Dân Việt

Cài kim vào váy cưới để "bảo vệ" chú rể trong đêm động phòng, cô dâu bị kim đâm xuyên mông

Diệu Linh 23/05/2023 18:06 GMT+7
Mặc váy cưới gài kim ở gấu váy để "cứu" chồng nếu không may động phòng bị "mã thượng phong", nào ngờ chiếc kim khâu chui sâu vào mông cô dâu.

Ngày 23/5, tin Bệnh viện E cho biết, vừa qua, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công lấy một dị vật sắc nhọn bằng kim loại ra khỏi mông trái một cô dâu 23 tuổi, ở Hưng Yên. 

Điều đáng nói, cô gái gặp tai nạn hy hữu khi mặc áo cưới có ghim kim với dự định nếu chồng động phòng có bị "mã thượng phong" thì sẽ dùng kim để cấp cứu. 

Mặc váy cưới ghim kim chuẩn bị "bảo vệ" chú rể trong đêm động phòng, cô dâu bị kim xuyên mông - Ảnh 1.

Ảnh chụp X.quang chiếc kim nằm ở phần mông nữ bệnh nhân. Ảnh BVCC

Đêm động phòng đã gặp tai nạn hy hữu

Chia sẻ về tai nạn hy hữu của mình, cô gái cho biết, vào ngày cưới, cô được  các "cụ" tư vấn gài kim vào gấu váy để "cứu" chồng nếu không may bị "mã thượng phong" hoặc "hạ mã phong" trong đêm động phòng. 

Tuy nhiên, lúc lên xe hoa, cô đã bị chính chiếc kim này đâm vào người. Do chỉ nghĩ là đầu kim chọc vào cơ thể gây đau nên đôi vợ chồng trẻ đã bỏ qua mà không hề hay biết chiếc kim đã chui vào cơ thể cô gái. 

Đến tối, cô gái này thấy nhói đau do chiếc kim đâm sâu vào cơ thể. Ngay lập tức, vợ chồng trẻ đến bệnh viện tuyến dưới để khám. Các bác sĩ có chích da nhưng không tìm thấy dị vật.

Vẫn thấy đau, sáng ngày 22/5, vợ chồng trẻ quyết định lên Bệnh viện E khám. Bác sĩ Kiều Quốc Hiền – Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng mông – ngồi trái. 

Bác sĩ khám thấy có vết chích da dài khoảng 5cm đã được xử trí khâu kín lại. Mặc dù đã được các bác sĩ tuyến dưới xử trí nhưng không thành công, người bệnh kêu buốt và đau đớn, nhất là khi vận động mạnh.

Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có nghi ngờ ngồi vào chiếc kim khâu dài 5cm. Tuy nhiên, do người bệnh đang mang thai nên không thể tiếp xúc với tia X, các bác sĩ cân nhắc việc chỉ định chụp X –quang định vị dị vật.

Sau khi tham vấn các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E, người bệnh được mặc áo chì, chụp đúng phần mông trái để xác định chính xác người bệnh có bị dị vật đâm vào người hay không.

Mặc váy cưới ghim kim chuẩn bị "bảo vệ" chú rể trong đêm động phòng, cô dâu bị kim xuyên mông - Ảnh 2.

Chiếc kim khâu được lấy ra từ mông bệnh nhân. Ảnh BVCC

Theo bác sĩ Hiền chia sẻ, rất may cho người bệnh này, hệ thống phòng mổ của Bệnh viện E có hệ thống máy siêu âm 3D thường được sử dụng trong định vị sỏi khi thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da hoặc xác định vị trí đám rồi thần kinh trong gây tê đám rồi hoặc xác định ven trung ương khi phải can thiệp đặt ven trung tâm… 

Dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy siêu âm, bác sĩ Hiền cùng các cộng sự đã dễ dàng lấy dị vật sắc nhọn bằng kim loại cho người bệnh một cách nhanh chóng. Chỉ sau 5 phút  gây tê, các bác sĩ đã lấy ra một chiếc kim khâu dài 5cm, chưa hoen rỉ nằm sâu trong cơ mông của người bệnh.

Không coi thường dị vật nhỏ như chiếc kim

Bác sĩ Hiền nhận định, đây là một ca bệnh không khó nhưng mức độ nguy hiểm lại nghiêm trọng, bởi một khi cây kim khâu đó xâm nhập vào cơ thể có thể "du lịch" khắp nơi, thậm chí "tấn công" vào tim, phổi, ổ bụng… gây nên hậu quả nghiêm trọng. 

Mặc váy cưới ghim kim chuẩn bị "bảo vệ" chú rể trong đêm động phòng, cô dâu bị kim xuyên mông - Ảnh 3.

Cô dâu phải nhập viện ngay sau ngày cưới đã hồi phục sau khi chiếc kim được lấy ra. Ảnh BVCC

Ngoài ra, người bệnh đang mang thai, việc chỉ định các phương tiện chẩn đoán như chụp chiếu là cẩn trọng, có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi…

Bác sĩ Hiền cũng khuyến cáo, nếu không may người bệnh bị dị vật sắc nhọn đâm xuyên và chui vào cơ thể như kim khâu, kim tiêm… thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp sớm giúp lấy dị vật đó ra một cách nhanh nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra, các bác sĩ còn khuyến cáo, trong trường hợp này, người bệnh không nên dùng các biện pháp dân gian hoặc tự ý lấy dị vật ra, điều này có thể càng khiến dị vật đâm sâu hơn, khó xử trí hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.