Tiết lộ hồ sơ buộc tội Albert Einstein làm gián điệp cho Liên Xô

Thứ sáu, ngày 01/05/2020 20:30 PM (GMT+7)
Giữa thời kỳ làn sóng chống Cộng sản đang ở đỉnh cao tại Mỹ vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khẳng định nhà bác học Albert Einstein đã làm nội gián cho phía Liên Xô và lập hồ sơ theo dõi, điều tra để buộc tội ông.
Bình luận 0

Đầu tháng 2/1950, tại căn nhà số 112 đường Nercer của thành phố Princeton, Albert Einstein hầu như chỉ dán mắt vào một dòng tít trên báo New York Times: "Hạ vũ khí hoặc sẽ bị giết chết, nói đi Einstein!”. Đây chính là câu phát biểu trên chương trình truyền hình của bà Eleanor Roosevelt, vợ góa của cố Tổng thống Franklin Roosevelt, một người có tư tưởng chống Cộng sản triệt để. Chương trình này chỉ là bước tiếp theo của một kế hoạch điều tra về Albert Einstein được FBI triển khai thực hiện theo lệnh của Tổng thống Harry Truman lúc bấy giờ.

img

Albert Einstein.

Nguyên do là 3 ngày trước đó, ngày 10/2/1950, Klaus Fuchs, một nhà khoa học tham gia dự án chế tạo bom nguyên tử của Mỹ, có tên gọi Manhattan, bị bắt giữ tại Anh vì tình nghi làm gián điệp cho Liên Xô. Mà Klaus Fuchs chính là người được Albert Einstein giới thiệu vào làm việc tại dự án Manhattan. Sau vụ bắt giữ này, John Edgar Hoover, Giám đốc FBI, nghi ngờ rằng Albert Einstein đã giúp đỡ Liên Xô trong sản xuất vũ khí nguyên tử. Vì vậy, Hoover giao nhiệm vụ cho Mick Ladd, có biệt danh Mickey, là một trong 10 nhân vật quyền lực nhất FBI lập hồ sơ theo dõi để buộc tội Albert Einstein làm gián điệp cho Liên Xô.

Kể từ đó, hồ sơ về Albert Einstein được hình thành, không dưới 1.800 trang, và chỉ cho đến khi được nhà báo người Mỹ Fred Jerome tìm đọc được trong hồ sơ lưu trữ của FBI vào tháng 10/2003 thì câu chuyện về cuộc săn lùng để khép tội gián điệp cho nhà bác học Albert Einstein của FBI mới được đưa ra trước công luận.

Từ tháng 2/1950, bộ phận của Mick Ladd bắt đầu thu thập rất nhiều tài liệu liên quan đến Albert Einstein, chủ yếu là những bản cam kết chính trị của nhà bác học này với Chính phủ Mỹ từ khi ông làm việc cho chính phủ từ năm 1932. Ngay lần tiếp xúc đầu tiên với các tài liệu trên, Mick Ladd đã thật sự bối rối trước những gì mà Albert Einstein làm. Nhà bác học này có một sự nghiệp hoạt động chính trị năng nổ như ủng hộ phong trào đấu tranh đòi hòa bình và chống lại những bất công, phong trào này mang tên Abraham Lincoln. Mick Ladd cũng nghiền ngẫm trước rất nhiều tổ chức mà Albert Einstein  tham gia như Hiệp hội các văn nghệ sĩ, nhà khoa học Do Thái, Hội đồng các sự vụ châu Phi, Liên đoàn hữu nghị Trung Mỹ, Hội đồng Hoa Kỳ  vì dân chủ Hy Lạp, Hội đồng hữu nghị Mỹ - Liên Xô, Ủy ban quốc tế chống chiến tranh...

Chưa hết, hồ sơ về Albert Einstein còn bao gồm nhiều chi tiết về tiểu sử bản thân ông. Bởi lẽ, kể từ tháng 3/1946, FBI bắt đầu đặt Albert Einstein dưới sự kiểm soát chặt chẽ cùng một số nhà khoa học danh tiếng khác như Kurt Godel, Valentin Bargmann, Harlow Shapley... thậm chí những cuộc nói chuyện qua điện thoại của gia đình Albert Einstein cũng bị FBI ghi nhận và theo dõi đến chi tiết cả ngày giờ các cuộc gọi và danh sách những người đã nói chuyện với ông.

Nhưng tại sao FBI lại quan tâm đến Albert Einstein như vậy? Liệu nhà bác học này có nguy hiểm đến mức FBI phải dốc toàn lực để theo dõi ông như vậy không? Câu trả lời là do Albert Einstein từng tham gia vào dự án Manhattan và quan trọng hơn là Albert Einstein lại là một trong những thành viên của Hội đồng khoa học hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô, nhất là trong lĩnh vực nguyên tử. Do vậy, FBI nghi ngờ rằng Albert Einstein chẳng ngại gì mà không tiết lộ thông tin về dự án Manhattan cho phía Liên Xô.

Trong hồ sơ của FBI theo dõi về Albert Einstein có phần nhấn mạnh về mối quan hệ giữa nhà bác học này với Klaus Fuchs, một nhà khoa học người Đức di tản đến Anh khi chế độ Quốc xã lên nắm quyền tại Đức và sau đó được chính Albert Einstein giới thiệu vào làm việc tại dự án Manhattan.

Tháng 2/1950, FBI đã phối hợp với Cục Phản gián Anh bắt giữ Klaus Fuchs tại Thủ đô London vì nghi ngờ ông này làm việc cho Liên Xô. Những người thân của Klaus Fuchs khi bị FBI thẩm vấn đều công nhận việc Albert Einstein giới thiệu cho nhà khoa học người Đức này vào làm việc cho dự án Manhattan nhưng chỉ vì những hiểu biết về vật lý ứng dụng của ông này, rất cần thiết cho việc chế tạo bom nguyên tử, chứ ngoài ra không vì một mục đích nào khác.

Kristel Heinemann, chị gái của Klaus Fuchs, tuy bị FBI ép cung liên tục chỉ với mục đích cung khai việc cả Albert Einstein và Klaus Fuchs đều làm việc cho Liên Xô, nhưng vẫn không chịu làm theo yêu cầu của FBI, nên đã bị trục xuất khỏi Mỹ.

Trong hồ sơ về Albert Einstein của FBI có ghi nhận phần buộc tội nhà bác học này từ phía quân đội Mỹ. Theo đó thì vào những năm 1929-1932, nhà riêng của Albert Einstein được sử dụng như một hộp thư và trung tâm thông tin cho các điệp viên Liên Xô. Nguồn tin này cũng xác nhận đó là một địa điểm lý tưởng vì mỗi ngày Albert Einstein nhận rất nhiều thư từ và điện từ khắp nơi trên thế giới gửi đến.

Trong hồ sơ về Albert Einstein còn ghi nhận việc một người có tên Louis Gilbarti đồng ý đứng ra làm chứng rằng nhà bác học này làm gián điệp cho Liên Xô. Theo lời khai của Gilbarti thì Albert Einstein là bạn thâm niên với nhà kinh tế học nổi tiếng Robert Kuczinski. Cả hai gặp nhau tại Anh vào năm 1933 khi Kuczinski chạy khỏi nước Đức phát xít. Có điều là con trai Jurgen và chị gái Ursula (nổi tiếng với mật danh Ruth Werner) của Kuczinski lại là những điệp viên tài ba của Liên Xô. Gilbarti khẳng định chính Ruth Werner là người đã móc nối Klaus Fuchs làm việc cho tình báo Liên Xô, còn Jurgen Kuczinski lại làm liên lạc viên giữa tình báo Liên Xô với Albert Einstein.

Đến tháng 8/1953, khi nghị sĩ có tư tưởng chống Cộng sản khét tiếng Joseph Mac Carthy, nổi tiếng về việc cho thành lập một danh sách đen về những đối tượng bị FBI nghi ngờ là cung cấp tài liệu vũ khí hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô, bị Thượng viện Mỹ bất tín nhiệm vì đã có những hành động đi ngược lại lòng dân,  tưởng đâu FBI sẽ chấm dứt việc lập hồ sơ theo dõi về Albert Einstein. Nhưng thực ra FBI vẫn tiếp tục làm công việc này một năm sau đó cho dù mức độ buộc tội có nhẹ hơn và chỉ thực sự chấm dứt khi Albert Einstein qua đời vào tháng 4/1955.

Đối với Albert Einstein thì giai đoạn từ năm 1948 đến 1952 là chuỗi ngày đen tối nhất. Ông đã bị FBI theo dõi từng hành động một, cũng giống như các nhà khoa học khác ở Princeton. Năm 1950, trong một bức thư gửi người bạn Henry Wallace, Albert Einstein thổ lộ: “Chính trường Mỹ đang đắm chìm trong một không khí gần như phát xít”. Năm 1951, khi bị FBI theo dõi sát sao nhất, Albert Einstein lại viết tiếp cho Henry Wallace, rằng: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy là người xa lạ với đất nước này như bây giờ. Khắp nơi chỉ thấy toàn là sự thô thiển và giả dối”.

Tháng 11/1954, khi được tạp chí The Reporter hỏi về phản ứng của ông trước việc Mac Carthy và FBI tổ chức theo dõi các nhà khoa học, Albert Einstein đã trả lời một cách thẳng thắn: “Nếu bây giờ tôi trẻ lại, tôi sẽ cố gắng để không trở thành nhà khoa học hay giáo sư, mà tôi sẽ chọn nghề nào đó như thợ lắp ống nước hay phu khuân vác để được sống tự do hơn trong thời buổi hiện nay”.

Hoàng Phú (An Ninh Thế Giới)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem