Nguyễn Văn Bình (36 tuổi) sống tại Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) cho biết anh từng là nhân viên bán ô tô được hơn 10 năm. Tuy vậy, thời gian vừa rồi, anh quyết tâm nghỉ việc vì công việc thu nhập thấp, lại áp lực.
“Thu nhập của tôi có tháng còn không được 3 triệu đồng. Doanh số không có, nên tiền lương còn bị trừ. Tính ra lương 5-6 triệu đồng, trừ tiền xăng xe, tiền doanh số không đạt… thì chẳng còn bao nhiêu”, Bình kể.
Anh Bình chia sẻ thêm, trước đây công việc bán xe ô tô khá là hot, thu nhập tốt. Ngoài tiền lương người bán xe ô tô còn có màu mè thêm. “Trước đây xe ô tô khá hiếm, để mua 1 chiếc xe, khách hàng phải đặt cọc từ sớm. Bán xe ngoài tiền lương, chúng tôi còn có hoa hồng, đi giao xe cho khách tỉnh thậm chí còn được nhận thêm quà”, anh Bình chia sẻ thêm.
Thất nghiệp được 1 tháng thì anh Bình đăng ký chạy Grab. Công việc vất vả, có lúc chạy xe giữa thời tiết nắng nóng đổ lửa nhưng tự do, hơn cả là có thu nhập. “Thời buổi khó khăn, công việc ít, thu nhập cao hiếm lắm. Vì vậy tôi đăng ký chạy grab tuy có vất vả, nhưng mỗi tháng cũng kiếm được 8-9 triệu đồng. Có thu nhập còn lo cho vợ con”, anh Bình nói.
Những năm gần đây, lượng xe ô tô nhập kết hợp với ô tô lắp ráp trong nước khá dồi dào, nguồn cung tăng, cộng với dịch bệnh Covid-19 khiến cho nguồn cầu giảm xuống cũng khiến cho nghề bán xe ô tô “rớt đáy”.
Bởi vậy, xu hướng cạnh tranh giữa các hãng xe và giữa cánh sale xe khá khắc nghiệt. Nhiều nhân viên bán ô tô mới vào nghề chấp nhận bỏ tiền túi ra chạy quảng cáo tìm khách hàng, nhiều người khác chấp nhận mất hoa hồng để giữ khách, chiều khách.
Tương tự, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có thâm niên 8 năm trong nghề bán xe hơi. Do công việc khó khăn nên vợ anh Nam bỏ nghề học ngành làm đẹp, còn anh dù vừa bán xe cho hãng vừa buôn bán xe cũ nhưng cũng không đủ ăn.
“Xe mới khó bán, lâu lâu bán được cái thì không có hoa hồng, hoặc hoa hồng có cũng như không. Làm xe cũ thì mình không có vốn, chung nhau ôm 1-2 con bán qua tay kiếm một vài chục còn được, ế, hàng om lâu thì chết đói, có khi âm cả vốn”. anh Nam nói.
Cũng bởi lẽ đó dù có thâm niên trong làng bán xe ô tô nhưng vợ chồng anh Nam mới đây cũng bỏ nghề và tìm kiếm cơ hội mới, cả nhà đã sang Úc định cư làm việc.
Cũng như nghề sale xe ô tô, nghề sale bất động sản cũng là một trong số nghề chịu tác động mạnh nhất của khủng hoảng kinh tế và dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Không chỉ là giảm thu sâu thu nhập, cánh bán bất động sản còn “nằm im” không có thu nhập. Nhiều người không trụ được còn nghỉ việc.
Chị Nguyễn Thị Trang (Bãi Cháy, Quảng Ninh) từng là dân sale kiếm tiền trăm mỗi tháng, vậy mà giờ cũng “gác súng” chờ thời cơ. Chị Trang kể: “Cách đây 5 năm tôi bước chân vào nghề sale bất động sản. Thời điểm đó đất còn khá sốt. Tôi đầu tư mua mảnh đất với giá hơn 1,5 tỷ, chỉ chưa đầy nửa năm, mảnh đất đã tăng lên hơn 3 tỷ đồng”.
Ngoài buôn đất, chị còn đăng ký làm nhân viên sale cho công ty bất động sản. Năm kiếm được 2-3 vụ, mỗi vụ hợp đồng chục hơn chục tỷ là chị cũng kiếm được tiền tỷ bỏ túi rồi. Thế nhưng, kinh tế càng ngày càng khó khăn, cũng như những nhân viên khác, hơn 1 năm nay, chị chưa môi giới được một giao dịch bất động sản nào.
“Tôi nghĩ nghề nào cũng có lúc lên lúc xuống. Quan trọng nhất là mình phải kiên trì. Cũng may là trước đây tôi đã tích lũy được một khoản nho nhỏ, giờ lấy vốn đó mở tiệm cafe. Đợi bớt khó khăn tôi sẽ quay lại với công việc này, vì tôi thấy làm sale bất động sản vẫn nhiều tiềm năng, cơ hội và tôi thích công việc này”, chị Trang cho sẻ.
Không may mắn như chị Trang, từng kiếm được khoản tiền tích kiệm kha khá từ nghề, nhiều dân sale bất động sản vừa vào nghề đã phải rút lui. Nguyễn Thị Hiền (25 tuổi) vừa vào nghề chưa được bao lâu thì đã đầu hàng. Hiền chia sẻ: “Trước đây em từng bán bảo hiểm nhân thọ, rồi chuyển qua làm môi giới bất động sản. Em thích công việc này, tuy nhiên làm gần 1 năm mà vẫn chưa bán được vụ nào. Lương cơ bản chỉ 3 triệu đồng, thấp quá nên em đang tính nghỉ việc tìm công việc khác phù hợp hơn”.
Đây chỉ là 2 trong nhiều nghề “hot” từng thu hút một lực lượng lớn lao động làm nghề nhưng nay đang gặp khó. Hy vọng thời gian tới kinh tế bớt khó khăn các ngành kinh tế được phục hồi để lao động có công việc đi làm trở lại.