Dân Việt

"Một số cán bộ, công chức trung ương, địa phương né tránh, đùn đẩy gây ách tắc công việc!"

An Linh 22/05/2023 13:21 GMT+7
"Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Có cán bộ, công chức trung ương, địa phương né tránh, đùn đẩy công việc

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Vũ Hồng Thanh khẳng định: Có cán bộ, công chức trung ương, địa phương né tránh, đùn đẩy công việc.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, của Quốc hội hôm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.

"Một số cán bộ, công chức trung ương, địa phương né tránh, đùn đẩy gây ách tắc công việc!" - Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Thanh cũng nhấn mạnh hàng loạt tồn tại, hạn chế của nền kinh tế đã và đang gặp phải, trong đó: "Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản, vốn đầu tư công chậm giải ngân, ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại có tổng phương tiện thanh toán thấp; lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý thể hiện sự bất cập trong chỉ đạo điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh khẳng định, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tình hình vĩ mô Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả kéo giảm lãi suất cho vay cho người dân, doanh nghiệp. 

Theo Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, khó khăn đã bộc lộ từ quý IV năm 2022 sang năm 2023, đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá kỹ hơn, trong đó tăng trưởng GDP quý I/2023 3,32% là mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.

Ông Thanh cho biết, hiện một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Các động lực chính của tăng trưởng đều giảm và đang trên đà suy yếu như xuất khẩu 4 tháng giảm 13%, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm lần lượt là 17,9% và 1,2%, sản xuất công nghiệp giảm 1,8%.

"Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả, tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương… chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt", Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Liên quan đến tái cơ cấu hệ thống tín dụng, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cho biết, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các TCTD yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.

"Một số cán bộ, công chức trung ương, địa phương né tránh, đùn đẩy gây ách tắc công việc!" - Ảnh 2.

Phiên khai mạc toàn thể kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: Quochoi.vn).

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công tuy cải thiện nhưng ước tỷ lệ giải ngân 4 tháng mới đạt 14,66% kế hoạch, tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023. Chính phủ cũng chưa trình UBTVQH, Quốc hội về việc phân bổ số kinh phí chưa phân bổ của NSTW theo Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ NSTW năm 2023.

Đặc biệt, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm) và tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so với đầu năm, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Theo Uỷ ban Kinh tế, thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

"Trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn, nhất là quý III dự kiến có khoảng 104.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới", Uỷ ban Kinh tế cho biết.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là những bất cập trong việc nhân viên ngân hàng tư vấn đầu tư TPDN, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người gửi tiền chuyển sang mua TPDN, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn. 

Giá điện tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống người dân

Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, việc tăng giá điện gần đây cũng gây khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp trong khi cơ cấu giá mua - bán điện bất hợp lý là vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết.

Ngoài các nguyên nhân cố hữu, khách quan, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh việc kinh tế khó khăn thời gian qua do một số yếu tố, trong đó công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số Bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, quyết liệt, có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao; hiệu quả chính sách có độ trễ. 

"Một số cán bộ, công chức trung ương, địa phương né tránh, đùn đẩy gây ách tắc công việc!" - Ảnh 3.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khoá XV (Ảnh; Quochoi.vn).

"Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm. "Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về giải pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

"Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đặc biệt, Uỷ ban Kinh tế yêu cầu tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới; xử lý những bất cập trong việc tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân.