Trên thị trường có rất nhiều loài cá, khác nhau về cả hương vị lẫn giá thành. Tuy nhiên những loài cá có phần dân dã, quen thuộc như cá chép, cá quả, cá chạch vẫn luôn được giới chuyên gia khuyên dùng vì chúng có dược tính, thậm chí còn được xếp vào danh sách thuốc bổ thượng phẩm.
Các chuyên gia thường khuyên chúng ta nên bổ sung 3 bữa cá/tuần vào thực đơn ăn uống của gia đình. Bởi thịt cá lành mạnh hơn thịt đỏ rất nhiều. Chất béo có trong cá khác với thịt, thành phần axit béo chủ yếu là axit béo không no, đặc biệt cá biển sâu rất giàu DHA và EPA, có lợi cho việc hạ cholesterol trong máu và ngăn ngừa các bệnh tim mạch, mạch máu não.
Cá chép là loài cá được viết trong cuốn “Thần nông bản thảo kinh” của Trung Quốc xếp vào danh sách thuốc bổ thượng phẩm vì chứa nhiều công dụng tuyệt vời.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền, Hội Đông y Hà Nội): Cá chép vị ngọt, tính bình, vừa có thể bổ âm, vừa có thể bổ dương. Đây có thể coi là một loài cá - loại dược liệu dùng để điều trị các chứng huyền tích, khí khối, phục lương, tất cả những cách gọi này đều bao hàm trong đó ý là khối u.
Ngoài ra, cá chép còn là loài cá có tác dụng điều trị nhất định đối với những người đàm nhiều ứ tắc, ho suyễn khó thở, thai động bất an, thiếu sữa sau khi sinh...
Đặc biệt, cá chép có tác dụng hỗ trợ người mắc bệnh ung thư trong việc cải thiện triệu chứng buồn nôn; hay triệu chứng vàng da; điều trị cổ trướng...
So với nhiều loài cá trên thị trường thì cá chép vô cùng dễ tìm mua, bởi hầu khắp các chợ ở Việt Nam chợ nào cũng bán loài cá này, thậm chí còn có giá rất rẻ.
Hơn nữa cá chép còn có thể chế biến được thành nhiều món ngon, dễ làm.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, cá quả là loài cá có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, gân xương, trừ đàm, chữa phụ nữ ít sữa, bồi bổ cho người mới khỏi bệnh vì dễ hấp thu.
Theo ẩm thực dưỡng sinh, cá quả cho tác dụng cao nhất vào mùa hạ để trừ thấp nhiệt do mùa này sinh ra. Cuốn “Thần nông bản thảo kinh” của Trung Quốc cũng xếp loài cá quả thuộc vào hàng thượng phẩm.
Cá quả có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh trong Đông y, theo một số cách sau:
- Đau khớp, phong thấp, phù nề, lở ngứa, trẻ em ăn kém chậm tiêu, trĩ; bổ gân xương tạng phủ: Dùng cá quả ăn hàng ngày, mỗi ngày 100-200g dùng để kho, nấu, hầm, rán… và ăn nóng với cơm.
- Thanh nhiệt, điều trị nóng trong: 1 con cá quả, 50g đậu đỏ, 30g bí đao. Sau khi cho bí đao vào bụng cá và nấu với đậu đỏ 30 phút, lấy ra và dùng ngày 2 lần sau đó ăn cả cái lẫn nước.
- Chữa tiểu dắt: Dùng cá quả khoảng 1 con, 150g giá đậu xanh, 100g cà chua, 70g me và gia vị vừa đủ. Lọc thịt cá quả mỏng và dùng để ướp gia vị, phần đầu và xương dùng để luộc lấy nước bỏ bã sau đó nấu chung với hỗn hợp trên, lá me giã nhuyễn và cho vào canh, thêm gia vị và dùng từ 2 lần trong 1 đến 2 tuần.
So với cá chép thì cá quả có giá đắt hơn một chút nhưng cũng được coi là một trong những loài cá dân dã, quen mặt, dễ tìm mua trong các chợ ở Việt Nam.
Sách "Bản thảo cương mục" của thầy thuốc Lý Thời Trân có ghi chép rằng: Cá chạch là loài cá có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt. Đặc biệt, cuốn sách quý còn ghi lại cá chạch là loài cá bổ ngang nhân sâm dưới nước, bởi vậy mới có câu nói "trên trời có bồ câu, dưới nước có chạch".
Loài cá chạch chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin, niacin, sắt, phốt pho, canxi... Đặc biệt, tỉ lệ canxi trong chạch còn cao gấp 6 lần cá chép, hàm lượng vitamin B1 cao gấp 3-4 lần cá diếc.
Cá chạch rất thích hợp cho phụ nữ, người có thể trạng yếu, đổ mồ hôi đêm, người bị viêm gan cấp tính, người bị liệt dương, trĩ, lở ngứa ngoài da. Cách dùng chủ yếu để chữa bệnh và bồi bổ cơ thể là dưới dạng món ăn - bài thuốc.
Loài cá chạch rất giàu protein và nguyên tố vi lượng sắt, rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu. Đặc biệt phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt ăn chạch rất tốt vì được bổ sung máu.
Chạch còn có một tác dụng kỳ diệu là giúp tỉnh táo, giảm tác hại của rượu đối với gan, những người hay uống rượu nên ăn nhiều chạch.
Cá chạch có tác dụng rõ rệt đối với việc giảm vàng da, đặc biệt là trong bệnh viêm gan cấp tính. Nó cũng có tác dụng đáng kể trong việc phục hồi chức năng gan.
Một số lưu ý khi ăn cá chạch:
Cá chạch nếu nấu chung với giấm, hay mơ khô dễ gây độc ngộ độc do độc tố gây ra. Nếu ăn chung với gan còn có thể bị gây ra bệnh phong.
Cá chạch là loài cá dinh dưỡng và có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, để cá khi chế biến không còn nhớt và bị tanh bạn chỉ cần sử dụng các nguyên liệu đơn giản có sẵn trong căn bếp nhà mình như: Giấm, tro bếp, nước nóng, lá tre, lá chuối,... chỉ cần dùng chúng rửa sơ hoặc chà trực tiếp lên cá thì sẽ làm sạch được nhớt có trên cá.