Vùng đất Đông Triều là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh đặc sắc của vương triều Trần với hệ thống tổ miếu, lăng tẩm, chùa tháp quy mô
Các đời vua Trần cho xây dựng ở đây hệ thống đền, miếu, lăng mộ, chùa tháp dày đặc trong vùng cảnh quan có diện tích trên 11 nghìn ha, trải dài trên 4 xã và lên tận sườn núi Yên Tử: như chùa Ngọa Vân – Hồ Thiên gắn liền với sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chùa Quỳnh Lâm - Trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt với 1 trong An Nam tứ đại khí...
Trải qua thời gian, thiên tai huỷ hoại, chiến tranh tàn phá, nhiều công trình xưa chỉ còn là phế tích. Qua các cuộc khảo cổ, diện mạo các di tích kiến trúc quy mô lớn dần được phát lộ, tái hiện sinh động văn hóa thời Trần. Tiêu biểu có hộp vàng hoa sen Ngọa Vân – Quốc bảo Việt Nam tìm thấy năm 2012.
Đền An Sinh được xây dựng vào thời Trần năm 1381, là nơi thờ 8 vị Hoàng đế thời Trần, gia thất An Sinh Vương Trần Liễu – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đền còn là trường học của học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Lễ hội đền được khôi phục và duy trì vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm.
Nhà Trần chọn vùng đất này để xây dựng lăng mộ cho 8 vị Tiên Đế. Thái Lăng (lăng Đồng Thái) của vua Trần Anh Tông là lăng đầu tiên được xây dựng ở An Sinh vào năm 1320, nay nằm trên hòn đảo nhỏ giữa hồ Trại Lốc.
An lăng (lăng Ngải Sơn) của Trần Hiến Tông là nơi còn lưu giữ được nhiều di vật, hệ thống các tượng đá quan hầu, trâu, chó, rùa đá, các bia đá có giá trị khảo cổ đặc sắc.
Thái Miếu - nơi thờ tổ tiên và 14 vị vua Trần là một trong những điểm di tích quan trọng bậc nhất. Thái Miếu được tu bổ trên diện tích hơn 16.000 m2 bằng nguồn vốn xã hội hóa, hoàn thành năm 2018.
Năm nay, lần đầu tiên Quảng Ninh phục dựng Lễ hội Thái miếu nhà Trần. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 22-24/2 (từ 18-20 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương, đặc biệt là 25 đoàn rước của Đông Triều với các sản vật địa phương phong phú, đa dạng. Nhiều nghi lễ truyền thống như Lễ tế mở cửa đền, Lễ tiến vua, Lễ giỗ Đức Thái tổ Trần Thừa, hội diễn dân gian được tái hiện từ nghiên cứu của các nhà khoa học lịch sử.
Lễ rước rước nước qua hồ Trại Lốc - nghi lễ quan trọng tái hiện cuộc sống trước kia của tổ tiên nhà Trần gắn với nghề chài lưới trên sông nước thu hút hơn 1.300 người tham gia.
Nghi lễ gắn với tín ngưỡng cầu nước, cầu cho mùa màng tươi tốt cũng như báo công đến các vị vua của người dân thị xã Đông Triều sau một năm sản xuất.
Lễ hội Thái Miếu nhà Trần sẽ được duy trì trở thành lễ hội truyền thống hằng năm, kết nối với các các lễ hội gắn với di sản nhà Trần từ Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) tới Bạch Đằng (Quảng Yên), Yên Tử (Uông Bí), Cửa Ông, Vân Đồn, trở thành điểm đến ý nghĩa đầu năm cho du khách.