Dân Việt

Chính phủ nêu hạn chót, yêu cầu Bộ Công Thương “giải cứu” các dự án điện tái tạo đang đắp chiếu

An Linh 18/05/2023 09:35 GMT+7
Trong văn bản vừa được phát đi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có các văn bản hướng dẫn để Tập đoàn điện lực Việt Nam đàm phán giá điện với các dự án điện tái tạo.

Trước đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết dù cuối tháng 3/2023 gửi văn bản đến Bộ Công Thương, song đến tháng 5/2023, EVN vẫn phải chờ Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án điện chuyển tiếp, để tạo cơ sở cho EVN đàm phán giá điện.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc đàm phán giá điện đối với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp.


Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15, Quyết định số 21 về khung giá bán điện theo đúng quy trình, thủ tục và quy định. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính và đàm phán giá điện đối với điện gió điện mặt trời trong thời gian chờ quy định cụ thể. 

Bộ Công Thương cần chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành. 

Chính phủ nêu hạn chót, yêu cầu Bộ Công Thương “giải cứu” các dự án điện tái tạo đang đắp chiếu - Ảnh 1.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương ban hành các văn bản, quy định để đàm phán giá mua và bán điện với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (Ảnh EVN)

Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương cần khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Sau khi đàm phán giá xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện. 

Đối với dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định.

Đối với các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã hết kỳ quy hoạch, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương nơi có dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT trước ngày 25/2 phải có văn bản hướng dẫn các UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc xem xét, quyết định điều chuyển chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.

Theo EVN, tính đến ngày 10/5, có 31/85 dự án nhà điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN, trong đó có 2 nhà máy đã được EVN duyệt giá tạm thời là Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An.

Trong báo cáo về tình hình khẩn cấp liên quan đến phân phối điện, đầu tháng 5/2023, EVN có báo cáo gửi Bộ Công Thương, trong đó nêu các khó khăn lớn về cung ứng nguồn điện như thuỷ điện thiếu nước, than và khí nguyên liệu cho nhiệt điện tăng cao, sản lượng tiêu thụ điện tăng cục bộ do nắng nóng và khẳng định miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600 đến 4.900 MW điện.

Đáng chú ý, trong EVN nêu một trong những khó khăn liên quan đến thương thảo mua điện tái tạo chuyển tiếp giữa EVN với các doanh nghiệp điện là Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn cụ thể. 

EVN cho biết, đối với các khó khăn trong việc đàm phán giá điện của các nhà máy NLTT chuyển tiếp, EVN đã có văn bản số 1499/EVN-TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 báo cáo Bộ Công Thương, liên quan về các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án, tuy nhiên hiện nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương.