Dân Việt

Bí mật đồng xu rỗng (Phần cuối): Vén bức màn bí mật

Trần Hoài 22/05/2023 11:31 GMT+7
Từ lời khai của Hayhanen và các thông tin giải mật từ tấm vi ảnh đựng trong đồng xu rỗng, một đường dây gián điệp của Liên Xô đã bị phát hiện. Đường dây này gồm những ai? Bức màn bí mật được vén như thế nào?

Hành trình vén bức màn bí mật  

Thông tin mà Hayhanen cung cấp cho các quan chức Mỹ tại Paris vào tháng 5-1957, đã được kiểm tra ngay lập tức. Mỹ đã không một chút nghi ngờ về độ chính xác của những thông tin này. Sau đó, Hayhanen được đưa lên máy bay để quay trở lại nước Mỹ.

Sau khi đến New York vào ngày 10/5/1957, Hayhanen đã được khám sức khỏe kỹ lưỡng và được bố trí chỗ ăn ở và các đặc vụ FBI đã sắp xếp lịch để thẩm vấn anh ta. Hayhanen khai rằng, “Mikhail” là chỉ huy mạng lưới gián điệp của Liên Xô ở New York từ mùa thu năm 1952 đến đầu năm 1954. Họ chỉ gặp nhau khi cần thiết và địa điểm gặp mặt là ga tàu điện ngầm Prospect Park. Để trao đổi tin nhắn và dữ liệu tình báo, họ đã sử dụng các hộp thư mật ở khu vực New York, bao gồm điểm hàng rào cọc sắt ở cuối Đại lộ số 7 gần cầu Macombs và chân cột đèn ở Công viên Fort Tryon...

Tại một trong những hộp thư mật được Hayhanen đề cập trên dãy bậc xi măng ở Prospect Park, các đặc vụ FBI đã tìm thấy một chiếc bulông rỗng dài khoảng hơn 5cm và đường kính khoảng 0,6cm chứa tin nhắn đánh máy có nội dung như sau: “Không ai đến gặp vào ngày 8 hay ngày 9... như tôi đã được thông báo anh ấy nên đến. Tại sao? Liệu anh ấy đứng ở bên trong hay bên ngoài? Hay nhầm thời gian? Địa điểm dường như là đúng. Đề nghị kiểm tra lại”.

Hồ sơ mật: Bí mật đồng xu rỗng (Phần cuối) - Ảnh 1.

Tin nhắn mã hóa trong tấm vi ảnh được tìm thấy trong đồng xu rỗng.

Chiếc bulông được tìm thấy vào ngày 15/5/1957, 2 năm sau khi nó được bỏ vào đó. Tuy nhiên, hộp thư mật cùng với chiếc bulông và tin nhắn đã vô tình bị một đội sửa chữa lấp đi. Theo Hayhanen, những công cụ tương tự như thế này thường được Liên Xô sử dụng cho các hoạt động gián điệp. Những công cụ khác mà Liên Xô trang bị cho anh ta gồm có bút máy, bút chì, đinh ốc, pin và đồng xu rỗng. Trong một số trường hợp, chúng được từ tính hóa để có thể dính vào các vật bằng kim loại khác.

Trong ngôi nhà của Hayhanen và vợ trên đường Dorislee Drive ở Peekskill, New York, các đặc vụ FBI đã tìm thấy một đồng xu 50 Markka từ Phần Lan. Nó đã bị khoét rỗng bên trong và có một lỗ nhỏ ở chữ “a” đầu tiên trong từ “Tasavalta” ở “mặt sau” của đồng xu.

Các chuyên gia Phòng thí nghiệm của FBI đã tiến hành nghiên cứu đồng xu này và phát hiện nó rất giống với đồng 5 cent được cậu bé bán báo ở khu Brooklyn phát hiện vào năm 1953. Hai đồng xu chắc chắn đã được sử dụng để làm thành đồng 50 Markka “ảo thuật” này. Cả hai đồng xu này đều có một lỗ nhỏ trên một chữ cái để có thể mở ra bằng một vật nhọn.

Mặc dù FBI xác nhận mạng lưới gián điệp của Liên Xô là chủ nhân của đồng 5 cent rỗng ruột in hình Tổng thống Jefferson, nhưng đấy mới chỉ là một nửa bí mật và việc giải mã tiếp tục được tiến hành.

Trong các buổi thẩm vấn, FBI xoáy vào hệ thống mã khóa mà Hayhanen đã sử dụng trong các cơ quan tình báo Liên Xô kể từ khi tham gia lực lượng này năm 1939. Từ những thông tin mà anh ta cung cấp, các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm của FBI đã vén bức màn bí mật sau tin nhắn mã hóa. Đến ngày 3-6-1957, toàn bộ nội dung đã được giải mã. Thông điệp này được xác định là gửi cho Hayhanen từ Liên Xô ngay khi anh ta đến Mỹ.

Dù bí mật về đồng xu đã được giải, nhưng FBI vẫn quyết tâm tìm ra “Mikhail”, người liên lạc với Hayhanen từ mùa thu năm 1952 đến đầu năm 1954. Theo Hayhanen, sau khi “Mikhail” kết thúc nhiệm vụ vào năm 1954, anh ta được bàn giao liên lạc với một điệp viên khác của Liên Xô mà anh ta chỉ biết tên là “Mark”. Hayhanen cảm nhận rằng “Mark” vẫn đang hoạt động gián điệp ở Mỹ.

Theo nhận định của Hayhanen, “Mikhail” là một quan chức ngoại giao của Liên Xô, có thể làm việc ở Đại sứ quán hay Liên hợp quốc. Anh ta miêu tả “Mikhail” trạc 40 - 50 tuổi, có vóc người trung bình, mũi dài, tóc sẫm màu và cao khoảng 1m73. Mô tả này trùng với đặc điểm của nhiều đại diện ngoại giao của Liên Xô ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 1952 đến 1954. Sau khi xem xét một danh sách dài những người tình nghi, FBI chọn ra “ứng viên” Mikhail Nikolaevich Svirin, người đã từng nhập cảnh rồi lại xuất cảnh khỏi nước Mỹ vài lần trong khoảng từ năm 1939 đến 1956 và giữ cương vị Bí thư thứ nhất Phái đoàn Liên Xô tại Liên hợp quốc ở New York từ tháng 8/1952 đến tháng 4/1954.

Năm 1957, các đặc vụ FBI cho Hayhanen xem một loạt ảnh và ánh mắt của anh ta dừng lại ở bức ảnh của Mikhail Nikolaevich Svirin. Anh ta đứng bật dậy và nói: “Chính người này. Không nghi ngờ gì nữa. Đó là "Mikhail”. Tuy nhiên, Mỹ không thể làm gì được với người này vì "Mikhail” đã quay lại Liên Xô vào tháng 10-1956.

Nhiệm vụ tiếp theo của FBI là tìm ra “Mark”, người đã thay thế “Mikhail”. Hayhanen không biết “Mark” đang ở đâu cũng như tên thật của người này; tuy nhiên, anh ta cung cấp nhiều chi tiết khác liên quan đến điệp viên này. Theo Hayhanen, “Mark” là một đại tá của KGB, bắt đầu hoạt động gián điệp từ năm 1927 và đến Mỹ trong khoảng năm 1948 hoặc năm 1949, bằng cách vượt biên trái phép qua biên giới Canada.

Dựa vào hướng dẫn trong một bức điện mà Hayhanen nhận được từ Liên Xô, “Mark” bắt liên lạc với Hayhanen tại một rạp chiếu phim ở Flushing, Long Island, vào cuối mùa hè năm 1954. Để nhận biết, Hayhanen đeo một chiếc cà vạt kẻ xanh đỏ và hút tẩu. Sau màn “chào hỏi” tại đây, Hayhanen và “Mark” liên lạc thường xuyên ở Prospect Park, trên những con phố đông đúc, và những địa điểm kín đáo khác ở New York. Họ đã cùng nhau đến các thành phố Atlantic, Philadelphia, Albany, Greenwich và các nơi khác ở miền đông nước Mỹ.

Ngoài ra, “Mark” cũng cử Hayhanen đi thực hiện nhiệm vụ riêng. Chẳng hạn, vào năm 1954, “Mark” yêu cầu anh ta tìm hiểu thông tin về một trung sĩ thuộc Lục quân Mỹ, trước đây được cử đến làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Hayhanen không thể nhớ nổi tên của viên trung sĩ Mỹ này nhưng nhớ rằng anh ta có mật danh “Quebec” và được tình báo Liên Xô tuyển dụng trong thời gian ở Moscow.

Một cuộc điều tra rộng khắp được tiến hành nhằm tìm ra danh tính của “Quebec” và nhanh chóng có kết quả. Khi kiểm tra một miếng thép rỗng từ nhà của Hayhanen, Phòng thí nghiệm của FBI phát hiện một đoạn vi phim rộng chưa đầy 2,54cm2. Đoạn vi phim này chứa một bức điện đánh máy xác định rõ “Quebec” tên thật là Trung sĩ Roy Rhodes được Liên Xô chiêu mộ vào tháng 1/1952. Thông tin đầy đủ về việc Rhodes dính líu đến hoạt động gián điệp của Liên Xô được chuyển cho Lục quân và anh ta bị kết án 5 năm lao động khổ sai.

Theo miêu tả của Hayhanen, “Mark” trạc 50 tuổi hoặc hơn một chút, cao khoảng 1,78m, tóc lốm đốm bạc và vóc người trung bình. Anh ta là một nhiếp ảnh gia có tài. Hayhanen nhớ lại một lần vào năm 1955, “Mark” đưa anh ta tới một phòng lưu giữ ảnh ở trên tầng 4 hay tầng 5 của một tòa nhà gần phố Clark và Fulton, quận Brooklyn. Quá trình lục soát đã cho các FBI manh mối đến một tòa nhà ở số 252 phố Fulton. Trong số các chủ căn hộ có Emil R. Goldfus, một nhiếp ảnh gia đã điều hành studio trên tầng 5 kể từ tháng 1/1954. Người này cũng từng thuê một phòng kho trên tầng 5.

Tháng 4/1957, (cùng tháng đó Hayhanen lên tàu đi châu Âu theo lệnh triệu hồi về Moscow), Goldfus nói với một số người trong tòa nhà trên phố Fulton rằng anh ta chuẩn bị đi nghỉ 7 tuần ở phía Nam. “Đó là lời khuyên của bác sĩ”, anh ta giải thích. “Tôi bị bệnh xoang”. Goldfus biến mất vào khoảng ngày 26/4/1957. Chưa đầy ba tuần sau, FBI đến tòa nhà số 252 phố Fulton để tìm “Mark”. Vì diện mạo Goldfus trùng khớp với miêu tả của Hayhanen về “Mark” nên FBI đã bí mật theo dõi studio chụp ảnh ở địa chỉ đó.

Ngày 28/5/1957, các đặc vụ quan sát thấy một người đàn ông giống “Mark” đang ngồi trên một chiếc ghế đá ở công viên, mặt hướng về phía lối vào tòa nhà ở số 252. Người đàn ông này thỉnh thoảng đi lại quanh công viên, anh có vẻ bồn chồn. Anh ta biểu hiện như đang đợi ai đó và đang cố gắng phát hiện ra có điều gì bất thường diễn ra ở khu vực đó hay không. Lúc 6 giờ 50 chiều, người đàn ông này rời khỏi vị trí. Đoán chắc rằng hành động của họ vẫn chưa bị lộ nên FBI chọn phương án chờ đợi thay vì bám theo người đàn ông này. “Nếu đó là ‘Mark’”, người này sẽ trở lại”, họ suy đoán.

Ngoài tiếp tục theo dõi địa chỉ số 252, các đặc vụ khác hằng ngày kiểm tra các hộp thư mật mà Hayhanen khai anh ta và “Mark” đã sử dụng. Sự kiên nhẫn của các đặc vụ FBI cuối cùng cũng được đền đáp khi vào 10 giờ tối ngày 13/6/1957, họ trông thấy đèn trong studio của Goldfus bật sáng và một người đàn ông đang đi lại trong phòng.

Lúc 11 giờ 52, đèn trong phòng tắt. Người đàn ông giống với mô tả về “Mark” bước vào bóng đêm bên ngoài tòa nhà và đi dọc xuống đường Fulton tới một ga tàu điện ngầm. Một lúc sau, anh ta lên tàu về Phố 28 và đi bộ về khách sạn Latham trên đường 28 Đông.

Ngày 15/6, FBI đưa một bức ảnh của Goldfus được chụp bằng máy ảnh giấu kín cho Hayhanen và cựu điệp viên Liên Xô đã xác nhận đó là “Mark”. Goldfus đã bị theo dõi liên tục từ đêm 13/6 cho đến tận sáng 21/6/1957. Trong thời gian này, các đặc vụ FBI chắp nối các manh mối từ cuộc điều tra và đã tìm ta người cần tìm.

Chấm dứt một mạng lưới gián điệp  

Mark đã bị Cục nhập cảnh bắt giữ với tội danh xâm nhập trái phép vào nước Mỹ và không đăng ký là người nước ngoài. Khi bị bắt, “Mark” từ chối hợp tác. Qua điều tra, cơ quan này phát hiện “Mark” sở hữu nhiều loại giấy tờ giả, bao gồm hai giấy khai sinh Mỹ.

Tờ thứ nhất cho thấy, anh là Emil R. Goldfus, sinh ngày 8/2/1902 ở thành phố New York. Trên tờ thứ hai, anh tên là Martin Collins, sinh ngày 2/6/1897 cũng ở New York. Người trong giấy khai sinh thứ nhất được xác định đã chết từ khi còn nhỏ, và thông tin về người có tên Collins là giả. Trong suốt thời gian hoạt động tình báo, “Mark” còn sử dụng nhiều tên khác. Chẳng hạn, mùa thu năm 1948, trên đường từ Liên Xô sang Mỹ, anh lấy tên là Andrew Kayotis. Andrew Kayotis thật đã chết trong một bệnh viện ở ra Lithuania.

Ngày 15-7-1947, “Mark” dưới cái tên Andrew Kayotis, lúc đó đang sống ở thành phố Detroit, được cấp một tấm hộ chiếu cho phép anh có thể thăm viếng họ hàng ở châu Âu. Khi tiến hành điều tra, một số người kể rằng, lúc rời khỏi nước Mỹ, Kayotis trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Các thông tin sau này cho biết, Kayotis nhập viện ở Lithuania. Bạn bè của Kayotis ở Michigan sau một thời gian không nghe thông tin gì nên kết luận anh ta đã qua đời.

Hồ sơ mật: Bí mật đồng xu rỗng (Phần cuối) - Ảnh 2.

Chân dung của Rudolf Ivanovich Abel.

Gần 10 năm sau, “Mark” vẫn từ chối nói về các hoạt động tình báo của mình nhưng phòng ảnh và căn phòng trong khách sạn mà anh ở như một bảo tàng về các trang bị gián điệp hiện đại. Tại đây, lực lượng điều tra đã tìm thấy máy thu sóng ngắn, bảng mật mã, máy ảnh và phim dùng để sản xuất tài liệu mật thu nhỏ, một bàn cạo râu rỗng ruột, khuy măng sét và nhiều thiết bị chuyên dụng khác.

Bị cáo buộc tội danh gián điệp, Đại tá Abel bị đưa ra xét xử tại tòa án liên bang ở New York vào tháng 10-1957. Trong số các nhân chứng được triệu tập đến phiên tòa có Trung tá Reino Hayhanen, một trợ lý điệp báo mà Abel từng tin tưởng. Ngày 25/10/1957, tòa tuyên án Abel phạm 3 tội danh với tổng hình phạt là 45 năm tù giam và 3.000 USD tiền phạt. Tội danh bao gồm âm mưu chuyển giao các thông tin quốc phòng cho Liên Xô, thu thập tin tức quốc phòng và hoạt động gián điệp bất hợp pháp. Đại tá Abel sau đó gửi đơn kháng cáo, nhưng Tòa án tối cao giữ nguyên bản án đã tuyên.

Một cuộc điều tra bắt đầu với đồng xu rỗng từ một cậu bé bán báo cuối cùng đã giúp Mỹ phá vỡ một đường dây gián điệp của Liên Xô. Ngày 10/2/1962, Rudolf Invanovich Abel được đưa ra trao đổi lấy Francis Gary Powers, một phi công máy bay U-2 của CIA bị bắn hạ khi bay qua không phận Liên Xô để chụp ảnh do thám và ghi lại các địa điểm nhạy cảm của Nga.