẩn bị cho việc không nhận các hồ sơ giấy đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện từ ngày 1/6/2023.
Thủ tục hành chính nào đã được số hóa hoặc các giấy tờ thủ tục nào đã có dữ liệu, sẽ được đối chiếu, so sánh, trích xuất dữ liệu để thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
"Không nhận hồ sơ giấy cũng là nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng để cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương", ông Huy nói.
Ông Lý Văn Đẹp – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, kết quả cải cách hành chính năm vừa qua có nhiều chuyển biến.
Tuy vậy, Bình Dương vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác cải cách hành chính. Kết quả đánh giá đối với một số tiêu chí, tiêu chí thành phần trong chỉ số cải cách hành chính đạt thấp hoặc không đạt điểm; các chỉ số, chỉ số thành phần chưa được cải thiện, khắc phục kịp thời so với năm trước.
Cơ cấu lãnh đạo quản lý chưa hợp lý; quản lý thu chi tài chính còn sai phạm; tỷ lệ hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến và bưu chính công ích chưa cao. Việc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa đảm bảo yêu cầu.
Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 bị giảm điểm mạnh ở các nội dung như chậm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
Việc thực hiện tinh giảm đơn vị sự nghiệp, thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến còn thấp.
Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022, tỉnh Bình Dương chỉ đạt 88,78/100 điểm. So với năm 2021, Bình Dương giảm 3,09 điểm, đứng thứ 35/63 tỉnh thành cả nước.
Theo kết quả chỉ số cái cách hành chính năm 2022 đối với 17 sở ngành mà UBND tỉnh vừa công bố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp thứ nhất với 92,57 điểm.
Sở Kế hoạch - Đầu tư từ vị trí cuối cùng phấn đấu lên vị trí thứ 10. Sở Lao động Thương binh và Xã hội từ vị trí 15 tụt xuống vị trí cuối cùng.
Với 9 UBND các huyện thị, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục đứng vị trí thứ nhất. TP.Thuận An tiếp tục nằm trong nhóm cuối bảng.
Với 91 UBND các cấp xã, phường, thị trấn, kết quả ghi nhận nỗ lực vượt bậc của thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) từ vị trí 63 đã tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 15. TP.Thủ Dầu Một đứng vị trí thứ nhất, nhưng phường Chánh Mỹ lại xuống hạng, xếp vị trí thứ 50.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh giảm do nhiều nguyên nhân khách quan.
Ở chiều ngược lại, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) có sự cải thiện đáng kể. Năm 2022, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước
Đây là điểm tích cực để Bình Dương tiếp tục nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. "Toàn tỉnh phấn đấu năm 2023, các chỉ số cải cách hành chính phải có kết quả đạt trong Top 10 cả nước", ông Minh đề nghị.