Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, một giải pháp thiết thực để giảm nghèo ở Lai Châu

Tuấn Hùng Thứ hai, ngày 08/05/2023 13:36 PM (GMT+7)
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn luôn được tỉnh Lai Châu quan tâm thực hiện, nhờ đó từng bước nâng cao chất lượng và tỷ lệ lao động, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Bình luận 0

Clip: Đào nghề cho lao động nông thôn, một giải pháp thiết thực để giảm nghèo ở Lai Châu.

Đào tạo nghề giải quyết việc làm cho nông dân

Chia sẻ với Dân Việt điện tử, ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Lai Châu cho biết: Xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành địa phương, chúng tôi đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội, giúp học viên có nhiều cơ hội việc làm.

Tới thăm lớp đào tạo chăm sóc trâu, bò ngựa ở bản Sùn Chô, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, chúng tôi rất ấn tượng bởi giải pháp mà địa phương lựa chọn để dạy nghề cho lao động. Quá trình giảng dạy, các giảng viên ưu tiên triển khai phương pháp cầm tay chỉ việc, nhờ đó hiệu quả mang lại rất rõ nét.

Lớp đào tạo gồm 30 học viên của bản Sùng Chô, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu. Với lớp này, các học viên chủ yếu học lý thuyết vào buổi tối và học thực hành ban ngày.

Đào nghề cho lao động nông thôn, một giải pháp thiết thực để giảm nghèo ở Lai Châu - Ảnh 2.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, triển khai nhiều giải pháp thực hiện, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lý A Sanh hồ hởi nói: Tham gia lớp đào tạo, chúng tôi được học cách ủ, phối trộn thức ăn, cách nhận biết các bệnh thường gặp và cách tiêm phòng bệnh cho trâu, bò ngựa.

Cách giải dạy của giảng viên rất gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hành, tôi rất vui bởi sau lớp đào tạo, tôi và bà con nắm được kiến thức và kĩ thuật cơ bản để chăm sóc cho trâu, bò ngựa nhờ đó, đàn gia súc của gia đình luôn béo tốt và khỏe mạnh.

Qua tìm hiểu, được biết, thời gian qua, thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản của tỉnh Lai Châu.

Trong năm 2022, UBND thành phố Lai Châu đã chỉ đạo phòng LĐTB &XH phối hợp với các xã, phường tuyên truyền, vận động, chiêu sinh, nắm bắt nhu cầu thị trường, tư vấn đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động; lựa chọn đơn vị đào tạo phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố theo hướng chuyển đổi từ đào tạo nghề nông nghiệp sang đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: pha chế đồ uống, thêu dệt thổ cẩm, kinh doanh thương mại và các lớp kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm… đáp ứng phù hợp cho nguồn cung lao động thị trường.

Đào nghề cho lao động nông thôn, một giải pháp thiết thực để giảm nghèo ở Lai Châu - Ảnh 3.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước nâng cao chất lượng và tỷ lệ lao động, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động. Ảnh Tuấn Hùng

Sau học nghề, các học viên đã được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề để trực tiếp tham gia lao động mạnh dạn vay vốn mở rộng mô hình hiện có của gia đình, một số tham gia vào nhóm hộ trồng rau tại bản Tả Sin Chải, phường Đông Phong, chăn nuôi trâu, ngựa, thêu dệt thổ cẩm tại xã Sùng Phài. Mô hình trồng nấm ở phường Đoàn Kết, Quyết Thắng; phát triển dịch vụ thương mại gắn với dịch vụ du lịch tại xã San Thàng…

Học viên được cấp chứng chỉ nghề tạo điều kiện để lao động sau học nghề được giới thiệu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Năm 2022, thành phố Lai Châu đã mở được 12 lớp đào tạo cho 350 lao động. Trong đó, đào tạo theo quyết định 1956 là 8 lớp với 235 lao động; đào tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 4 lớp với 115 lao động.

Đào nghề cho lao động nông thôn, một giải pháp thiết thực để giảm nghèo ở Lai Châu - Ảnh 4.

Nhiều học sinh sau các lớp đào tạo nghề đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Ảnh Tuấn Hùng

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết: Công tác đào tạo nghề thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, không chỉ giải quyết việc làm cho bà con, qua đó còn giúp nhiều hộ gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đẩy nhanh mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Trong năm 2023, chúng tôi phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,84% (cuối năm 2022) xuống còn 1,68% vào cuối năm 2023. Phấn đấu không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Nhiều giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Qua câu chuyện với ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Lai Châu, được biết hàng năm, Sở LĐTB&XH và các địa phương trong tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố chú trọng đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Đào nghề cho lao động nông thôn, một giải pháp thiết thực để giảm nghèo ở Lai Châu - Ảnh 5.

Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Ảnh Tuấn Hùng

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhờ vậy, năm 2022, toàn tỉnh Lai Châu mở được 281 lớp, với trên 8.500 học viên, ngành nghề đào tạo chủ yếu về sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, gò hàn nông thôn, điện dân dụng; vận hành máy thi công nền; xây dựng dân dụng; kỹ thuật cắt may; trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây dược liệu…

Trong đó, nghề nông nghiệp chiếm 76,21%, nghề phi nông nghiệp 23,79%. Các lớp đào tạo chủ yếu theo hình thức tập trung đối với trình độ sơ cấp, trung cấp và đào tạo lưu động tại các xã, bản, phường, thị trấn.

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Nùng Văn Nim cho biết: Từ những kết đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động.

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đào nghề cho lao động nông thôn, một giải pháp thiết thực để giảm nghèo ở Lai Châu - Ảnh 6.

Sau các lớp đào tạo nghề, nhiều nông dân đã tiếp thu được kiến thức cơ bản, tự tin xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và tham gia lao động tại các thị trường lao động trong và ngoài tỉnh Lai Châu. Ảnh Tuấn Hùng

Trong đó, chúng tôi ưu tiên tập trung đào tạo cho lao động tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các xã đạt chuẩn và chuẩn bị đạt chuẩn nông thôn mới.

Song song với đó, chúng tôi tiếp tục cập nhật, tham mưu UBND tỉnh Lai Châu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chính sách, pháp luật trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách giải quyết việc làm.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để người lao động có được việc làm sau đào tạo, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem