Với các quyết định phát triển điện tái tạo (thuỷ điện, mặt trời, sức gió và sinh khối - rác) đạt tỷ lệ trên 30-39% vào năm 2030 và tiến tới mục tiêu 67-71% vào năm 2050, quy hoạch điện VIII của Chính phủ, cơ hội cho phát triển các dự án điện tái tạo mở ra tương lai cho ngành điện Việt Nam.
Tuy nhiên, với những "vấn đề" của ngành điện hiện nay như các dự án điện tái tạo hoàn thành chậm kế hoạch, không bán được điện với giá ưu đãi (giá FIT), dẫn đến tranh luận giữa EVN, Bộ Công Thương với các nhà đầu tư điện chuyển tiếp ngày càng lớn. Do đó, mục tiêu phát triển một quốc gia mạnh về điện tái tạo vào năm 2030 đến 2050 của Việt Nam ngày càng thách thức.
Theo bản quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% năm 2020 xuống 20,5% năm 2030; tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030. Đây là nguồn ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn năng lượng tái tạo. Điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng tỷ trọng, năm 2020 từ 12,5% lên tới 25,5% vào năm 2030.
Đối với các nguồn điện tái tạo (có thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) sẽ được tăng từ 38,2 GW năm 2020 lên đến 73,78 GW; các nguồn điện gió, mặt trời, sinh khối... sẽ tăng mạnh nhất lên tăng từ 17,4GW năm 2020 lên đến hơn 44,4GW năm 2030.
Điện mặt trời, sức gió, sính khối sẽ tăng tỷ trọng từ 45,5% năm 2020 lên mức 60% năm 2030; trong khi đó tỷ trọng thủy điện chiếm 54,45% năm 2020 sẽ bị giảm xuống chỉ chiếm 40% vào năm 2030.
TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh, các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai có công suất rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố.
Ví dụ, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 giờ sáng - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 giờ - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.
Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất.
"Nhìn vào đó có thể thấy, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng" - ông Sơn đánh giá.
Theo ông Sơn, quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện.
Đặc biệt, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà. Mục tiêu là đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng.
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về việc 85 dự án, nhà máy điện tái tạo (chủ yếu là điện gió, mặt trời) hoàn thành và đang xây dựng dở dang không đàm phán được giá điện với EVN do không kịp thời gian hoàn thành, bán điện giá ưu đãi FIT.
Sự việc ngày càng nóng hơn khi cao điểm nắng nóng 2023, EVN cho biết toàn miền bắc sẽ thiếu điện do nhiều hồ thủy điện trên cả nước đã ở mực nước chết, cạn trơ đáy, trong khi đó giá than, khí tăng cao, EVN lâm vào cảnh lỗ lớn, phải mua chịu than liên tiếp. Tình hình đó, đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải huy động tối đa, hết công suất các nhà máy điện tái tạo đã hoàn thành đấu lưới nhưng chưa vận hành do chưa "chốt" mức giá mua bán với EVN.
Ngày 20/5, Bộ Công Thương cho biết đã phê duyệt mức giá tạm tính cho 15 nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, kỹ thuật để kịp phát lên lưới. Số lượng các nhà máy được phê duyệt vào tuần này có thể tăng lên tổng cộng 21 nhà máy. Như vậy, còn hơn 70 nhà máy, dự án vẫn đang nằm chờ giá, đòi hỏi phải có cơ chế để huy động hết công suất trong lúc thiếu điện năng.
Theo Bộ Công Thương, 15 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp có công suất 1.200 MW, biểu giá tạm tính được áp dụng khung giá bằng 50% so với giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công Thương.
Theo đó, giá mua điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công Thương dao động 1.508-1.816 đồng/kWh, giá tạm tính của các dự án trên khoảng 754-908 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Giá này được áp dụng cho tới khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư đạt được thỏa thuận giá chính thức.
Về đàm phán các dự án điện tái tạo, theo nhiều chuyên gia kinh tế và năng lượng, các dự án điện tái tạo hiện nay cần chờ một cơ chế giá hợp lý giữa hai bên: EVN và các nhà đầu tư điện.
Trong bối cảnh EVN đang thiếu nguồn điện, nhiều nhà máy điện tái tạo đắp chiếu cả năm trời hiện nay, việc huy động điện là rất cần thiết. Theo một nhà đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp "lỡ" cơ hội mua bán giá FIT, về giá mua bán điện, EVN và Bộ Công Thương đang đưa ra các công cụ về thông số đầu vào để tính giá đàm phán, mỗi dự án, chủng loại có đặc thù riêng. Doanh nghiệp mong muốn tính toán của Bộ và EVN đầy đủ để doanh nghiệp cân đối được tài chính.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Viết Ngãi, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Quy hoạch điện VIII là sơ đồ phát triển nguồn điện quốc gia giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2050. Đây là những vấn đề căn cơ về nguồn điện, truyền tải và lưới để làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng bức thiết của kinh tế vừa đáp ứng được mục tiêu lộ trình giảm phát thải về 0% vào năm 2050 như cam kết.
"Còn chuyện giải quyết bài toán giá, nối lưới điện với 85 nhà đầu tư điện chuyển tiếp bị trễ hẹn giá FIT do Covid-19 hoặc các nguyên nhân khác nhau, cơ bản vẫn là ở nhiệm vụ chuyên môn giữa Bộ Công Thương, EVN và các nhà đầu tư điện phải làm sao tổng hòa được lợi ích: EVN cũng không thể mua giá điện FIT như trước năm 2020-2021 được và cũng không thể mua giá quá rẻ hoặc "bỏ" các nhà đầu tư làm đúng quy định", ông Ngãi nhấn mạnh.
Ngày 19/5 tại lễ công bố quy hoạch điện VIII tại Bộ Công Thương, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: Điện là hạ tầng quan trọng cần phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội.
Ông Dũng cho rằng: Quy hoạch điện VIII có tính kế thừa, mang tính động và mở. Tuy nhiên, không hợp thức hóa sai phạm mà sai ở bước nào thì xử lý ở đó!
Thực tế, hiện nhiều dự án điện tái tạo đang vướng vào những sai phạm liên quan đến cấp đất, phê duyệt quy hoạch và đã được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Chính vì vậy, việc huy động làm sao để vừa giải quyết vấn đề thiếu điện, vừa không "hợp thức hóa sai phạm" là yêu cầu cấp thiết.
Theo một chuyên gia về trong ngành điện, về chủ trương huy động nguồn điện tái tạo, các doanh nghiệp (cụ thể là 85 nhà đầu tư điện) đang gặp khó trong cơ chế giá, thông số đầu vào và các căn cứ để đàm phán giữa EVN, Bộ Công Thương với doanh nghiệp dựa trên tinh thần "cạnh tranh cùng thắng chứ không thể bắt ép doanh nghiệp".
Chủ trương của EVN, Bộ Công Thương hiện nay là áp dụng mức giá tạm thời bằng hoặc lớn hơn 50% mức giá trần của khung giá theo quyết định 21, nhưng không được thực hiện hồi tố (EVN chỉ trả mức giá này) và áp dụng ngay cho hợp đồng mua bán điện (PPA). Vị này cho rằng: "Hiếm có nước nào mua năng lượng tái tạo với giá thấp như vậy, hơn nữa lại không được hồi tố, trả tiền thêm. Doanh nghiệp chấp nhận mức giá tạm tính thấp để huy động nguồn điện, tránh lãng phí vừa vớt vát lại phần nào để tránh lãi vay trả cao".
Theo vị này, nếu áp dụng mức giá tạm tính quá lâu, các phương án tài chính của nhà đầu tư "vỡ hết", rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần một chính sách để tránh làm nản lòng nhà đầu tư bởi nếu không trung và dài hạn rất khó có được niềm tin cho doanh nghiệp.
"Hiện suất đầu tư điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời giai đoạn đầu sẽ cao, sau đó giảm dần. Trong khi điện gió sẽ vẫn ở mức giá tương đối. Chính vì thế, giá mua và bán điện cần có cơ chế khuyến khích của Nhà nước nhằm bảo đảm tư nhân tham gia nhiều hơn vào phát điện, từ đó xây dựng thị trường điện tự do, cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền ngành điện", vị chuyên gia ngành điện cho hay.
Vị chuyên gia này nhận định, lịch sự của ngành điện có vai trò rất lớn của EVN khi vừa là nhà đầu tư nguồn điện (thuỷ điện, nhiệt điện), song để có ngành điện bước sang cơ chế thị trường cạnh tranh, cần tách biệt vai trò truyền tải điện và phát điện của EVN. Tỷ lệ dự án nhiệt điện, thủy điện của EVN trong cơ cấu điện năng năm 2030 đến 2050 được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi nếu EVN còn giữ % lớn, quyết định đến thị trường, cơ chế cạnh tranh sẽ bị giảm đi. Thay vào đó, cần cân bằng tỷ lệ đóng góp các nguồn điện khác, của nhà đầu tư khác. Sẽ không có một thị trường điện cạnh tranh, tự do nếu EVN vẫn độc quyền phát điện và truyền tải điện.