Bí mật đồng xu rỗng (Phần 1): Theo dấu 1 điệp viên KGB

Trần Hoài Chủ nhật, ngày 21/05/2023 14:33 PM (GMT+7)
Câu chuyện một cậu bé bán báo phát hiện đồng xu rỗng ruột bên trong có chứa một tấm vi ảnh với những dãy số bí mật năm 1953 đã đến tai một nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Từ đó, một cuộc điều tra về nguồn gốc của đồng xu và nội dung tin nhắn bên trong đã được tiến hành.
Bình luận 0

Tấm vi ảnh

Tối thứ hai, ngày 22/6/1953, một cậu bé giao báo cho tờ Brooklyn Eagle gõ cửa căn hộ chung cư số 3403 của một trong những khách hàng ở Đại lộ Foster (Brooklyn). Một người phụ nữ bước ra mở cửa và nói: “Xin lỗi, Jimmy. Cô không có tiền lẻ. Cháu có thể đi đổi đồng một đô la này cho cô được không?”

Cậu bé bán báo vội đếm số tiền trong túi của mình nhưng không đủ. “Cháu sẽ hỏi những người ở bên kia xem sao”, cậu nói. Jimmy hỏi 2 người phụ nữ ở căn hộ đối diện. Sau khi gom hết tiền trong túi, họ đã có thể đổi tiền cho cậu.

Sau khi nhận tiền bán báo, Jimmy rời căn hộ với vài đồng tiền xu trong tay. Bất chợt, cậu nhận thấy một đồng xu có điểm khác lạ. Đó là một đồng 5 cent. Cậu đặt nó lên ngón tay giữa và thấy nó nhẹ hơn các đồng 5 cent bình thường khác. Cậu thả đồng xu xuống sàn nhà và nó bỗng dưng tách làm đôi, để lộ một bức ảnh nhỏ xíu với các dãy số bên trong.

Hai ngày sau, trong khi đang thảo luận về một nội dung điều tra, một thám tử của Sở Cảnh sát Thành phố New York đã kể cho một đặc vụ FBI về đồng 5 cent rỗng kỳ lạ được một cậu bé ở Brooklyn phát hiện. Vị thám tử đã nghe được thông tin từ một sĩ quan cảnh sát có con gái quen với cậu bé bán báo.

Hồ sơ mật: Bí mật đồng xu rỗng (Phần 1) - Ảnh 1.

Đồng xu rỗng được cậu bé bán báo Brooklyn phát hiện vào năm 1953.

Khi thám tử New York liên lạc với cậu, Jimmy đã giao đồng xu rỗng cùng bức ảnh cho anh ta. Đồng xu sau đó đã được chuyển cho FBI. Khi kiểm tra đồng xu này, các đặc vụ thuộc Văn phòng FBI tại New York phát hiện bức ảnh siêu nhỏ này có mười cột số được đánh máy. Có năm ký tự trong mỗi con số và 21 số trong hầu hết các cột. Các đặc vụ ngờ rằng họ đã tìm thấy một thông điệp gián điệp đã được mã hóa. Đồng 5 cent và tấm vi ảnh đã được gói lại cẩn thận và chuyển đến Phòng thí nghiệm của FBI.

Sau khi nhận được đồng 5 cent vào ngày 26/6/1953, một nhóm chuyên gia khoa học của FBI ở Washington đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng. Đồng xu rỗng, mặc dù người dân bình thường hiếm khi nhìn thấy, đôi khi được sử dụng trong các màn biểu diễn ảo thuật và thu hút sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên FBI thấy một đồng xu như thế này.

Một mặt đồng xu là mặt mẫu đồng 5 cent phát hành năm 1948 có hình Tổng thống Jefferson. Trong chữ “R” của từ “TRUST” có một lỗ nhỏ, rõ ràng là đã được khoan để có thể luồn một chiếc kim nhỏ hoặc dụng cụ tương tự để mở đồng xu. Mặt sau là của một đồng 5 cent khác, phát hành vào khoảng thời gian từ năm 1942 đến năm 1945. Nó được làm bằng hợp kim đồng-bạc do thiếu niken trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Truy tìm nguồn gốc

Ngoài nỗ lực giải mã thông điệp trên bức vi ảnh, các đặc vụ FBI ở New York cũng đã mở một cuộc điều tra để tìm ra nguồn gốc của đồng xu rỗng.

Hai người phụ nữ đã đổi đồng đô la cho cậu bé bán báo vào tối ngày 22/6 đã được FBI tìm đến. Khi được hỏi, cả hai nói rằng họ có nhớ đã đổi tiền cho Jimmy, nhưng không biết về đồng xu kỳ lạ đó. “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đồng xu rỗng, thậm chí là nghe về nó trước đây”.

Các chủ cửa hàng và các cơ sở kinh doanh có liên quan ở vùng lân cận New York cũng đã được liên hệ. Sau khi xem hình ảnh về đồng xu, không ai nghĩ rằng mình đã nhìn thấy đồng 5 cent hoặc đồng xu nào tương tự. Một nhân viên bán hàng cho rằng, đồng xu này không thích hợp để làm trò ảo thuật vì phần rỗng quá nhỏ để giấu bất cứ thứ gì ngoài một mảnh giấy nhỏ.

Ở Washington, mọi nỗ lực giải mã bức ảnh siêu nhỏ đều thất bại. Ngoài ra, người ta cũng không thể xác định được loại máy chữ đã được sử dụng để soạn tin nhắn mã hóa. Vì Phòng thí nghiệm của FBI lưu giữ một hồ sơ tham khảo liên quan đến các loại máy đánh chữ sản xuất tại Mỹ, nên họ chắc chắn rằng tin nhắn mã hóa phải được soạn bởi một chiếc máy đánh chữ do nước ngoài sản xuất.

Những năm sau đó, FBI nỗ lực không ngừng để giải đáp bí ẩn về đồng xu rỗng. Một số cựu nhân viên tình báo đào tẩu đã được liên lạc nhưng cơ bản không giúp ích được gì. Khi cuộc truy tìm nguồn gốc của đồng xu rỗng được mở rộng trên khắp nước Mỹ, nhiều công cụ khác nhau, như đồng xu tàu điện ngầm rỗng, đồng xu “ảo thuật” và các đồ vật tương tự đã được các đặc vụ ở nhiều nơi gửi về Phòng thí nghiệm FBI. Có hai đồng xu rỗng đã được tìm thấy ở Washington D.C. Cả hai đồng xu này, cũng như các loại tiền xu khác được Phòng thí nghiệm kiểm tra, đều không có lỗ để mở hoặc các đặc điểm giống đồng xu mà cậu bé bán báo đã tìm thấy trước đó.

Trong lĩnh vực tình báo và phản gián, kiên nhẫn còn hơn cả một đức tính tốt. Đó là một sự cần thiết tuyệt đối. Các cuộc điều tra quyết liệt của các nhà khoa học và nhân viên điều tra FBI trong nhiều tháng liền chỉ dẫn đến hết ngõ cụt này đến ngõ cụt khác. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm người đã mang đồng xu rỗng đến New York, cũng như người nhận thông điệp được mã hóa, vẫn tiếp tục.

Lời khai của kẻ đào tẩu

Chìa khóa để giải đáp bí ẩn này là một trung tá 36 tuổi của Cơ quan An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB).

Đầu tháng 5/1957, người này gọi điện thoại tới Đại sứ quán Mỹ tại Paris và sau đó trực tiếp đến đại sứ quán để được thẩm vấn. Điệp viên người Nga này nói với một quan chức đại sứ quán: “Tôi là một sĩ quan trong cơ quan tình báo Liên Xô. Trong 5 năm qua, tôi đã hoạt động tại Mỹ. Bây giờ tôi cần sự giúp đỡ của các ngài”. Điệp viên này tên là Reino Hayhanen. Anh ta nói rằng vừa nhận được lệnh quay về Moscow, nhưng anh ta không muốn và ngỏ ý muốn đổi thông tin để được sang Mỹ.

Hayhanen sinh ngày 14/5/1920 gần Leningrad trong một gia đình có bố mẹ là nông dân. Mặc dù có xuất thân khiêm tốn, nhưng Hayhanen là một học sinh xuất sắc và đã đạt được chứng chỉ tương đương để dạy trung học vào năm 1939. Tháng 9/1939, Hayhanen được nhận vào một trường tiểu học ở làng Lipitzi. Tuy nhiên, hai tháng sau, anh ta được điều về làm việc cho Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD). Vì thông thạo tiếng Phần Lan, Hayhanen được chỉ định làm thông dịch viên cho một nhóm NKVD và được cử đến vùng chiến sự để dịch các tài liệu tịch thu được và thẩm vấn tù nhân trong chiến tranh Phần Lan - Liên Xô.

Sau khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1940, Hayhanen được giao nhiệm vụ kiểm tra lòng trung thành và độ tin cậy của công dân Liên Xô ở Phần Lan, đồng thời phát triển mạng lưới người cung cấp thông tin và nguồn tin trong giới này. Mục tiêu chính của Hayhanen là xác định các phần tử chống Liên Xô trong giới trí thức.

Hayhanen trở thành một chuyên gia tình báo uy tín ở Phần Lan và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 5/1943. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, anh ta được thăng cấp lên đặc vụ cấp cao phụ trách khu vực quận Segozerski của NKGB và đặt ra nhiệm vụ xác định các phần tử bất đồng chính kiến ở địa phương.

Mùa hè năm 1948, Hayhanen được KGB triệu về Moscow. Cơ quan tình báo Liên Xô có một nhiệm vụ mới cho Hayhanen, một nhiệm vụ đòi hỏi anh ta phải cắt đứt quan hệ với gia đình, học tiếng Anh và được đào tạo đặc biệt về chụp ảnh tài liệu, cũng như mã hóa và giải mã tin nhắn. Trong thời gian huấn luyện tại KGB, Hayhanen làm thợ cơ khí tại thành phố Valga, Estonia. Mùa hè năm 1949, anh ta đến Phần Lan với cái tên Eugene Nicolai Maki, một người lao động sinh ra ở Mỹ.

Từ tháng 7/1949 đến tháng 10/1952, Hayhanen ở Phần Lan và tạo dựng danh tính của mình là Eugene Nicolai Maki, một công dân bình thường, chăm chỉ làm ăn – điều mà cấp trên của anh ta mong muốn. Hayhanen đã rất thận trọng nhằm che giấu thân phận thật của mình. Anh ta thận trọng đến mức mà cả vợ của anh ta cũng không biết chồng mình là Eugene Maki. Tất nhiên, đây là một phần trong quá trình chuẩn bị Hayhanen cho một nhiệm vụ gián điệp mới.

Nói về Eugene Nicolai Maki thật, người này sinh ra ở Enaville, bang Idaho vào ngày 30/5/1919 có mẹ là người Mỹ, bố là người Phần Lan đã di cư đến Mỹ vào năm 1905. Vào cuối những năm 1920, ấn tượng sâu sắc bởi thông tin về một nước Nga “mới”, bố mẹ của Eugene Nicolai Maki đã bán hết tài sản và rời trang trại ở Idaho tới New York để lên tàu đến châu Âu.

Hồ sơ mật: Bí mật đồng xu rỗng (Phần 1) - Ảnh 2.

Chân dung của Reino Hayhanen. Ảnh: ydr.com

Sau khi rời Mỹ, gia đình Maki định cư ở Estonia. Theo thời gian, những ký ức về gia đình Maki dần phai nhạt, hầu hết tất cả mọi người đều quên đã từng có một gia đình Maki sống ở khu vực đó. Tuy nhiên, ở Moscow, kế hoạch đã được tiến hành cho một Eugene Nicolai Maki “mới”, một người được truyền đạt kỹ lưỡng các kỹ thuật tình báo của Liên Xô, để tham gia vào hoạt động.

Vào ngày 3/7/1951, Hayhanen, lúc đó đang sống ở Turku, Phần Lan, đến tòa Công sứ Mỹ ở Helsinki. Anh ta xuất trình giấy khai sinh do bang Idaho cấp, chứng thực anh ta sinh ra ở Enaville vào ngày 30/5/1919. Trước sự chứng kiến của Phó lãnh sự, anh ta đã làm một bản khai trong đó giải thích rằng gia đình anh ta đã rời Mỹ vào năm 1928: “Tôi cùng mẹ đến Estonia khi tôi 8 tuổi và sống ở đây cho đến khi mẹ tôi qua đời vào năm 1941. Tôi rời Estonia đến Phần Lan vào tháng 6/1943 và bị kẹt ở đây vì lý do là không có lộ phí để về Mỹ”.

Một năm sau, Hayhanen được cấp hộ chiếu với tên Eugene Nicolai Maki. Với tấm hộ chiếu này, anh ta lên con tàu Queen Mary xuất phát từ Southhampton (Anh) và đến thành phố New York vào ngày 21/10/1952. Vài tuần trước khi lên đường sang Mỹ, Hayhanen được triệu hồi về Moscow và được giới thiệu với một điệp viên Liên Xô tên là “Mikhail”. Người này là cấp trên chỉ huy hoạt động gián điệp ở Mỹ. Để thiết lập liên lạc với “Mikhail”, Hayhanen được hướng dẫn rằng sau khi đến New York, anh đến quán rượu ở Công viên Trung tâm. Tại đây, anh ta sẽ tìm thấy một biển chỉ dẫn gần quán rượu có dòng chữ “Xe ngựa”.

Một quan chức Liên Xô nói với anh ta: “Anh báo cho Mikhail việc anh đã đến bằng cách đặt một chiếc đinh bấm màu đỏ vào biển chỉ dẫn này. Nếu nghi ngờ bị theo dõi, thì hãy đặt một chiếc đinh bấm màu trắng lên bảng”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem