Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó kim ngạch xuất khấu nhóm đồ gỗ chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ.
So với 4 tháng đầu năm năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường chính đều giảm mạnh: Mỹ đạt 2,02 tỷ USD giảm 39,5%; Nhật Bản 556,2 triệu USD giảm 1,5%; Hàn Quốc đạt 273,5 triệu USD giảm 22,2%; Trung Quốc đạt 481,2 triệu USD giảm 12,8%; Anh đạt 60,33 triệu USD giảm 38%; Úc đạt 35,7 triệu USD giảm 39,7%,…
Tương tự đối với thị trường EU đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặt dù hiện đang là mùa hàng của EU.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ giảm là do lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao, sức cầu yếu, hầu hết mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu tới thị trường Mỹ đều ghi nhận mức giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, đạt 1,2 tỷ USD, giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 97,7 triệu USD, giảm 53,8%; cửa gỗ đạt 4,1 triệu USD, giảm 42,9%...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, với trị giá xuất khẩu chiếm 52% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Do đó, triển vọng xuất khẩu sang Mỹ kém khả quan khiến ngành gỗ cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải thích ứng tốt với xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
Tại buổi giao ban Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế tổ chức chiều tối ngày 22/5/2023 do Bộ Ngoại giao chủ trì, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết ngành gỗ là ngành có độ mở rất lớn với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16 tỷ USD năm 2022 và thị trường xuất khẩu rộng lớn. Do vậy, ngoại giao thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng khác có độ mở lớn của Việt Nam.
Từ thực tế đó, ông Lập đề xuất ngành ngoại giao hỗ trợ tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mở rộng các mặt hàng gỗ có tính cạnh tranh cao hơn. Trước mắt tập trung vào vào 3 thị trường chính Bắc Mỹ; Anh và châu Âu và thị trường Đông Bắc Á.
"Cán bộ ngoại giao tại các đại sứ quán Việt Nam đóng tại các quốc gia này, đặc biệt tại các thị trường Mỹ, EU và Đông Bắc Á giúp doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về thực trạng của thị trường về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các cơ chế, chính sách của chính phủ các quốc gia này về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu. Cung cấp thông tin về các yêu cầu cũng như thay đổi về chính sách thương mại của những thị trường chính", ông Lập đề xuất.
Đối với vấn đề phòng vệ thương mại, theo ông Lập, hiện ngành gỗ đang đối diện với 2 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra. "Trong quá trình theo đuổi các vụ kiện trên, doanh nghiệp gỗ Việt rất cần sự hỗ trợ và can thiệp của đại sứ ở các thị trường xảy ra tranh chấp, có các thông tin cảnh báo sớm, các thông tin thị trường để định hướng cho các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu các tranh chấp thương mại xảy ra", ông Lập nói.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị đại sứ quán giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế. Đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng.