Bỏ việc 200 triệu/tháng, giám đốc ngân hàng khởi nghiệp nghề coaching: “Tôi không hề hối tiếc khi theo đuổi đam mê của mình”

Nhật Hà Thứ ba, ngày 07/03/2023 08:04 AM (GMT+7)
40 tuổi, đang ở đỉnh cao sự nghiệp ở một ngân hàng lớn, thế nhưng chị Quách Hiền vẫn quyết định “rẽ lối” để theo đuổi nghề coaching (khai vấn) nhằm giúp chính mình và những người khác có cuộc sống tốt hơn.
Bình luận 0

Dưới đây là cuộc trò chuyện của PV Dân Việt với chị Quách Hiền (sinh năm 1978, hiện đang làm giám đốc điều hành một công ty coaching tại Hà Nội).

Bỏ việc 200 triệu/tháng, giám đốc ngân hàng khởi nghiệp nghề coaching: “Tôi không hề hối tiếc khi theo đuổi đam mê của mình” - Ảnh 1.

Chân dung chị Quách Hiền. Ảnh: Nhật Hà

Nữ giám đốc Ngân Hàng nghỉ việc vì không còn tìm thấy đam mê

Chào chị, chị có thể chia sẻ một số công việc trước khi chị đến với nghề coaching?

- Trước khi chuyển sang làm coach tôi đã có hơn 16 năm làm ở các công ty đa quốc gia với nhiều ngành nghề khác nhau như: công nghệ thông tin, hàng không.

Từ 2008-2018 tôi làm tại một ngân hàng nước ngoài tại Việt nam  ở nhiều vị trí khác nhau và 4 năm cuối là Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc vùng.

Năm 2016, tôi tham gia khóa học đào tạo kỹ năng coaching với Master coach BJ được tổ chức ở Việt Nam. Thời điểm đó, coaching là một khái niệm mới mẻ, chưa được coi là một nghề chuyên nghiệp ở Việt nam và lúc đó tôi cũng chỉ đơn thuần nghĩ coaching là một kỹ năng giúp mình trở thành nhà quản lý hiệu quả hơn chứ không nghĩ là nó sẽ trở thành sự nghiệp mới của mình.

Khi khóa học kết thúc, tôi cảm thấy đây chính là một mảnh ghép quan trọng đối với mình, tiếp nối hành trình từ 2009 tôi đã tự hỏi và đi tìm câu trả lời cho mình "Mình là ai? Ý nghĩa cuộc đời mình là gì?". Từ những câu hỏi lớn này, tôi đã đi tìm những chương trình phát triển bản thân, các khóa đào tạo trên thế giới, tu tập để có thể quay về bên trong để tìm hiểu chính mình và làm chủ thế giới nội tâm của mình.

Trải qua một hành trình dài như vậy và với những trải nghiệm của bản thân, coaching đã giúp tôi hoàn thiện bức tranh của bản thân và nhìn nhận được đó chính là một công việc mơ ước, vừa được làm việc, có thu nhập vừa giúp đỡ được người khác có cuộc sống tốt hơn, mang lại giá trị cho cộng đồng.

Bỏ việc 200 triệu/tháng, giám đốc ngân hàng khởi nghiệp nghề coaching: “Tôi không hề hối tiếc khi theo đuổi đam mê của mình” - Ảnh 2.

Chị Quách Hiền luôn nở nụ cười trên môi khi tham gia đào tạo học viên. Ảnh: NVCC

Cơ duyên (động lực) nào thôi thúc chị từ bỏ công việc lương cao, vị trí tốt ở một ngân hàng lớn để theo đuổi nghề khai vấn? Hay khi đã từng làm ở ngân hàng, đã tạo dựng đủ các mối quan hệ và có người nâng đỡ nên chị mới có một quyết định có thể nói là "có tính đột phá và táo bạo đến vậy"?

- Năm 2018, khi 40 tuổi, tôi đang là Giám đốc vùng của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với mức thu nhập lên tới gần 200 triệu/tháng. Thời điểm đó, dường như tôi có tất cả những gì mình từng mơ ước, một vị trí với mức lương cao  trong một tổ chức quốc tế nhưng công việc không còn mang lại niềm vui và ý nghĩa nữa, mà ngược lại, từ một workaholic (người nghiện việc) tôi bắt đầu có triệu chứng sợ ngày thứ 2 phải quay lại công việc.

Điều gì cũng có giá của nó, với mức thu nhập như vậy thì đồng nghĩa với thời gian làm việc tới 12 giờ, đôi khi tới 14 giờ/ngày, không còn thời gian để dành cho gia đình, cho bản thân và một ngày tôi chợt nhận ra là lâu lắm rồi mình không thể thực sự cười vui như một đứa trẻ.

Khi tôi quyết định nghỉ, đó là kết quả của một quá trình đi tìm câu trả lời cho bản thân của quá trình tích lũy đủ trải nghiệm, đủ vốn sống, đủ sự yêu thương bản thân để từ bỏ những thứ không còn phù hợp với mình, đủ sự can đảm để có thể đi theo tiếng gọi thôi thúc bên trong mình, giống như câu "đủ nắng thì hoa sẽ nở".

Tôi bắt đầu công việc coaching từ con số 0 vì thời điểm đó coaching là một nghề hoàn toàn mới, thậm chí còn chưa được nhìn nhận là một nghề thế nên không thể trông chờ sự "nâng đỡ" từ ai cả nhưng tôi rất may mắn là có người đồng hành, đó là chị gái tôi, người cùng chia sẻ những giá trị và mục tiêu trong cuộc sống. 

Bỏ việc 200 triệu/tháng, giám đốc ngân hàng khởi nghiệp nghề coaching: “Tôi không hề hối tiếc khi theo đuổi đam mê của mình” - Ảnh 3.

Theo chị Quách Hiền, coaching (nghề khai vấn) là nghề buộc các coach (huấn luyện viên) phải học tập suốt đời. Ảnh: Nhật Hà

Trước lúc nghỉ chị có suy nghĩ trăn trở? Vì sao?

 - Lúc đấy tôi trong đầu tôi có 2 câu hỏi lớn; Thứ nhất, nếu mình nghỉ thì mình sẽ mất những gì? Đó là tài chính, vị trí, sự ngưỡng mộ của nhân viên, bạn bè ... và với tôi đó là những thứ hữu hạn.  

Câu hỏi thứ 2, nếu tôi không nghỉ thì tôi sẽ mất những gì? Đó là sức khỏe, là thời gian, là niềm vui, là ý nghĩa cuộc sống, và với tôi, đó là những thứ vô hạn, không đo đếm được.

Trả lời được hai câu hỏi này, tôi dần vượt qua được những nỗi sợ hãi bên trong,  có được sự can đảm để dừng lại và rẽ một lối mới trong cuộc sống của mình.

Nữ giám đốc ngân hàng bỏ việc khởi nghiệp tuổi 40 bật khóc khi nhắc tới con 

Thời điểm chị quyết định nghỉ công việc lương cao "nhiều người mơ ước" chị có gặp cản trở nào từ phía gia đình, bạn bè? Lúc như vậy, chị hành động như nào để giữ vững mục tiêu của mình?

-Từ nhỏ đến giờ, tôi luôn là người độc lập và tự đưa ra những quyết định riêng cho cuộc sống của mình, thế nên mọi người biết có cản cũng không cản được.

Bạn bè, đồng nghiệp tất nhiên ai cũng ngạc nhiên trước quyết định của đột ngột này, nhưng có rất nhiều lời khích lệ vì có lẽ họ tin tưởng ở mình.

Với gia đình thì tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ mọi người, vì mọi người cũng cảm nhận sự mệt mỏi, áp lực từ công việc mà mình vẫn luôn gồng  lên để đảm nhận suốt thời gian dài

Và còn một câu chuyện rất xúc động là con gái lớn, thời gian đó con mới học lớp 6 thôi, trên đường mẹ đón đi học về, khi mẹ chia sẻ về những trăn trở của mình và có hỏi con một câu rằng "Nếu mẹ nghỉ việc và sau này không cho con đi du học như dự định được, thì con có buồn không?" – Mẹ ơi, nếu đó là lý do khiến mẹ vất vả và áp lực, thì mẹ hãy nghỉ đi, mẹ cứ làm gì mẹ thấy vui vì mẹ vui là con vui"

Câu trả lời của bạn khiến tôi bật khóc và hiểu ra rằng, điều con cần là thời gian của mẹ, là sự chia sẻ với con mỗi ngày, là cùng con lớn lên chứ không phải sự đền bù bằng vật chất mà bấy lâu nay mình vẫn đang cố mang đến cho con.

Bỏ việc 200 triệu/tháng, giám đốc ngân hàng khởi nghiệp nghề coaching: “Tôi không hề hối tiếc khi theo đuổi đam mê của mình” - Ảnh 4.

Chị Quách Hiền trao đổi với PV Dân Việt về coaching (nghề khai vấn). Ảnh: Nhật Hà

Điều quan trọng nhất trong nghề coaching là gì? Làm sao để trở thành 1 coach (huấn luyện viên) giỏi, thấu hiểu học viên?

 -Tôi nghĩ điều đầu tiên đối với một người coach giỏi, chưa nói tới năng lực chuyên môn  thì đó là người coach phải thực sự yêu nghề, luôn mong muốn coachee (khách hàng) của mình có sự chuyển hóa tích cực, có những bước tiến trong cuộc sống hay công việccủa họ, tối ưu hoá được năng lực, tiềm năng của họ. Và đôi khi người coach còn trăn trở hơn cả coachee trong việc tạo ra kết quả cho họ

Ví dụ người  coach trong lĩnh vực sức khoẻ thì mong muốn học viên của mình khoẻ mạnh hơn, đẹp hơn, người làm coach trong lĩnh vực lãnh đạo như chúng tôi thì luôn cố gắng làm sao để khách hàng của mình trở thành những nhà quản lý giỏi, hiệu quả, thành công trong công việc và hài lòng, mãn nguyện trong cuộc sống .

Tiếp theo, người coach phải là một người kiên trì, ham học hỏi và sẵn sàng học tập, rèn luyện năng lực suốt đời. Coaching không giống như một nghề đơn giản học một khoá cơ bản ra là có thể làm tốt được ngay mà cần học rất nhiều kiến thức bổ trợ như kiến thức nền tảng về tâm lý, khoa học não bộ ... và phải liên tục rèn luyện kỹ năng coaching của mình thông qua việc thực hành liên tục.

Điều thứ ba, người coach chân chính là người thực sự phải sống như một người coach vì "who you are is how you coach – bạn là người thế nào thì bạn sẽ coach như vậy". Điều đó có nghĩa người coach sẽ phải sống đúng với những giá trị, nguyên tắc của nghề coach đó là chính trực, chuyên nghiệp, nhân văn, công bằng, đồng nghĩa với việc mình phải sửa mình, chuyển hoá mình trước để có thể làm một tấm gương trong cho coachee của mình soi vào.  

Bỏ việc 200 triệu/tháng, giám đốc ngân hàng khởi nghiệp nghề coaching: “Tôi không hề hối tiếc khi theo đuổi đam mê của mình” - Ảnh 5.

5 năm làm nghề khai vấn, chị Quách Hiền không hề hối hận khi quyết định "rẽ lỗi" và khởi nghiệp ở tuổi 40. Ảnh: NVCC

Theo chị, nghề coaching có giống như một bác sĩ điều trị tâm lý cho bệnh nhân hay không? Có phải mỗi người tìm tới chị, họ đều đang có những câu chuyện của riêng họ, và họ đang cần được chữa lành?

- Với bác sĩ điều trị tâm lý, khách hàng của họ là người có bệnh lý về tâm thần, ảnh hưởng đến năng lực nhận thức và hành vi vì vậy họ đến gặp bác sỹ tâm lý để được trị liệu. Còn đối với coaching, coachee- khách hàng là người hoàn toàn khoẻ mạnh về mặt tâm lý, nhận thức và hành vi và họ mong muốn đạt được những kết quả tốt hơn trong công việc, cuộc sống của họ,

Theo định nghĩa của Liên đoàn khai vấn quốc tế, coaching là một quá trình đồng hành với khách hàng để thúc đẩy suy nghĩ và sự sáng tạo, giúp họ tối ưu hoá tiềm năng của họ trong công việc và cuộc sống. Coach có thể can thiệp nếu coachee có những rào cản tâm lý, những nỗi sợ bên trong hoặc giúp họ vượt qua những thời điểm khủng hoảng, nhưng không phải điều trị tâm lý.

Trong quá trình làm nghề, chị có kỷ niệm nào khó quên?

- Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong quá trình làm nghề vì mỗi coachee, mỗi cuộc đời là một câu chuyện và rất nhiều những câu chuyện chuyển hoá mạnh mẽ vô cùng đẹp đẽ với tôi.

Có một bạn nữ đến tìm đến tôi, thời điểm đó em đang là trợ lý cho một chủ tịch tập đoàn khá lớn. Thời điểm em gặp tôi là lúc em cảm thấy mất phương hướng, lạc lối vì em luôn cảm thấy mình đang sống cuộc đời của người khác, làm công việc do cha mẹ sắp đặt, không tìm thấy được ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống và em luôn phải đè nén đam mê từ nhỏ của mình là màu sắc, sáng tạo và thời trang.

Sau một thời gian tìm tới tôi, em đã có sự thay đổi một cách ngoạn mục. Em quyết định nghỉ công việc bố mẹ sắp xếp, để đi học về thiết kế thời trang ở tuổi 30, và em mở một học viện sáng tạo cho trẻ. Mặc dù để theo đuổi đam mê, em cũng khá chật vật khi nhận lại sự phản đối của gia đình, đồng nghiệp, thậm chí có người bảo em dở hơi đi bỏ một công việc ổn định để làm công việc bấp bênh.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy sự lạc quan, hạnh phúc của em, khuôn mặt em toả sáng khác hẳn với con người ủ rũ trước kia.

Và còn rất nhiều những câu chuyện coachee của tôi, khi họ thay đổi tư duy, cách quản lý, quan tâm chân thành tới nhân viên, họ nhận lại được sự hợp tác, gắn kết, chủ động trong công việc từ phía nhân viên và mối quan hệ giữa sếp-nhân viên trở nên tốt hơn bao giờ hết.

Sự chuyển hoá của mỗi cá nhân, mỗi khách hàng sau một hành trình coaching luôn làm tôi ngạc nhiên và đồng thời hạnh phúc.

Nhìn lại chặng đường với những buồn vui đã đi qua, chị có hối tiếc về những điều mình đã lựa chọn?

- Dù thời điểm 5 năm trước, khi quyết định nghỉ việc, tôi chưa có kế hoạch rõ ràng về tương lai và cũng không chắc liệu mình có thành công hay không? Thậm chí, lúc đó tôi nghĩ nếu không thành công sẽ quay lại làm thuê. Nhưng khi nhìn lại chặng đường với những vui buồn đã đi qua, tôi không hề hối tiếc về những điều mình đã lựa chọn. 5 năm qua tôi đã đào tạo, coaching cho khoảng 700-800 học viên, đó là kết quả, nói lên được sự nỗ lực và tâm huyết của tôi. Và điều tôi tự hào nhất đó là tạo được sự tin yêu và giá trị cho mỗi học viên khi họ tìm tới tôi.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem