Tại sao Việt Nam phải nhờ WHO hỗ trợ tìm kiếm thuốc giải độc Botulinum?

Diệu Linh Thứ ba, ngày 23/05/2023 13:16 PM (GMT+7)
3 bệnh nhân đang bị liệt hoàn toàn, phải thở máy do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium Botulinum. Tuy nhiên, hiện Việt Nam không có thuốc giải độc Botulinum, đang phải tìm cách hỗ trợ từ WHO.
Bình luận 0

Thuốc giải độc Botulinum giá bao nhiêu?

Nhiều người thắc mắc thuốc giải độc Botulinum giá bao nhiêu mà lại khó mua đến như vậy. Trước đó, chia sẻ về điều này, TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, giá của mỗi lọ thuốc BAT lên đến 8.000USD/lọ (khoảng 188 triệu đồng/lọ) cực kỳ đắt đỏ, quý hiếm. 

Hơn nữa, người ngộ độc cần thuốc giải Botulinum không nhiều, nên việc dự trữ thuốc này khá hiếm. Hiện cả nước không còn lọ thuốc giải độc nào và việc tìm mua không dễ. 

Ngày 23/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã cho biết, do ngộ độc Botulinum là bệnh hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm.

Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó giá của thuốc này rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được Bảo hiểm chi trả.

Việt Nam tiếp tục nhờ WHO hỗ trợ tìm kiếm thuốc giải độc Botunilum điều trị cho 3 bệnh nhân gần liệt hoàn toàn - Ảnh 1.

Nhiều người thắc mắc thuốc giải độc Botulinum giá bao nhiêu mà hiếm đến vậy (Bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang bị liệt cơ phải thở máy do không có thuốc giải độc đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh BVCC)

Theo TS Hùng, hiện tại 3 bệnh nhân bị ngộ độc Bolutinum (gồm 2 anh em ruột (26 tuổi, 18 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và một người đàn ông 45 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định) đã bị liệt hoàn toàn vì thiếu thuốc giải độc Botulinum.

Lúc đầu, chỉ có người bệnh 16 tuổi và 45 tuổi phải thở máy nhưng đến thời điểm này, cả 3 bệnh nhân đều phải dùng đến máy thở, sức cơ chỉ còn 0/5-1/5, gần như liệt hoàn toàn. Nếu có thuốc giải độc Botulinum sớm thì các bệnh nhân sẽ hồi phục mà không dẫn đến liệt cơ như hiện nay. 

Với các trường hợp ngộ độc Botilinum đang mắc tại TP.Hồ Chí Minh, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh ngày  21/5/2023, Cục Quản lý Dược đã khẩn trương liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới WHO để xin hỗ trợ giải quyết. 

Trao đổi, làm việc với WHO, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Bộ phận Chăm sóc sức khỏe toàn dân, môi trường và lối sống lành mạnh của WHO, WHO đang khẩn trương liên hệ để tìm nguồn thuốc hỗ trợ.

Ngoài ra Cục Quản lý Dược cũng chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng  để có thêm nguồn cung thuốc.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam phải "cầu cứu" WHO hỗ trợ thuốc giải độc Botulinum. Trước đó, năm 2020 để phục vụ các ca nhiễm độc tố Botilinum do sử dụng pa tê chay có chứa độc tố, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã có những hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (A,B,C,D,E,F,G) – (Equine). Lô thuốc này đã góp phần kịp thời cứu chữa các bệnh nhân.

Việt Nam tiếp tục nhờ WHO hỗ trợ tìm kiếm thuốc giải độc Botunilum điều trị cho 3 bệnh nhân gần liệt hoàn toàn - Ảnh 2.

Nhờ 2 lọ thuốc giải độc Botulinum cuối cùng trên cả nước mà 3 bệnh nhi ngộ độc Botulinum điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hồi phục. (Bệnh nhi ngộ độc Botulinum tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: BVCC)

"Về giải pháp căn cơ, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý và chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. 

Trong các giải pháp thực hiện, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội và đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố Botulinum nói riêng", Bộ Y tế thông báo. 

Việt Nam liên tục có chùm ca bệnh ngộ độc Botulinum

Tuy nhiên, nói ngộ độc Botulinum là bệnh hiếm nhưng thời gian qua tại Việt Nam liên tiếp xảy ra các ca ngộ độc Botulinum chùm. 

Trước khi 3 bệnh nhân kể trên bị ngộ độc Botulinim, nhập viện ngày 20/5, ngày 13/5 cũng đã có 3 em nhỏ bị ngộ độc Botulinum, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh. Khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều chuyển cấp tốc hai lọ thuốc giải độc BAT cuối cùng để điều trị cho các em. 

Nhờ có thuốc giải độc kịp thời mà hiện 3 em bé này đang được điều trị, đã có những bước cải thiện bước đầu về hồi phục sức cơ.

Việt Nam tiếp tục nhờ WHO hỗ trợ tìm kiếm thuốc giải độc Botunilum điều trị cho 3 bệnh nhân gần liệt hoàn toàn - Ảnh 3.

Bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam được dùng những lọ thuốc hiếm cuối cùng trên cả nước (Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy truyền thuốc hiếm cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam tháng 3/2023. Ảnh BVCC)

Tuy nhiên, đây là 2 lọ thuốc giải độc Botulinum cuối cùng trên cả nước, còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca bệnh ngộ độc Botulinum do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3/2023 từ Quảng Nam. 

Trước đó, tháng 3/2023, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã phải mang 3 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum để cứu chữa cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum ở Quảng Nam.

Tháng 9/2020, tại TP.Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate chay khiến hơn 10 người tại miền Nam ngộ độc và hơn 10 người tại miền Bắc ngộ độc. Các bệnh nhân cũng nguy kịch, phải thở máy, cần phải truyền thuốc hiếm BAT. 

Tại sao Việt Nam phải nhờ WHO hỗ trợ tìm kiếm thuốc giải độc Botulinum? - Ảnh 4.

Lọ thuốc giải độc Botulinum cuối cùng của Việt Nam dùng để cứu 3 bệnh nhi bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn chả lụa mua của người bán rong vào ngày 13/5 vừa qua. Hiện còn 3 bệnh nhân đang bị liệt cơ, thở máy nhưng không còn thuốc giải. . Ảnh BVCC

Thời điểm đó, cả nước đã không có một lọ thuốc BAT nào. Chúng ta phải "cầu cứu" các nơi và được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã viện trợ 10 lọ thuốc kháng độc tố Botulinum thì các bệnh nhân mới được cứu sống.

Trước đó, TS Hùng cũng đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế về việc thành lập kho thuốc hiếm để điều phối cho các bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp.

Theo các bác sĩ, các loại thuốc hiếm là do ít bệnh nhân phải sử dụng, có giá rất đắt, nếu lưu trữ lâu mà không dùng sẽ hết hạn phải tiêu hủy. Do đó, các bệnh viện không có điều kiện để tích trữ các loại thuốc này nhưng đến khi cần mà không có thì bệnh nhân có thể sẽ phải chịu tử vong.

"Hiện nay các loại thuốc giải độc không có nhiều về chủng loại, việc xuất hiện trên thị trường ít, do vậy người bệnh khó tiếp cận được.

Đây là loại thuốc giải độc cần nhiều hoạt chất hiếm, giá thành cao, không được sử dụng thường xuyên, không được phổ cập rộng, lợi nhuận không có khiến nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà nhập khẩu. Do vậy với loại thuốc này cần phải có cơ chế đặc biệt, nhà nước phải hỗ trợ để mua thuốc về phân phối cho các bệnh viện, người bệnh mới có cơ hội tiếp cận loại thuốc đó chứ không thể để các cơ sở y tế tự xoay xở".

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem