Dân Việt

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền tạo cơ chế

Nha Mẫn 23/05/2023 10:53 GMT+7
Đa phần người dân ven hồ Trị An (Đồng Nai) đều mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện, có cơ chế mở cho người dân được hoạt động, kinh doanh du lịch.

Người dân mong được chính quyền cho làm du lịch ven hồ Trị An

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Dân Việt, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, nhiều cơ sở du lịch tự phát ven hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã bị tháo dỡ, ngưng hoạt động. 

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền cho làm du lịch - Ảnh 1.

Nhiều người dân mong được làm du lịch glamping ven hồ Trị An. Ảnh: Nha Mẫn

Qua quan sát, phóng viên nhận thấy đa phần những điểm du lịch từng nhộn nhịp, rất đẹp giờ trở nên hoang tàn hơn xưa, đời sống người dân cũng vì thế bị ảnh hưởng khá nhiều. Những lều trại, những thảm cỏ xanh mướt trước đây từng là điểm đến hút khách du lịch nhưng nay trở nên xơ xác, những lều trại, sàn bị tháo dỡ nhếch nhác khiến cho khu vực ven hồ nhiều đoạn xơ xác. 

Đặc biệt, nhiều người dân địa phương đang bán được nông sản giá cao, có công việc với thu nhập ổn định nhưng nay du lịch bị dừng hoạt động thì bỗng dưng mất thu nhập, cuộc sống cũng vì thế khó khăn hơn.

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền cho làm du lịch - Ảnh 2.

Những bãi cỏ ven hồ giờ thành nơi chăn thả bò. Ảnh: Nha Mẫn

Trước thực trạng này, qua chia sẻ với phóng viên, nhiều hộ dân từng kinh doanh du lịch mong muốn ngành chức năng, địa phương sớm có cơ chế mở, hướng dẫn người dân được làm du lịch dưới tán rừng, tán xoài. Mục đích là để quảng bá vẻ đẹp của vùng đất Mã Đà ven hồ Trị An cũng như tạo công việc làm, cải thiện thu nhập cho một số lao động tại địa phương.

Bởi trên thực tế hiện nay, sau khi các khu du lịch tự phát ven hồ Trị An bị dừng hoạt động, vẫn có rất nhiều người dân từ TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương… tìm đến hồ Trị An để vui chơi, ngắm cảnh và cắm trại qua đêm ở vùng bãi bồi bán ngập lòng hồ. Điều này càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong việc quản lý hồ đập và bảo vệ rừng.

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền cho làm du lịch - Ảnh 3.

Tháo dỡ lều trại du lịch khiến bãi đất trở nên nhếch nhác. Ảnh: Nha Mẫn

Anh Nguyễn Thế Lâm, chủ cơ sở du lịch Emma Glamping, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai (cơ sở đã bị tháo dỡ), chia sẻ: “Bây giờ bà con trồng xoài, có khi thất mùa 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg nhưng khi có khách du lịch lại bán được 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg, đó là cái lợi của du lịch. Đặc biệt, nhiều cô chú đi bán hàng rong, bán vé số, làm nương rẫy vất vả cũng có công việc ổn định tại các khu du lịch với mức thu nhập cao. Do đó, chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng có hướng dẫn, cơ chế để chúng tôi có thể hoạt động du lịch một cách bài bản, hiệu quả”.

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền cho làm du lịch - Ảnh 4.

Giá xoài khi không làm du lịch chỉ còn 3.000 đồng - 4.000 đồng/kg. Ảnh: Nha Mẫn

Tương tự, chị Nông Thị Thắm, chủ cơ sở Nắng Glamping xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cũng nói rằng khi làm du lịch người dân về hồ Trị An chơi sẽ được an toàn hơn. 

Bởi nếu người dân vui chơi tại khu vực không ai quản lý sẽ xả rác, bơi lội không áo phao dễ đuối nước... nên chỉ có làm du lịch đàng hoàng mới giảm thiểu được các rủi ro. Vì vậy, chị Thắm cũng như nhiều người khác đều mong sớm được hoạt động du lịch trở lại để đời sống người dân được nâng cao, khách du lịch cũng có chỗ để vui chơi.

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền cho làm du lịch - Ảnh 5.

Sàn trại du lịch bị phá dỡ. Ảnh: Nha Mẫn

Tương tự, anh Phạm Hoài Thanh, chủ cơ sở du lịch Suri Camping, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai nói rằng từ khi làm du lịch, cuộc sống của anh và nhiều hộ dân ở khu vực đều khấm khá hơn. 

Tất cả mọi người đều đã bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư làm du lịch nhưng đến nay, nhiều hạng mục như lều trại, nhà vệ sinh… đều bị phá bỏ, thiệt hại rất lớn.

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền cho làm du lịch - Ảnh 6.

Cơ sở du lịch của anh Thanh giờ bỏ hoang. Ảnh: Nha Mẫn

Theo anh Thanh, từ khi anh kết hợp làm vườn và du lịch, kinh tế tăng từ 7-10 lần so với trước. Khi bị dừng hoạt động du lịch, anh Thanh bị thất thu rất nhiều, giá trái cây cũng không còn cao như khi làm du lịch, hiện giá xoài bán cho thương lái chỉ 3.000 đồng - 4.0000 đồng/kg.

“Đa phần ai làm du lịch cũng tuân thủ quy định, đảm bảo an toàn cho du khách và dọn vệ sinh sạch sẽ ven hồ. Nên giờ cũng chỉ mong địa phương có phương án cho người dân làm du lịch trở lại vì làm nông vất vả, thu nhập lại thấp. Làm du lịch bản thân tôi cũng sướng hơn mà bà con cũng có việc làm ổn định hơn”, anh Thanh nhấn mạnh.

Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Người dân mong sớm được chính quyền cho làm du lịch - Ảnh 8.

Người dân đầu tư vào số tiền lớn làm du lịch, sau khi tháo dỡ thiệt hại nặng. Ảnh: Nha Mẫn

Được biết, liên quan đến phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện nay UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và địa phương xây dựng các quy định về cấp phép kinh doanh du lịch, việc sử dụng đất, quản lý xây dựng, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự…

Ngày 24/5 lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu sẽ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân làm du lịch

Theo kế hoạch, vào sáng mai 24/5, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch ven hồ Trị An.

Tại hội nghị này, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu và Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu sẽ trực tiếp đối thoại với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị về thực hiện chính sách, pháp luật kinh doanh du lịch; giải đáp các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước đối với kinh doanh du lịch. Buổi đối thoại nhằm phổ biến rộng rãi những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Hội nghị cũng nhằm mục đích để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân bày tỏ những nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, tăng thu nhập cho người dân địa phương.