Vì sao Chính phủ không đồng ý bỏ trần giá vé máy bay?

An Linh Thứ bảy, ngày 20/05/2023 11:00 AM (GMT+7)
"Với mặt bằng thu nhập bình quân của người Việt hiện nay, giá vé tăng cao sẽ làm giảm mức độ tiếp cận dịch vụ hàng không của người dân…."
Bình luận 0

Chính phủ không đồng ý bỏ trần giá vé máy bay

Nội dung được Chính phủ đưa ra trong báo cáo giải trình sửa đổi Luật Giá gửi Quốc hội mới đây. Trước đó, Cục Hàng không, nhiều doanh nghiệp hàng không và chuyên gia hàng không đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho bỏ trần giá vé máy bay do quy định này đã và đang được áp dụng 8 năm qua, trong khi đó nhiều loại chi phí đã tăng cao.

Vì sao Chính phủ không đồng ý bỏ trần giá vé máy bay? - Ảnh 1.

Chính phủ không đồng ý bỏ trần đối với giá vé máy bay (Ảnh minh hoạ)

Đáng nói, đầu tháng 4/2023, tại phiên họp góp ý dự án Luật Giá (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc còn kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay. Ông này lập luận: Giá vé 0 đồng đến 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao.

Ông Phớc cho rằng như vậy các hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.

Báo cáo giải trình gửi Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh, khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ bỏ giá trần vé máy bay.

Theo Chính phủ, việc bỏ trần giá vé máy bay nội địa lúc này sẽ khiến Nhà nước không còn công cụ điều tiết và giảm khả năng tiếp cận giá vé hợp lý của người dân.

Về luật, Chính phủ cho biết hiện Luật Hàng không dân dụng và dự thảo Luật Giá hoàn chỉnh cơ chế định giá vé máy bay tới đây được chuyển từ khung giá sang giá tối thiểu, tức bỏ quy định giá sàn. Việc này nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ.

Theo Chính phủ, dịch vụ hàng không nội địa là dịch vụ thiết yếu, tác động tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh. 

"Nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ đưa ra giá vé rất cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh sẽ hạn chế vé trong giai đoạn cao điểm. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội", Chính phủ nêu.

"Với mặt bằng thu nhập bình quân của người Việt hiện nay, giá vé tăng cao sẽ làm giảm mức độ tiếp cận dịch vụ hàng không của người dân. Do đó, khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ bỏ giá trần vé máy bay", theo báo cáo Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem